Công nghệ - Sản phẩm

Facebook với kế hoạch loại bỏ thư rác

(PCWorldVN) Messenger chính là công cụ mà Facebook ấp ủ bấy lâu, không đơn giản là ứng dụng nhắn tin thông thường.

Facebook có một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xóa xổ thư rác. Chắc hẳn bạn biết thư rác là thế nào rồi. Vô số thông báo trên điện thoại di động và máy tính cho bạn biết có email mới, nhưng đa phần chúng đều là dạng thư rác. Chỉ cần mua một món hàng nào đó trên mạng, liền sau đó, bạn nhận ngay cả chục email tương tự từ trang bán hàng ấy để tiếp thị đủ thứ, cho dù khi đăng ký mua hàng, bạn đã bỏ chọn không nhận thư khuyến mãi. Ví dụ, mua 1 món hàng, bạn phải nhận tối thiểu 4 email xác nhận đơn hàng và thanh toán.

Facebook tin rằng họ có thể giải quyết được vấn đề đó.

Facebook đang thử nghiệm giao dịch điện tử qua Messenger với Everlane.

Facebook vừa tổ chức hội nghị các nhà phát triển F8 (nếu quan tâm, bạn có thể xem video stream tại trang web sự kiện) của họ. Marcus, cựu CEO của PayPal, vừa gia nhập Facebook hồi tháng 8 năm ngoái, đã có bài nói chuyện tại hội nghị này với chủ đề là Messenger for Business, đề cập đến một bộ tính năng sắp được Facebook tung ra trong vài tuần tới, cho phép doanh nghiệp gửi biên lai (receipt), thông báo đến khách hàng và tình trạng thông tin gói hàng trên đường vận chuyển, cung cấp dịch vụ khách hàng ở mức cơ bản ngay trên ứng dụng Messenger. Marcus hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ của người dùng và công ty khi liên lạc với nhau.

Marcus nói rằng: "Vấn đề với email là không có ai đứng giữa bạn và doanh nghiệp". Khi hộp thư điện tử của chúng ta càng ngày càng đầy thì doanh nghiệp càng khó thu hút được sự chú ý của người dùng bằng việc gửi email, và điều này càng khiến khả năng tiếp thị thêm khó khăn. "Thực chất, vài nhà cung cấp dịch vụ email cũng có lọc email khuyến mãi ra làm mục chứa riêng", ví dụ như Google Mail.

Bằng cách chèn thêm các thuật toán thanh toán của Facebook giữa bạn và nhà bán lẻ, Marcus hy vọng Messenger sẽ có thể là công cụ cân bằng hoàn hảo, giúp người dùng có được nhiều ích lợi hơn từ dịch vụ mà họ muốn doanh nghiệp cung cấp, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp thiết lập được kênh tương tác mạnh hơn đối với khách hàng.

Động thái này của Facebook xuất hiện khi mà nhiều người dùng lâu năm không dùng Messenger mà chuyển sang dùng các ứng dụng cạnh tranh khác như Snapchat, Kik hoặc Vine. Messenger hiện có 600 triệu người dùng, gần gấp 3 con số cách nay 1 năm. Do vậy, con số này sẽ rất ý nghĩa nếu Facebook muốn hướng Messenger theo cách này. Điểm nhấn đáng chú ý khác là ứng dụng này được mở cho các đối tác bên ngoài, các nhà phát triển bên thứ 3. Đến nay, có gần 50 đối tác bên ngoài đăng ký muốn phát triển Messenger, trong đó có những công ty lớn như ESPN, Giphy (chuyên ảnh GIF).

Marcus ban đầu sẽ không thu phí sử dụng dành cho doanh nghiệp đối với Messenger for Business, nhưng dễ dàng đoán được Facebook cũng sẽ có cách kiếm tiền từ những mối quan hệ này về lâu về dài, như là thu phí doanh nghiệp khi gửi tin nhắn, hoặc đưa ra một tính năng thanh toán, hoặc sử dụng dữ liệu thương mại điện tử giao dịch qua Facebook để cải thiện quảng cáo.

Ban đầu, Messenger for Business sẽ khởi đầu từ từ, xuất hiện cùng với 2 đối tác: công ty bán quần áo và đồ chơi trẻ em Zulily và công ty thời trang phổ thống Everlane. Khi một khách hàng mua hàng trên trang web của họ, khách hàng ấy sẽ có chọn lựa thanh toán thông qua Facebook, khớp nhận diện Facebook với đơn hàng. Marcus cũng liên kết đến trang thanh toán của Everlane để cho thấy một biểu tượng Messenger nhỏ nhúng trên thông tin xác thực và xuất hàng. Cần nhắc rằng mới đây, Messenger vừa có một hệ thống thanh toán peer-to-peer (ngang hàng), người dùng có thể gửi tiền cho người khác, nhưng chưa cho doanh nghiệp, nhưng tính năng này không liên quan gì đến Messenger for Business.

Nếu khách hàng đã thanh toán thì sẽ nhận được một biên lai và thông tin cập nhật ngày nhận hàng trong Messenger. Một bản đồ gọn gẽ cho phép khách hàng theo dõi tình trạng gói hàng trực tiếp từ ứng dụng. Thông báo notification trên điện thoại có thể cho người dùng biết khi nào gói hàng đến nơi cần nhận, và khách hàng có thể theo dõi mọi thông tin liên quan đến đơn hàng của mình thông qua Messenger. Thậm chí trong việc hỗ trợ khách hàng, bạn chỉ việc gửi phàn nàn hay yêu cầu qua Messenger mà không cần phải vào mục hỗ trợ trên trang web của cửa hàng. Mọi thông tin trao đổi qua Messenger đều được lưu lại.

Dĩ nhiên, doanh nghiệp sẽ phải tùy chỉnh tính năng Messenger theo đúng ý của họ. Không phải công ty nào cũng muốn chat trực tiếp với khách hàng. Theo Marcus, một khi mối quan hệ khách hàng-doanh nghiệp được thiết lập thì doanh nghiệp sẽ phải có thể liên lạc với khách hàng để đưa ra những chương trình khuyến mãi, những bản tin newsletter hoặc thông tin cập nhật khác.

Theo cách này, ta có thể dễ dàng hình dung được tương lai của tin nhắn doanh nghiệp mà Facebook vẽ ra, là một kiểu thư rác mới, nhưng không qua hộp thư email. Nhưng theo Marcus, Facebook sẽ giám sát sự tương tác này để chắc rằng tỉ lệ "tác động" là có. Ông trình bày một công thức mà Messenger dựa trên đó để đảm bảo người dùng không bị nhận quá nhiều quảng cáo từ doanh nghiệp. Đây là chiến lược mà Facebook đã làm thành công trên mạng xã hội Facebook khi chọn có bao nhiêu quảng cáo được hiển thị so với dòng thông tin.

Có lẽ Marcus là người mong muốn loại bỏ thư rác nhất, và người có tham vọng nhất về việc chuyển công cụ tiếp thị từ email lên tin nhắn. Nhưng chúng ta cùng chờ xem mọi thứ sẽ như thế nào trong thời gian tới.

PCWorld

Facebook, Messenger, Messenger for Business, Thanh toán di động, ví điện tử


      © 2021 FAP
        3,381,397       722