Công nghệ - Sản phẩm

Đám mây sẽ thay đổi cuộc sống người dùng

Nền tảng và dịch vụ đám mây, được coi là nhân tố quan trọng góp phần làm biến đổi lộ trình phát triển của doanh nghiệp, cũng như mang lại những thay đổi lớn trong cuộc sống công nghệ của người dùng trong tương lai.

Microsoft Việt Nam vừa có buổi giao lưu và chia sẻ về công nghệ đám mây. Tại sự kiện này, lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ Microsoft đã mang đến nhiều thông tin hữu ích và thực tiễn cũng như giúp khán giả hiểu rõ hơn những giá trị cốt lõi từ giải pháp và công nghệ Đám mây của Microsoft thông qua các phần thuyết trình và demo về Windows Azure, Office 365 và Windows 8.1. 

Với tầm nhìn tương lai về vai trò đi đầu của điện toán đám mây, Microsoft đã tạo ra những nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp đám mây, từ đám mây riêng, đám mây công cộng đến đám mây lai đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Được coi là mô hình phát triển chính của Microsoft, giải pháp đám mây lai là nội dung thảo luận được mong đợi nhất tại sự kiện lần này bởi đây là điểm mấu chốt, lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ sở hạ tầng, ứng dụng và dữ liệu hiện tại của các doanh nghiệp một cách linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Microsoft Azure là giải pháp về đám mây giúp doanh nghiệp xây dựng và quản lý các ứng dụng hiện đại, phân tích thông tin chính xác hơn từ các nguồn dữ liệu khác nhau.

Gói dịch vụ Windows Azure, được xây dựng trên nền tảng quen thuộc của Windows Server và System Center, mang đến giải pháp thân thiện và linh hoạt cho phép các doanh nghiệp có thể tận dụng để tự cung cấp dịch vụ và quản lý cơ sở hạ tầng theo giải pháp Hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) ví dụ như các máy ảo, quản lý các dịch vụ ứng dụng theo giải pháp Nền tảng như một dịch vụ (PaaS), ví dụ như các trang web. Với gói dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm các dịch vụ đồng nhất với hệ điều hành Windows Azure, tích hợp các cấu thành ứng dụng, lưu trữ ứng dụng web mật độ cao, và cơ sở hạ tầng linh hoạt.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: "Với giải pháp đám mây lai, Microsoft đã hiện thực hóa nhu cầu của các doanh nghiệp về một trung tâm dữ liệu phi giới hạn, giúp họ có được sự kết nối nhuần nhuyễn giữa cơ sở hạ tầng tại chỗ của mình với đám mây công cộng."

Theo Microsoft, việc tận dụng những tính năng từ Windows Azure, các doanh nghiệp có thể tạo ra một cơ sở hạ tầng với tính linh hoạt và độ bảo mật cao, đồng thời luôn sẵn sàng để mở rộng khi có nhu cầu.
Ngoài ra, dịch vụ đám mây Microsoft còn có bộ tiện ích văn phòng Office 365 với các ứng dụng Microsoft Office và những công cụ làm việc cộng tác và truyền thông hợp nhất như Exchange Online, SharePoint Online, Lync Online, OneDrive for Business, và Yammer. Office 365 còn được tối ưu hóa cho thiết bị có màn hình cảm ứng nên người dùng có thể sử dụng hiệu quả trên máy tính bảng và smartphone.

Microsoft cho biết, Office 365 có những tính năng được 60% các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới thuộc Fortune 500 sử dụng trong một năm vừa qua, là giải pháp công nghệ dành cho doanh nghiệp có sức tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử của hãng, và được báo chí trên toàn thế giới đánh giá cao và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ “trên mây” ngày càng cao, Microsoft đã nâng dung lượng OneDrive miễn phí cho người sử dụng Office 365 cá nhân lên đến 15GB. Người dùng thuê bao còn có thể lưu trữ 1TB dữ liệu trên OneDrive.

Microsoft cũng trình bày về khả năng kết hợp của hệ điều hành Windows 8.1 với Windows Azure và Office 365. Việc kết hợp này mang lại hiệu quả công việc tốt hơn ở công sở, tại gia hay khi đang di chuyển.

Các doanh nghiệp thường có mối quan tâm hàng đầu đến việc có được một nền tảng đồng nhất về mặt ứng dụng trên mọi thiết bị của lãnh đạo, nhân viên điều hành hay các nhân sự thông thường. Do đó, Microsoft phát triển các ứng dụng của Windows trên Windows Stores nhằm đáp ứng nhu cầu này. Bên cạnh các ứng dụng giải trí, Windows Apps cũng có những ứng dụng giúp giải quyết các vấn đề phức tạp. 

PCWorld

cloud, Điện toán mây, Microsoft, microsoft azure, ứng dụng điện toán đám mây


      © 2021 FAP
        3,413,083       187