Công nghệ - Sản phẩm

Microsoft có giống Apple, Nadella có giống Jobs?

(PCWorldVN) Satya Nadella đang cho thấy nhiều phẩm chất giống Steve Jobs khi muốn cứu Microsoft.

Tuần vừa rồi, CEO của Microsoft đã có lời phát biểu mà những người chuộng Windows có lẽ không muốn nghe:

"Thực tế là có đến một nửa tỷ người đang dùng Windows, con số rất ấn tượng. Và chúng tôi muốn có thể tiếp tục phục vụ họ một nền tảng và cải tiến nền tảng đó... Đó là điều chúng tôi muốn tập trung... Chúng tôi có những hy vọng lớn hơn, khát khao lớn hơn cho Windows. Chúng tôi muốn thay đổi người dùng cần Windows thành người dùng muốn chọn Windows, yêu mến Windows. Đó là mục tiêu táo bạo." - Nadella.

Đã lâu rồi, Microsoft lạm dụng Windows, tung ra phiên bản mới như Vista và Windows 8 rồi sau đó "ảo tưởng" cho rằng mọi người không còn chọn lựa khác ngoài việc tiếp tục dùng Windows, bất kể là phiên bản gì. Thái độ này đối với bộ Office cũng không khác là bao.

Khi người dùng thực sự có được sản phẩm thay thế Windows thì họ tiếp cận công nghệ mới ở tốc độ chưa từng thấy trước đây, cụ thể nhất là iPad.

Trong nửa thập kỷ qua, lượng PC bán ra giảm liên tục, nhưng máy Mac vẫn phát triển đều cho dù giá của máy Mac không hề rẻ. Android cũng chứng minh cho thái độ "Tôi không cần mua PC mới" cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp, và Google bây giờ đang ấp ủ những chiếc Chromebook mới. Windows đang ở đâu?

Nadella muốn thay đổi cách người dùng nghĩ về Windows.

Do vậy, phát biểu bên trên của Nadella như khẳng định rằng Windows ngày nay không được yêu mến và mục tiêu của ông là làm cho người dùng quay lại với Windows như thời của Windows 95.

Một điều đáng nói nữa là Nadella cực kỳ rõ ràng trong việc biến Windows thành một hệ điều hành tuyệt vời, không đả động gì đến những triều đại Windows trước đây.

Những yếu tố trên khiến ta nhớ lại thời Apple năm 2000. Apple lúc ấy dường như phớt lờ thị trường ngoài dòng sản phẩm Mac sau vài năm kinh doanh tồi tệ, bớt tập trung vào máy tính Performa gây xôn xao dư luận lúc đó và hoàn toàn tập trung nguồn lực vào việc hiện đại hóa Mac OS.

Apple thay một loạt CEO nhưng toàn gặp người không định nghĩa được Apple là gì, trong khi đó đội ngũ kỹ sư lại tạo cho Apple một nền văn hóa doanh nghiệp lai tạp đủ kiểu.

Vào cuối những năm 1990, Apple có thể xem là thảm hoạ, đến nỗi tạp chí Macworld lúc ấy đơn giản là chỉ còn ủng hộ những máy Mac sao chép mẫu mã chỉ bởi vì tạp chí này không còn tin tưởng rằng Apple có thể bảo đảm cho nền tảng Mac OS nữa. 

Thời điểm ấy, hầu hết người dùng đều từ bỏ Apple. Nhưng sau đó, CEO Steve Jobs xuất hiện, và ông đã thực hiện một việc lớn lao: đơn giản hóa dòng sản phẩm Mac vào năm 1998, đưa ra một phiên bản hệ điều hành Mac OS mới vào năm 1999 (mà đến nay chúng ta biết đến OS X), và giới thiệu iPod năm 2001, theo ngôn ngữ không khác gì mấy so với Nadella ngày nay:

"Chúng ta đang nuôi dưỡng vài tài sản rất tuyệt vời trong ngành công nghiệp máy tính. Nếu chúng ta muốn tiến tới trước và thấy Apple khoẻ mạnh, thịnh vượng một lần nữa thì chúng ta phải từ bỏ vài thứ... Bạn không thể nói đến lợi nhuận, bạn phải nói về trải nghiệm mang lại cảm xúc... Nếu chúng ta thực hiện tốt công việc, chẳng ai có thể làm giống những gì chúng ta có thể làm." - Steve Jobs.

Dĩ nhiên, Microsoft chưa giống đến mức Jobs quay lại Apple vào năm 1997, Microsoft có một dòng sản phẩm máy chủ khoẻ khoắn và mảng kinh doanh điện toán đám mây vững chắc mà những thất bại lặp lại liên tục của Windows và Windows Phone không tác động gì nhiều.

Văn hóa của Microsoft cũng không có nhiều chỗ cho nạn ăn cắp mẫu mã hay nội bộ xâu xé nhau, nhưng thỉnh thoảng Microsoft "bị đơ", như các nhóm sản phẩm không hỗ trợ nhau, khiến Windows cứ như chỉ còn là thương hiệu, không phải là nền tảng. Sự thiếu mối liên kết giữa PC Windows, Windows Phone, Xbox đã cho thấy điều đó. Vẫn chưa hiểu tại sao Microsoft lại vứt bỏ một nền tảng cực tốt dành cho doanh nghiệp là Windows Mobile để phát triển Windows Phone, để cuối cùng trao thị trường di động dành cho donah nghiệp vào tay Apple iPhone, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Windows Phone.

Cái "đơ" của Microsoft cũng nằm ở chỗ họ thay đổi giao diện người dùng quá chóng vánh giữa hai phiên bản Windows kề nhau, không cho người dùng bước đệm nào, có vẻ như phớt lờ đi tính tiện dụng mà chỉ chăm chăm vào cải tiến nền tảng.

Giống cách mà Steve Jobs làm với Mac và đặt ra tầm nhìn dài hạn cho OS X, Nadella cũng đang làm điều tương tự với Windows và các chủng loại phần cứng. Nadella cũng cho thấy Microsoft đang cố gắng tìm kiếm những lĩnh vực kinh doanh mới ngoài Windows, theo cách Apple từng làm với iPod, và sau này là iPhone và iPad. Nhưng Nadella khó có thể bày ra thứ gì mới khi còn phải "dọn dẹp" những sản phẩm/dịch vụ hiện thời như Microsoft Azure, Xbox và mới đây là công nghệ thực tế ảo HoloLens.

Điều đáng nói ở đây không phải là Nadella có khai sinh ra dòng sản phẩm mới nào hay không, nhưng là liệu ông có tạo được một tầm nhìn dài hạn cho chúng hay không, cả về bản thân sản phẩm lẫn chiến lượng lâu dài cho Microsoft.

Steve Jobs rõ ràng có một chiến lược cho Mac, iPod, iPhone, iPad, Apple TV và bây giờ là Apple Watch, là những sản phẩm mà CEO đương nhiệm Tim Cook tận dụng để nhảy vào các lĩnh vực mới, từ tự động hóa gia đình cho đến các dịch vụ dựa trên thiết bị.

Nadella có được tầm nhìn rõ ràng, ông cũng có một kế hoạch cải tổ hoành tráng cho Microsoft. Nhưng thực hiện thế nào, giống được Steve Jobs của Apple đến mức nào thì cần có thời gian trả lời. Nhưng đây có thể xem là dấu hiệu tốt cho Microsoft.

PCWorld

Apple, chiến lược sản phẩm, kinh doanh, Microsoft, Nadella, Steve Jobs


      © 2021 FAP
        3,402,145       236