Công nghệ - Sản phẩm

Mỹ sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ tấn công mạng hiểm độc

(PCWorldVN) Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nhắm đến 'những tay hành động mạng hiểm độc' toan tính hưởng lợi từ các cuộc tấn công số nhằm vào quyền lợi Mỹ, theo trang tin Cnet.

Một sắc lệnh hành chính được công bố hôm 1/4 cho phép Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tư pháp áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào những kẻ xâm nhập mạng của các văn phòng chính phủ và công ty Mỹ.

“Ứng phó sự vụ hiệu quả đòi hỏi khả năng tăng chi phí và giảm hiệu quả kinh tế từ hoạt động mạng hiểm độc”, bà Lisa Monaco, Trợ lý Tổng thống về an ninh nội địa và chống khủng bố nói trong một tuyên bố, “Và điều này có nghĩa là, bên cạnh các công cụ hiện có, chúng ta cần một khả năng ngăn chặn và áp đặt chi phí lên những kẻ chịu trách nhiệm hành động tấn công mạng gây thiệt hại đáng kể ở nơi thực sự khiến chúng thấm đòn, tức nhắm vào lợi ích của chúng”.

tấn công mạng, hacker, chiến tranh mạng
Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nhà Trắng nhắm đến mục tiêu làm cho các tin tặc khó kiếm lợi từ thông tin bị đánh cắp. Sau khi nhận diện những người đứng sau một vụ tấn công mạng, cho dù đó là một cá nhân, công ty hay thậm chí quốc gia, Mỹ có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt mà sẽ ngăn các công ty Mỹ làm ăn với họ. Các cá nhân cũng sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

“Sắc lệnh hành chính này được thiết kế đặc biệt để sử dụng vào việc truy bắt những tay hành động mạng hiểm độc quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt. Nó không phải là công cụ mà chúng ta sẽ sử dụng hằng ngày”, bà Monaco nhấn mạnh.

Sắc lệnh trên được đưa ra sau hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào hàng chục công ty và hàng triệu người trên khắp nước Mỹ. Các vụ xâm nhập đáng kể được ghi nhận trong năm qua bao gồm các vụ nhằm tập đoàn bán lẻ Target, trong đó các tin tặc đã đánh cắp dữ liệu thẻ tín dụng của hơn 10 triệu khách hàng; cũng như vào siêu thị Neiman Marcus, chuỗi nhà hàng P.F. Chang’s, chuỗi bán lẻ đồ thủ công mỹ nghệ Michaels Stores, chuỗi bán lẻ đồ trang trí nội thất Home Depot, chuối cung cấp trang thiết bị văn phòng Staples và hãng bảo hiểm Anthem.

Một trong những vụ đáng chú ý nhất là vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures vào tháng 11/2014, vốn đã làm rò rỉ email cá nhân của các nhà quản lý Sony và thông tin nội bộ về các bộ phim sắp phát hành. Vụ tấn công được cho là có động cơ chính trị nhằm phản ứng với việc hãng trên cho ra mắt bộ phim hài “The Interview”, có nội dung xoay quanh một âm mưu ám sát giả định nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ khẳng định Triều Tiên đứng sau vụ việc, nhưng nước này cực lực bác bỏ.

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy có hơn 1.500 vụ xâm phạm dữ liệu trên thế giới trong năm qua, tăng gần 50% so với năm 2013.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác định an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu trong năm 2015. Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang đưa ra đầu năm nay, ông Obama đã đề xuất bổ sung 14 tỉ USD vào ngân sách 2016 để giúp tăng cường bảo vệ các hệ thống máy tính của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

Hồi tháng 2, chủ nhân Nhà Trắng ký một sắc lệnh hành chính khác nhằm thiết lập một khuôn khổ cho việc chính phủ và các công ty tư nhân chia sẻ thông tin dễ dàng hơn về những mối đe dọa trực tuyến. Ông đã ký sắc lệnh này tại một hội nghị cấp cao về an ninh mạng do Nhà Trắng tổ chức tại Đại học Stanford ở trung tâm thung lũng công nghệ cao Silicon Valley.

Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin và đe dọa trừng phạt chỉ là một phần cuộc chiến chống tấn công mạng. Trên thực tế việc truy tố các hacker là điều cực kỳ khó thực hiện, một phần do các hacker thường cư trú ở các nước như Nga và Trung Quốc, vốn không có hiệp định dẫn độ với Mỹ.

PCWorld

Barack Obama, chiến tranh mạng, hacker, tấn công mạng, tin tặc Trung Quốc


      © 2021 FAP
        3,378,139       652