Công nghệ - Sản phẩm

Intel - cỗ máy tốc độ có theo kịp cuộc đua di động

Ngự trị trên đỉnh cao thế giới ở lĩnh vực vi xử lý trong suốt một thời gian dài thập niên 90, nhưng tại thời điểm hiện tại Inlel dường như quá chập chạp trong cuộc đua phân khúc thiết bị di động.

Tập đoàn Intel được thành lập vào ngày 18/7/7968 bởi những con người đươc xem là nhân tố định hình cho ngành công nghiệp điện toán: Robert Noyce (1927 - 1990) và Gordon Moore (1929). Là những người tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn, Gordon Moore nổi tiếng với định luật Moore đã phát triển cùng với thế giới công nghệ gần nửa thế kỷ nay, trong khi Robert Noyce là một nhà vật lý với phát minh về mạch tích hợp.

Lúc đầu Gordon Moore và Robert Noyce muốn đặt tên cho công ty là "Moore Noyce", tuy nhiên việc phát âm lại giống "more noise  – tăng nhiễu" không thực sự thích hợp với công ty điện tử. Công ty này đã dần đổi tên thành NM Electronics rồi sau đó là Integrated Electronics hay gọi tắt là Intel. Nói về thành công của Intel cần phải nhắc đến 2 thành viên khác đó là Andy Grove  - nhà lãnh đạo với khả năng điều hành xuất sắc và tầm nhìn rộng, người còn lại vốn không phải là nhân viên, mà là nhà đầu tư Arthur Rock.

Intel là nhà phát triển đầu tiên về dòng bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên SRAM, DRAM và đã thống lĩnh thị trường doanh nghiệp cho đến những năm 80. Sản phẩm đầu tiên của hãng vào năm 1969 là 3101- 64 bit Schottky Bipolar RAM Die - bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tĩnh có khả năng xử lý cao gấp hai lần các đối thủ trên thị trường. Cùng trong năm này, Intel cũng tham gia sản xuất bộ nhớ chỉ đọc ROM, transistor hiệu ứng trường oxit kim loại - bán dẫn MOSFET, bộ nhớ 1101- 256 bit...

Mặc dù Intel đã tạo ra vi xử lý dành cho thị trường thương mại đầu tiên (Intel 4004) vào năm 1971 nhưng không tạo được sự thành công cho đến khi máy tính cá nhân trở thành ngành kinh doanh chính của mình. Năm 1983, khi thị trường bán dẫn đi xuống bởi cạnh tranh từ các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, thành công bất ngờ của máy tính cá nhân IBM đã khiến Intel quyết tâm hơn trong việc theo đuổi con đường sản xuất vi xử lý.

Chip nổi tiếng 486 của Intel được giới thiệu vào năm 1989 có tốc độ xử lý nhanh hơn 100 lần so với thế hệ đầu tiên là Intel 4004, và là tiền thân của thế hệ vi xử lý thương hiệu Pentium được sản xuất vào năm 1993. Chip Pentium cho phép máy tính dễ dàng hơn trong việc tích hợp những dữ liệu ‘thế giới thực” như giọng nói, âm thanh, ký tự viết tay và các ảnh đồ họa...

Bắt đầu thập niên 90 với tư thế là nhà cung cấp vi xử lý cho IBM và hàng loạt công ty sản xuất máy tính khác, Intel đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong sự phát triển thị trường máy tính cá nhân. Từ đó Intel bắt đầu có 10 năm tăng trưởng thành công chưa từng có và trở thành nhà cung cấp phần cứng lớn nhất cho ngành công nghiệp máy tính trên thế giới.

Năm 1991, Intel thực hiện chương trình tiếp thị “Intel Inside” với trung tâm là chương trình quảng cáo hợp tác đôi bên với các nhà sản xuất. Andrew Grove - Tổng giám đốc Intel thời đó đã dành riêng 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Và các nhà quan sát đều đã nhận định đây là hành động điên rồ khi quảng bá dòng sản phẩm tương đối khó hiểu với người tiêu dùng. Intel sẽ chịu một phần chi phí cho tất cả các quảng cáo in có chứa logo Intel của tất cả các công ty sản xuất máy tính (OEM).

Sau 5 tháng, 300 nhà sản xuất máy tính đã tham gia chương trình này. Intel còn tạo ra một đoạn nhạc 3 giây có hiển thị logo. Bắt đầu từ năm 1995, đoạn nhạc này ăn sâu vào trí nhớ của hàng triệu người tiêu dùng và tạo ra hình ảnh nổi bật cho đến nay về Intel. Sự đầu tư vào tiếp thị đem lại kết quả rất tích cực cùng với sự hỗ trợ của việc tung ra sản phẩm Pentium (1993) và Pentium Pro (1994). Khi chip Pentium III ra đời vào năm 1999, chiến dịch quảng cáo toàn cầu được ước tính ngốn khoảng 150 triệu đô-la trong ngân sách.

Tính đến năm 2005, có tới 90% máy tính trên toàn thế giới sử dụng vi xử lý của Intel. Doanh thu cùng năm của Intel ước tính đạt trên 38 tỷ USD. Năm 2011, Intel xếp hạng 61 trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới theo Millward Brown Optimor. Từ năm 1991, Intel đã trở thành hãng sản xuất chip lớn nhất về số lượng cũng như doanh thu và đã giữ vị trí này cho đến nay. Các đối thủ chính của Intel trên thị trường chip máy tính bao gồm AMD, VIA Technologies, SiS và Nvidia. Đối thủ cạnh tranh của Intel trong lĩnh vực hệ thống mạng bao gồm Freescale, Infineon, Broadcom, Marvell Technology Group và AMCC.

Sau năm 2000, nhu cầu tăng trưởng bộ vi xử lý cao cấp chậm lại. AMD - đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong kiến trúc x86 nay đã trưởng thành dẫn đến vị trí thống trị của Intel bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ lúc đó, hàng loạt cố gắng trong việc đa dạng hóa nền tảng kinh doanh của Intel lại trở nên không thực sự thành công như mong muốn.

Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Paul Otellini phải đối mặt với một tương lai khó khăn nếu không có sự thay đổi nhanh chóng. Tăng trưởng doanh thu đạt trung bình 13% trong 3 năm từ 2003 - 2005. Và khi AMD tung ra chip Opteron và Athlon64, vượt qua Intel cả về sức mạnh tính toán lẫn mức điện năng tiêu thụ, thị trường của hãng sản xuất chip này đã tăng 17,8% trong quý 4/2005 so với 16,6% đầu năm 2003.

Năm 2005, Paul Otellini đã quyết định thực hiện công cuộc tái cơ cấu tập đoàn khi tái tập trung vào vi xử lý và chipset vào các nền tảng doanh nghiệp, lĩnh vực dân sự kỹ thuật số hay số hóa ngành y tế, và điện toán di động. Trong năm 2007, Intel công bố vi kiến trúc Core và đã tạo nên bước nhảy vọt trong lĩnh vực xử lý. Từ đó Intel quay trở lại vị thế của người dẫn đầu dòng sản phẩm PC với loạt sản phẩm công nghệ xuất sắc như vi kiến trúc Penryn 45 nm hay bộ xử lý Nehalem được đánh giá tích cực. Tuy nhiên đây là thời điểm bắt đầu cho kỉ nguyên di động nhưng dường như Intel đã không có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Năm 2010, Intel đã bắt đầu kế hoạch mua lại công ty công nghệ bảo mật máy tính McAfee và hoàn tất vào năm 2011 với giá 7,7 tỷ USD. Ngoài thương vụ này, Intel còn có những vụ sát nhập đình đám khác như mua lại Infineon Technologies - chuyên về giải pháp không dây hay Fulcrum Microsystems Inc chuyên về lĩnh vực mạng vào năm 2011. Intel cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo khi mua lại Omek Interactive - công ty chuyên về công nghệ ngôn ngữ cử chỉ và công ty Indisys về trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất chip - ngành chủ đạo của mình thì dường như Intel vẫn chưa thể tìm lại vị trí đỉnh cao. Chip dành cho máy tính thì bị cạnh tranh bởi AMD còn vi xử lý dành cho thiết bị điện thoại di động thì Intel đang bị đối thủ ARM bỏ xa.

Chiến dịch marketing Intel inside
Nỗ lực của Intel với Bay Trail
Vi xử lý Intel 4004
Medfield của Intel trên di động

Chuyển mình để thay đổi
Năm 2014, Intel quyết tâm đánh mạnh vào mảng vi xử lý dành cho thiết bị di động cầm tay khi sẵn sàng chi hàng tỷ USD trong việc đưa Bay Trail tiếp cận với người dùng thông qua loạt sản phẩm chạy hệ điều hành Android, vốn xưa nay sử dụng chip ARM. Sự phát triển nhanh chóng của máy tính bảng và điện thoại thông minh đã đặt ra câu hỏi lớn: liệu mô hình kinh doanh của Intel thời điểm này có thực sự theo kịp cuộc đua hay không?

Kể từ năm 2013 khi Intel bắt đầu giới thiệu chip Medfield cho dòng máy tính bảng, hiệu quả mang lại cũng chưa thực sự tốt. Chỉ không lâu sau đó, ARM đã công bố Tegra 2 dual-core Cortex-A9 có tốc độ xử lý nhanh nhất thị trường. Chưa bao giờ Intel lại trở nên cục mịch và chậm chạp so với đối thủ đến như vậy. Trước đây, Windows RT được coi là mũi nhọn và ưu tiên hàng đầu của Microsoft trong lĩnh vực thiết bị cầm tay với khả năng hỗ trợ xử lý đa luồng mạnh mẽ - thừa kế từ các thế hệ Windows đi trước, còn Android thì mới chỉ là một tay tân binh. Intel là nhà phát triển thế hệ đầu tiêncủa chip 4 nhân 64-bit dựa trên thiết kế của ARM đầu tiên trên thế giới. Intel đã chọn gắn bó với dual-core và Hyper-Threading trong khi thiết kế SoC của ARM lại tăng quad-core. Quan trọng hơn, ở đây Intel có kinh nghiệm trong việc tối ưu hóa phần mềm cho các bộ vi xử lý x86 và điều này cũng cho các nhà phát triển triển khai ứng dụng tốt hơn.

Intel đã cố gắng để trở lại vị trí dẫn đầu lĩnh vực sản xuất bán dẫn khi trình làng bộ thu nhận tín hiệu XMM 7160 - giải pháp LTE multimode-multiband nhỏ nhất và tiết kiệm điện như hãng đã giới thiệu. Đây là sản phẩm mà Intel xem là chiến lược dài hạn của hãng với kết nối 4G/LTE.XMM 7160 được phát triển trên nền tảng công nghệ 40nm trong khi đó Gobi 9×35 của Qualcomm đã bắt đầu với nền tàng 20nm.Intel cũng không dừng lại và tiếp tục với XMM 7260 nhưng liên tục bị trì hoãn cho đến năm 2015.

Sự kiện Google I/O 2014 vừa qua, Android đã có nhiều thay đổi khi bổ sung tính năng bộ máy biên dịch Android Runtime (ART)thay cho Dalvik. Sự thay đổi mang tính cách mạng này cho phép Android hoạt động đa nhân và xử lý đa luồng tốt hơn đồng thời tiết kiệm năng lượng. Trong khi các liên minh đối thủ đang có nhiều sự thay đổi thì Intel dường như đã phải vật lộn với trình điều khiển GPU - đây không phải là ngẫu nhiên mà các máy tính phiên bản Atom xử lý chủ yếu dựa vào Moorefield với một GPU Power VR chứ không phải là HD Graphics mà hãng đã giới thiệu cùng với Bay Trail.

Biểu đồ phát triển Intel giai đoạn 1994/2011

Intel biến mất trên thị trường di động
Tốc độ tăng trưởng của máy tính bảng và smartphone rất lớn, thị trường trở nên bão hòa nên giá thành một số sản phẩm kém cạnh tranh cũng đang giảm rất nhanh. Doanh số bán hàng của các hãng phần cứng giảm sút rõ rệt, Samsung phải đối mặt cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc, trong khi đó Qualcomm thì gồng mình với những đối thủ như Allwinner, Mediatek, và Rockchip. Những thỏa thuận gần đây của Intel với Rockchip sẽ giúp hãng có nhiều cải thiện trong thị trường vi xử lý di động nhất là ở phân khúc giá rẻ.

Dòng chip Sofia giá rẻ của Intel dự kiến sẽ gây tiếng vang vào cuối năm 2014, có thể tạo ra lợi nhuận tốt cho hãng. Trong khi đó vi xử lý tầm trung Broxton và Airmont (14nm Atom) đến tận 2015 mới được trình làng sẽ có thể giúp Intel phủ kín mọi phân khúc thị trường. Nếu mọi thứ thuận lợi, thì phải đến đầu năm 2015, Intel mới có đầy đủ các dòng sản phẩm để cạnh tranh với đối thủ.Vấn đề ở đây là liệu dòng máy tính bảng mà Intel đầu tư vào giá thành sẽ giảm xuống đến mức nào trong khoảng thời gian gần 2 năm sắp tới? Lúc đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đang chậm lại, ngoài ra Intel còn cần có thời gian phải khẳng định ưu thế của mình với nền tảng Android.

Vào năm 2001, hầu hết các đối thủ cạnh tranh CPU của Intel đã bị đánh bật sang 1 bên và Sun và IBM không còn tham gia vào kinh doanh thị trường máy tính. Intel lúc này đã được khẳng định mình là nhà cùng cấp CPU cho tất cả mọi thứ từ máy tính để bàn và máy chủ, ngoài ra hàng loạt chiến thuật được tăng cường để nhấn chìm đối thủ AMD. Thời điểm 2003, cuộc chiến vi xử lý cho máy tính để bàn, máy tính xách tay, và máy chủ là cơ bản, Intel đã có những bước đi đúng đắn để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng hiện tại thì là một điều ngược lại, Intel có quá nhiều vấn đề phải đối mặt trước năm 2016. Nếu liên minh Intel & Rockchip thành công và thúc đẩy dòng sản phẩm x86 vào thị trường Trung Quốc thì sẽ mang lại lợi nhuận tương đối lớn. Điều này tuy quan trọng nhưng không phải là điểm cốt lõi. Dự kiến vào năm 2016, Intel với vi xử lý 14nm Airmont sẽ phải đối mặt, cạnh tranh với chip ARM 64-bit đầu tiên của Qualcomm cộng thêm vào đó là xu hướng mà Apple sẽ tạo nên trong thời gian gian này.

Việc chậm trễ trong việc phát triển có khiến Intel đánh mất cơ hội của mình trong việc chiếm lĩnh thị trường di động tương lai? Điều này có thể không xảy ra, Intel vẫn còn đó nền tảng công nghệ vững chắc với hệ thống nghiên cứu,nhà máy sản xuất chip tiên tiến và các kiến trúc sư vi xử lý giỏi nhất trên thế giới. Một sự kiện gây sốc trong làng công nghệ là hồi cuối năm 2013, Intel đã quyết định mở thêm nhà máy để sản xuất chip cho thiết bị di động theo kiến trúc của hãng đối thủ ARM. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Intel trong vẫn là TSMC, nhưng nhà sản xuất chip  Đài Loan này trên thực tế không có đủ chuyên môn trong phân khúc cao cấp. Intel đang cố gắng kiếm các đơn hàng gia công để nhà máy sản xuất chip của mình có thể hoạt động ở công suất tối đa nhằm tiết kiệm chi phí.

Quay lại thời điểm 2011, Intel rõ ràng đã có những lợi thế về sản phẩm cũng như công nghệ so với các nhà phát triển SoC của ARM. Nhưng Intel đến thời điểm này chưa thực sự tạo dựng được vị trí trong nền tảng di động, trong khi đó liên minh Android và ARM đang dần nâng cao chất lượng và vị thế của mình. Bay Trail và Moorefield đã chứng minh rằng Intel có thể cạnh tranh với hệ sinh thái ARM, nhưng điều đó không có nghĩa sản phẩm của hãng tốt hơn phần còn lại. Điều Intel cần làm bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào chi phí cấu trúc. Có rất nhiều câu hỏi về giao điểm giữa Android và Windows, liệu chúng ta có bao giờ hứng thú với việc trải nghiệm nền tảng ARM trên máy tính bảng Windows? Để thông suốt những vấn đề này, Intel sẽ phải trải qua một quá trình rất khó khăn, đặc biệt với những thiết kế vi xử lý SoC cải tiến có thể giúp doanh số máy tính bảng, smartphone tăng lên khi thị trường đang có dấu hiệu sụt giảm.

PCWorld VN, 08/2014

PCWorld

Intel, xu hướng di động


      © 2021 FAP
        3,433,845       478