Công nghệ - Sản phẩm

Gia tộc Lee - những người lãnh đạo Samsung

Khám phá những ẩn số về các nhà lãnh đạo của Samsung qua từng thời kỳ sẽ góp phần lý giải sự thành công của tập đoàn này trong nửa thế kỷ qua.

“Hán giang kỳ tích” hay còn được gọi là “Kỳ tích sông Hàn” là cụm từ đề cập tới thời kỳ tăng trưởng vũ bão của kinh tế và thành tựu khoa học xã hội, đưa Hàn Quốc từ đống tro của chiến tranh tàn trở thành con hổ Châu Á. Nhiều tập đoàn lớn được sản sinh như Samsung, LG và Hyundai đã góp phần vào tăng trưởng GDP của Hàn Quốc cán mốc 1.000 tỷ USD.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn, chiếm lĩnh hầu hết thị trường từ xe hơi cho đến tàu chở dầu. Đa số là các tập đoàn doanh nghiệp gia đình hay còn gọi là Chaebol và tất cả đều lớn mạnh sau năm 1945 khi những người sáng lập được cho là có mối quan hệ mật thiết với chính phủ thân Nhật đương thời. Samsung là điển hình trong sự phát triển của Chaebol và nền kinh tế của Hàn Quốc. Đây là tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn trong sự phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau “Kỳ tích sông Hàn", đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Doanh thu của tập đoàn chiếm 17% tổng 1.082 tỉ đô la Mỹ sản phẩm quốc nội (GDP).

Giải ngân hà bắt đầu từ những gói mì

Samsung, với nghĩa chiết tự là “tam tinh” (3 ngôi sao – PV) ban đầu chỉ là giấc mơ 3 ngôi sao sáng của người sáng lập Lee Byung Chull (1910-1987) trong ngành sản xuất mì gói. Nhưng đến thời điểm hiện nay, 3 ngôi sao đã trở thành giải ngân hà vươn tầm thế giới. Cái tên Samsung có mặt trong mọi lĩnh vực từ điện tử - viễn thông, bảo hiểm, y tế, giải trí cho đến cả may mặc và thực phẩm. Lee Byung - Chull đã từng theo học tại đại học Waseda ở Nhật Bản nhưng không tốt nghiệp và trở về nhà tham gia vào một số dự án kinh doanh gia đình.

Vào năm 1938, khi vừa đúng 30 tuổi, Lee thành lập công ty thương mại nhỏ có tên Samsung Sanghoe ở thành phố quê hương Daegu. Công ty này chuyên nhập khẩu, xuất khẩu và sản xuất thực phẩm. Logo của Samsung luôn đi kèm với 3 ngôi sao cho đến khi thay đổi vào năm 1993.
Với sự sụp đổ của chế độ thực dân, Lee Byung-Chull đã có quyết định dũng cảm và thông minh khi chuyển trụ sở chính đến Seoul vào năm 1947 trước thời điểm Seoul trở thành thủ đô của Hàn Quốc. Lúc này, Samsung trở thành một trong 10 “công ty thương mại” lớn nhất Hàn Quốc thời bấy giờ.

Lee và Samsung đã vượt qua những năm hỗn loạn của chiến tranh Triều Tiên với nhiều sự thay đổi về chính trị. Ông biết cần phải làm gì để thành công, đặc biệt là việc duy trì mối quan hệ ấm cúng với Chính phủ để bảo đảm có được những hợp đồng kếch xù trong lĩnh vực thương mại xuất khẩu. Vào cuối thập niên 1950, Lee Byung - Chull trở thành người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc nhưng cũng được coi là một biểu tượng của tham nhũng.

Khi cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16 tháng 5 năm 1961 diễn ra thì Lee Byung - Chull  đang ở cùng người vợ thứ 2 tại Nhật Bản. Ông trở thành một trong những người bị điều tra tham nhũng của chính phủ mới thành lập. Sau một thời gian điều đình, thì để  hòa hợp với Tướng Park Chung - Hee, người đứng đầu chính quyền quân sự lúc bấy giờ, một thỏa thuận đã được thông qua có lợi cho Samsung. Trong đó, Chính phủ bỏ qua những lỗi lầm quá khứ của Lee, miễn là ông sẵn sàng phục vụ cho mục tiêu của Chính phủ mới: biến Hàn Quốc thành một đất nước công nghiệp.

Song song với việc thực thi thỏa thuận, thì tới năm 1966, Samsung lại dính vào vụ bê bối liên quan đến nhập khẩu bất hợp pháp, khiến Lee Byung - Chull phải từ chức và sống lưu vong một thời gian ngắn.

Từ những năm 1960 cho đến nay, Samsung vẫn là một trong các công ty lớn nhất của Hàn Quốc. Ban đầu, tập đoàn Samsung tập trung vào công nghiệp nhẹ, nhưng khi nền kinh tế phát triển và nền tảng được tích lũy, công ty bắt đầu dấn vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và thị trường nhiều hơn. Samsung Electronics được thành lập vào năm 1969.

Trong những năm 1970, tập đoàn của Lee Byung - Chull  được Hàn Quốc chọn làm người dẫn đường cho ngành công nghiệp đóng tàu. Ngày nay, Samsung Heavy Industries là công ty đóng tàu lớn thứ 2 trên thế giới. Trong khi đó, Samsung Electronics là nhà sản xuất màn hình LCD, LED và chip máy tính lớn nhất thế giới.

Giống như hầu hết những người sáng lập nền công nghiệp Hàn Quốc, Lee Byung - Chull là minh chứng cho sự khôn ngoan, tỉnh táo trong thời thế, nhạy bén trong kinh doanh và nỗ lực làm việc cần cù không ngừng nghỉ. Suốt cuộc đời của mình, Lee Byung - Chull đã tạo nên một Samsung nổi tiếng với hệ thống quản lý chặt chẽ và trong đó, ông chủ là người biết tất cả mọi thứ. Ông từng bị chỉ trích vì đã can thiệp vào tất cả buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân viên mới từ năm 1957 cho đến năm 1986 - tổng cộng khoảng 100.000 cuộc phỏng vấn.Ông thích hình ảnh của một người đứng đầu gia đình, quan tâm đến mọi người nhưng cũng rất nổi tiếng với việc đối phó với tổ chức công đoàn.

Lee Byung - Chull qua đời vào năm 1987, để lại công ty cho con trai của ông Lee Kun - Hee. Khác với học vấn ngắn ngủi của cha mình, Lee Kun - Hee xuất thân từ các trường danh tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Điều thú vị là ông tốt nghiệp Đại học Waseda, ngôi trường mà cha ông đã từng theo học và bỏ lửng giữa chừng.

Ông Lee Byung - Chull có 3 con trai và 5 con gái, trong đó Lee Maeng - Hee là con trai cả và Lee Kun - Hee là con trai thứ. Trước đó Lee Maeng - Hee đã được lựa chọn để lãnh đạo Samsung trong năm 1967 khi bố ông nghỉ hưu nhưng Lee Byung - Chul cho rằng người con này không đủ sự khôn ngoan.

Mối quan hệ cuối cùng đã bị cắt đứt sau khi cuộc đảo chính do con trai thứ 2 Lee Chang - Hee tiến hành. Chang - Hee đã tố cáo với chính phủ rằng bố mình có quỹ đen lên đến 1 triệu USD ở nước ngoài. Lee Byung - Chull cho rằng người con trai cả cũng đã tham gia vào âm mưu này. Ông đã dần loại bỏ quyền lực của người con cả và đẩy người con thứ Chang - Hee đến Mỹ. Năm 1976, khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, ông đã quyết định lựa chọn Lee Kun - Hee là người thừa kế.

Gia tộc thịnh vượng

Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun- Hee, Samsung đã bắt đầu chuyển đổi từ công ty Hàn Quốc trở thành tập đoàn thế giới với tư cách là thương hiệu châu Á mạnh mẽ bậc nhất. Doanh thu hiện nay cao gấp 59 lần so với năm 1987 và tạo ra 20% GDP của Hàn Quốc, còn Lee Kun- Hee trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.

Vào tháng 6/1993, Lee Kun - Hee đã phát động cuộc cách mạng mạnh mẽ để thay đổi toàn diện Samsung với tuyên bố hãng này sẽ chiếm 1/2 tiêu chuẩn toàn cầu. Ông kêu gọi mỗi nhân viên “thay đổi tất cả trừ gia đình của bạn” và điều này đã trở thành văn hóa của Samsung cho đến nay.

Lee Kun - Hee cho rằng sự thiếu sót của Samsung cũng chính là điểm yếu cơ bản của xã hội Hàn Quốc, bao gồm cả hệ thống giáo dục học vẹt và phong cách độc đoán của lãnh đạo. Theo những gì Lee gọi là khái niệm "quản lý mới" của Samsung thì cấp dưới phải chỉ ra lỗi của những người lãnh đạo họ. Phong trào này cũng nhấn mạnh chất lượng sản phẩm hơn số lượng sản phẩm, cho phép phụ nữ trong nhóm điều hành cấp cao, nuôi dưỡng tinh thần thế giới khi dùng nhiều nhân viên nước ngoài.

Năm 1995, Lee Kun - Hee thực sự thất vọng về sản phẩm của Samsung khi một số thiết bị được đem làm quà tặng năm mới lại không hoạt động và bị than phiền. Để các nhân viên hiểu hơn về tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, ông đã ra lệnh cho họ dùng 150.000 mẫu điện thoại đời mới SH-700, tổng trị giá gần 50 triệu USD xếp thành cột cao ở nhà máy sản xuất tại Gumi. Phía trên là tấm băng lớn in dòng chữ "Chất lượng là niềm tự hào của tôi", sau đó hơn 2.000 nhân viên đã được triệu tập để tận mắt chứng kiến buổi tiêu hủy loạt sản phẩm đó. Hay một hoạt động hồi tháng 5/2012 là tiêu hủy 100 ngàn ốp lưng Galaxy S3 đang ở trong kho và cả hàng chờ ở sân bay vì lời phàn nàn lớp sơn không đẹp.

Năm 1996, Samsung Electronics trở thành công ty xuất khẩu chip, bộ nhớ hàng đầu thế giới và doanh thu đạt 87 tỷ USD, tương đương khoảng 19% tổng sản phẩm nội địa của Hàn Quốc.

Cũng vào năm này, Lee Kun - Hee là một trong số11 doanh nhân Hàn Quốc dính vào vụ bê bối chính trị trong quá trình quyên tiền cho cựu tổng thống Roh Tae Woo. Nhà báo Lee Sang - Ho đã công bố đoạn ghi âm của phó chủ tịch Samsung LeeHak - Soo nói chuyện với đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ, Hong Seok - Hyun. Cuộc trò chuyện tiết lộ kế hoạch Samsung đang hối lộ các công tố viên cao cấp và chuyển cho các ứng viên tổng thống mỗi người 3 tỷ won, tương đương 3 triệu USD. Trongtháng 8/1996 Lee đã bị kết án 2 năm tù giam, nhưng hình phạt đã bị đình chỉ trong 3 năm. Sau đó ông được ân xá bởi tổng thống mới lúc bấy giờ Kim Young Sam.

Cuối những năm 1990, Lee Kun - Hee đã lèo lái con thuyền Samsung vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và bắt đầu thế kỷ 21 với vị thế tập đoàn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ông bị đánh giá là luôn nhập nhằng giữa chính trị và kinh doanh, nhưng dường như đó là điều tất yếu đối với một tập đoàn chủ đạo của Hàn Quốc.

Một cuốn sách năm 2010 của cựu giám đốc tư vấn pháp lý Samsung, Kim Yong - Chul đã gây bão trên toàn đất nước này. Cuốn sách tiết lộ những chi tiết gây sốc khi cáo buộc Lee Kun - Hee tham nhũng và chiếm đoạt các công ty thành viên của Samsung với tổng giá trị lên đến 10 nghìn tỷ won (khoảng 10 tỷ USD).  Những hành động hủy chứng cớ hay hối lộ quan chức Chính phủ để đảm bảo các hoạt động suôn sẻ là điều diễn ra thường xuyên . Đại đa số cơ quan phương truyền thông từ chối quảng bá cuốn sách, người dân giận dữ những cáo buộc về Lee Kun - Hee

Lee Kun - Hee đã phải từ chức chủ tịch Samsung vào tháng 4/2008 sau khi bị truy tố vì tội lợi dụng tên tuổi để tham ô và trốn thuế. Tháng 7/2008, ông bị kết án 3 năm tù treo và nộp phạt khoảng 110 tỷ won (100 triệu USD) - cái giá khá rẻ đối với người giàu thứ 109 thế giới. Sau đó, một lần nữa Lee Kun-hee được ân xá vào tháng 12/2009 bởi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung -Bak để ông tiếp tục tham gia vào Ủy ban Olympics quốc tế.

Cuộc khủng hoảng của Samsung chưa dừng tại đó, khi đầu năm 2012 họ lại tiếp tục bị kết tội vì đã sao chép thiết kế của Apple và phải nộp phạt lên đến 1 tỷ USD. Một vấn đề lớn được đặt ra đối với nền văn hóa Samsung: mặc dù thành công lớn về tài chính bắt đầu định hình với các thiết bị như Galaxy S III nhưng công ty vẫn chưa tạo ra một sản phẩm mang tính biểu tượng thực sự, một sản phẩm đột phá tầm thế giới như iPhone hoặc Walkman. Những cải cách của Lee Kun - Hee có thể tạo nền tảng vững chắc cho Samsung nhưng có thể không đủ để đi xa khi thị trường đã bão hòa. Và thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Samsung được hi vọng sẽ là người thay đổi đế chế này.

Những xung đột, kiện tụng của gia tộc nhà Lee Byung Chull không chỉ ảnh hưởng tới chính trị mà còn gây xáo trộn nền kinh tế, ngốn nhiều giấy mực của báo chí thế giới trong hơn 1/4 thế kỷ qua. Cuộc chiến giữa hai anh em một nhà của dòng họ Lee này đã khép lại vào tháng 2/2013 sau khi tòa án bác đơn đòi quyền hưởng di chúc của người anh cả Lee Maeng Hee.

Tuy gia đình họ Lee có nhiều rắc rối nhưng họ vẫn là gia đình giàu có và thế lực nhất Hàn Quốc. Bà Lee Myung-hee, Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ Shinsegae từ năm 1991 và là người phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc hiện nay với tổng giá trị tài sản lên đến 1,7 tỷ USD. Lee Myung - Hee chính là em gái ông Lee Kun-hee- người đứng đầu tập đoàn Samsung.

Lee Kun Hee năm nay đã 72 tuổi, khá lặng lẽ và sống ẩn dật nhưng vẫn quyết định mọi kết hoạch liên quan đến tương lai của Samsung. Và việc thông tin Samsung đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3 đang khiến cả thế giới nhòm ngó.
 

Tất cả đang chú ý vào người con trai duy nhất của Lee Kun Hee là Lee Jaeyong, 44 tuổi, tốt nghiệp Harvard và hiện nay đang giữ chức Phó Chủ tịch của Samsung Electronics. Ông được giới truyền thông Hàn Quốc gọi là “Thái tử của Samsung” và là người kế nhiệm bố mình trong tương lai. Lee Jaeyong không có được uy tín như ông bố nhưng lại là người khá điềm tĩnh, lạnh lùng và quyết đoán.Việc gia đình đổ vỡ cũng khiến hình ảnh Jaeyong không tốt trong xã hội Hàn Quốc.

Jaeyong phải vượt qua hai đối thủ khác là chị và cô em gái để có thể chính thức trở thành người đứng đầu của Samsung. Theo danh sách tháng 4/2014 của Forbes, tỷ phú Lee Boo - Jin xếp thứ 19 với khoảng 1,3 tỷ USD tài sản. Còn cô em gái Lee Seo-Hyun là người giàu thứ 20 tại Hàn Quốc, với tổng tài sản ước tính 1,2 tỷ USD. Hiện nay Lee Bu- Jin là chủ tịch khách sạn Shilla còn Lee Seo - Hyun là Phó chủ tịch Tập đoàn Cheil Industries.

Dẫu ai được chọn là thế hệ thứ 3 lãnh đạo Samsung thì tập đoàn Cheabol này vẫn mãi là người gia tộc họ Lee. Người được chọn phải khôn ngoan như nhà sáng lập Lee Byung - Chull và mạnh mẽ như Lee Kun Hee hiện nay.
 

PC World VN, 08/2014

 

PCWorld

CEO Samsung, gia đình Lee, gia tộc Lee, lãnh đạo doanh nghiệp, Samsung


      © 2021 FAP
        3,433,283       561