Công nghệ - Sản phẩm

100 năm máy ảnh Leica huyền thoại

Khoảng 1 giờ đi từ Frankfurt, thị trấn Solms nằm gần trung tâm của bang Hessen là điểm đến mơ ước của những người đam mê máy ảnh, nơi sản xuất ra những thiết bị trong mơ của nhiều nhiếp ảnh gia. Sau bao thăng trầm, Leica gần đây nhất đã được hồi sinh từ đống đổ nát và trở lại ánh hào quang như 100 năm về trước.

Chiếc Leica đầu tiên

Năm 1914, kỹ sư quang học Oskar Barnack khi còn làm việc tại công ty Ernst Leitz Opstiche Werke đã tạo ra chiếc Leica đầu tiên - khởi nguồn đỉnh cao của máy ảnh phim. Leica là viết tắt của Leitzsche Camera, có nghĩa là Camera của Leitz hay còn gọi Ur-Leica. 

Sau một thời gian gián đoạn vì nhiều lí do khác nhau, nhất là ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 1 đã khiến chiếc máy ảnh này mãi đến năm 1925 mới thực sự xuất hiện trên thị trường. Từ đó Leica đã bắt đầu cuộc cách mạng nhiếp ảnh và đây là một trong những phát minh quan trọng nhất để thế giới chuyển mình.

Những hình ảnh mang tính biểu tượng của thế giới như Nụ hôn V-J Day ở quảng trường Times Square, Cô gái Napalm ở Việt Nam hay bức chân dung của Che Guevara - tất cả đều được chụp bởi máy ảnh Leica.

Các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới như René Burri, Alberto Korda, Jim Marshall... đều mô tả Leica như là thiết bị chụp ảnh tuyệt vời nhất. Mặc dù thời hạn giao hàng lên đến 12 tháng đối với một trong những thiết bị mang tính biểu tượng "Made in Germany"  thì trong danh sách chờ đợi luôn có những tên tuổi đáng tự hào như Elizabeth II, Brad Pitt hay Bryan Adam...

Năm 1988, Leitz đã rời bỏ Wetzalr để chuyển trụ sở tới thị trấn Solms cách đó khoảng 10 cây số. Đến thăm nhà máy Leica tại Solms, du khách vẫn còn được chào đón với dòng chữ: “Xin đừng hoảng hốt”. Không hào nhoáng như các nhà máy công nghệ khác, tại đây mọi thứ tương đối nguyên sơ hơn so với mong đợi. Bạn sẽ giống như đi du lịch ngược thời gian ít nhất hơn 2 thập kỷ với hành lang thể hiện lịch sử của Leica. Bên trong, các nhân viên làm việc quy củ trong trang phục trắng của phòng thí nghiệm và chỉ chăm chú với ống kính hay máy ảnh. Đây là nơi mà các thiết bị ảnh huyền thoại được thực hiện với tiêu chuẩn của chất lượng, đẳng cấp và rất xa xỉ.

Nụ hôn V-J Day ở quảng trường Times Square The Girl Napalm của phóng viên Nick Út


Trở về nguồn cội

Tháng 5/2014, Leica đã để lại Solm nhà máy chật hẹp và hành lang lịch sử để quay trở về nơi tất cả được bắt đầu - Wetzlar.  Tại đây một khu tổ hợp sản xuất hiện đại được hình thành dành cho hơn 1.500 nhân viên của Leica.

Wetzlar là nơi mà Oskar Barnack đã phát minh ra định dạng máy ảnh 35mm và biến Leitz trở thành một công ty danh tiếng toàn cầu cho đến nay. Một người khác của Leitz có vai trò quan trọng không kém là Max Berek, người đã phát triển thế hệ ống kính Leica đầu tiên với tiêu cự 50mm f/3.5 tối ưu cho định dạng film 35mm. Về sau, ống kính máy ảnh Leica trở thành chuẩn mực và được dùng để mô tả đỉnh cao của chất lượng hình ảnh.

Leica- ban đầu chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của Barnack, sản phẩm này nhằm vấn đề kích thước khá lớn và không tiện dụng của máy ảnh thời bấy giờ. Máy ảnh này lúc đó sử dụng định dạng film 35mm và là mô hình nhỏ nhất đầu tiên trên thế giới.

Ernst Leitz II đã quyết định thương mại dòng sản phẩm này vào năm 1924 với 31 máy ảnh Leica 0 Series, 1 năm trước khi công bố rộng rãi Leica Model A (Leica I) tại Hội chợ Mùa xuân

Năm 1930, Leica sử dụng hệ thống ống kính với ngàm chuyển đổi có đường kính 39mm, thường được gọi là “Leica Thread Mount”. Những chiếc Leica đầu tiên sử dụng ống kính rời được ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhiếp ảnh.

Ngoài các ống kính tiêu chuẩn 50mm, thời ban đầu Leica còn cung cấp ống kính góc rộng 35mm hay ống tele 135mm. Cũng tại thời điểm này ghi nhận sự ra đời của ống kính khẩu độ lớn Thambar 90mm f/2.2 đầu tiên và cũng chỉ có 3.000 sản phẩm có mặt trên thị trường trong khoảng thời gian 1935-1949.

Leica II ra đời vào năm 4/1932 là cột mốc quan trọng của dòng máy ảnh Rangerfinder với cơ chế kiểm soát lấy nét bằng điểm hội tụ với kính ngắm riêng biệt. Lúc này gần như Leica đã thống trị thế giới máy ảnh film và những người Xô Viết thời điểm đó muốn lập lại trật tự. Tuy nhiên Liên Xô chỉ có thể đem ra một mẫu sản phẩm sao chép là máy ảnh rangerfinder FED (Felix Edmundovich Dzerzhinsky) sau 6 tháng Leica II có mặt trên thị trường. Chỉ sau đó 1 năm, Leica đã giới thiệu tiếp thế hệ thứ 3 với nhiều cải thiện về tốc độ của máy ảnh và nâng cấp, cải thiện dòng sản phẩm này đến năm 1957.

Leica IIIg là phiên bản máy ảnh cuối cùng trước khi Barnack qua đời, đặt dấu chấm hết cho thời đại của cha đẻ máy ảnh Leica. Năm 1935 thì máy ảnh Leica là bộ phận tạo ra phần lớn lợi nhuận cho công ty Leitz cho đến khi thế chiến thứ II nổ ra vào năm 1937.

Sau chiến tranh, Leica đã có những bước tiến mới trong việc cải thiện dòng sản phẩm của mình. Điển hình là ngàm ống kính M được ra đời bởi Hugo Wehrenpfennig năm 1948. Sau đó 1 năm Leica thiết lập phòng nghiên cứu phát triển ống kính Glass Leitz. Tính đến năm năm 1987 thì đã có 35 ống kính mới ra đời sau hơn 50 nghìn thử nghiệm, các dòng ống kính nổi tiếng như Noctilux, Summilux cũng được tạo ra tại đây.

Thời điểm đó, nhà máy sản xuất của Leitz ở Wetzlar - Tây Đức bị hư hại trong chiến tranh, và tiếp đó là thời kỳ chiến tranh Lạnh trên toàn cầu đã khiến nghiên vật bị thiếu hụt, việc phục hồi lại sản xuất tiến triển khá chậm chạp. Nhằm giải quyết vấn đề này, Leitz đã quyết định mở nhà máy tại Pháp để dễ dàng xuất khẩu hơn. Thời gian đầu nhà máy này chỉ được sử dụng để tráng lớp men lên thấu kính và sản xuất phụ kiện cho máy quay phim Bole. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của nhà máy tại Pháp cũng không mang lại hiệu quả mong muốn bởi thị trường Châu Âu đi xuống sau chiến tranh. Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng Canada được chọn là nơi hợp lý để xây dựng thêm nhà máy sản xuất Leica. Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu có lợi nhuận lớn nhất và  hiện nay chiếm 75% máy ảnh Leica được bán ra. Leica Canada cũng có những thành tự đáng nể trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đình đám nhất chính là ống kính Noctilux 50mm f/1.0 có khẩu độ lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Năm 1954, máy ảnh Leica M3 (mã sản phẩm IGEMO ) với ngàm ống kính định dạng M được giới thiệu tại triển lãm máy ảnh Photokina Đức năm 1954 .Đây là sản phẩm hình thành tiêu chí chất lượng hình ảnh là hàng đầu của Leica. Chiếc máy ảnh đã làm nên rất nhiều hình ảnh đỉnh cao làm thay đổi thế giới văn minh luôn và sản phẩm này luôn giấc mơ, tình yêu của mọi nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Chữ cái M trong tiếng Đức là viết tắt của "Messucher" tiếng Anh là “Range-finder” - hệ thống lấy nét quang trắc không gương lật.

Thời kì này cũng bùng nổ dòng máy ảnh rangerfinder với sự tham gia rất nhiều hãng đáng kể ở đây bao gồm Kodak , Canon,Nikon đến từ Nhật Bản; Kardon, Argus  của Mỹ hay Reid ở Anh và FED, Zorki đến từ Liên Xô.

Kế tiếp của Leica M3 là loạt sản phẩm mang đến danh vọng cho hãng máy ảnh này. Leica M2, M1, M4, M5, M6, M7 luôn được xác định là đỉnh cao trong từng thời kì.

Leica M2 ra đời trong giai đoạn 1958-1967 với hơn 88.000 máy ảnh được bán ra trên thị trường sử dụng kính ngắm có độ phóng đại 0,72 X và được xem như là tiêu chuẩn của Rangerfinder sau này; hay thập niên 70 với M5 đặt dấu chấm hết tính năng self-timer của Leica. Ngoài ra M5 còn là sản phẩm được trang bị công nghệ đo sáng TTL đầu tiên .

Giữa những năm 70, Ernst Leitz Canada quyết định sản xuất máy ảnh và Leica M4-2 được ra đời vào năm 1978. Leica M6 với 4 phiên bản kéo dài đến năm 2002 với nhiều bước tiến về công nghệ, từ việc hỗ trợ TTL cho đèn flash cho đến sử dụng kính ngắm độ phóng đại 0.85... Dòng máy ảnh Leica M được sản xuất cho đến ngày nay, thời đại kĩ thuật số.

Ngoài dòng máy ảnh Leica M thì hãng máy ảnh còn nổi tiếng với ống kính chất lượng đỉnh cao. Dòng sản phẩm này được đánh giá cao từ độ bền, chuẩn xác, kỹ thuật cho đến sự tinh tế.

Các thành phần thấu kính được tạo ra từ hơn 100 loại thủy tinh và mỗi lần sản xuất hạn chế từ 50-100 ống kính. Quy trình sản xuất lên đến 60 bước tiến hành và kiểm tra chất lượng trước khi ra thành phẩm, trong đó 30 quá trình được thực hiện thủ công bằng tay như phủ sơn rìa thấu kinh, ghép thành hệ thống… Một trong những quá trình phức tạp nhất chính là thời gian hạ nhiệt, là thời điểm quyết định độ trong và bền của thấu kính. Tùy vào thấu kính, thời gian hạ nhiệt thấp nhất là 2 năm và cao nhất lên đến 30 năm, ngoài ra lớp men tráng trên đó có công thức bí mật để đảm bảo cho chất lượng hình ảnh. Vì thế cho nên mỗi ống kính M đều có mức giá lên đến 5.000 USD.

Một trong những sản phẩm kém nổi tiếng hơn là dòng máy Single-lens reflex-Leica R. Từ năm 1964, Leica  hợp tác với Minolta để sản xuất loạt các máy ảnh phản xạ ống kính đơn, bắt đầu với Leicaflex và sau đó là seri máy R từ R3 để R7.

Chuyển mình theo thời đại

Bước sang thiên niên kỷ mới, Leica vẫn đang chìm đắm trong ánh hào quang của thế kỉ trước. Họ dường như đã đánh giá thấp tốc độ phát triển của công nghệ, nhất là ảnh số. Các đối thủ của họ đến từ Nhật Bản thì đang vươn mình trỗi dậy.

Trước thời đại kĩ thuật số thì Leica đã có những thay đổi để trở nên mạnh mẽ hơn. Đầu tiên là việc mở thêm nhà máy tại Bồ Đào Nha vào năm 1973, nhưng trước đó thì hãng đã có sự hợp tác Wild Heerbrugg - một công ty quang học của Thụy Sĩ. Và về sau này thì sự hợp nhất giữa Wild Heerbrugg và Leitz Wetzlar để tạo nên Wild Leitz Group đã không mang lại sự hiệu quả, kèm theo đó là nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh từ việc thiếu chuyên môn hóa.

Năm 1990, Wild Leitz Holding AG và The Cambridge Instrument được sát nhập lại với nhau và chính thức đổi tên thành Leica Holding BV. Công ty mới này đã chia nhỏ Leica thành 4 công ty độc lập dùng chung một thương hiệu.

Leica Camera AG ngày hôm nay được niêm yết trên thị trường chứng khoán Frankfurt và tổ chức tài chính ACM Projektentwicklung GmbH đang nắm giữ hơn 96% cổ phần.

Leica Geosystems AG  trở thành công ty Thụy Sĩ và một phần nhỏ là của Thụy Điển Hexagon Group.

Leica Microsystems GmbH vàLeica Biosystems vẫn là công ty Đức nhưng lại thuộc sở hữu của người Mỹ - Danaher Corporation . Hai thương hiệu Leica này đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.

Không những vậy, Leica còn hợp tác với người Nhật – Panasonic khi cho phép hãng điện tử này sử dụng ống kính của Leica để trang bị trên máy ảnh. Matsushita (Panasonic) bắt đầu làm cho tất cả các máy ảnh của họ với ống kính Leica (tất cả các ống kính sản xuất tại Đức nhưng lắp ráp tại Nhật Bản). Từ năm 2006 trở đi ống kính Leica được thực hiện tại Nhật Bản nhưng có sự khác biệt giữa Leica và Panasonic là: Ống kính làm cho máy ảnh Leica được thực hiện trên dây chuyền của Đức, sử dụng thấu kính được trang men đặc biệt. Còn ống kính Leica trên máy ảnh Lumix được Panasonic máy sản xuất hàng loạt và trang bị lớp tráng riêng. Thập niên 90 còn chứng kiến sự cởi mở hiếm thấy của Leica khi cho phép hãng sản xuất ống kính thứ 3 tham gia vào hệ sinh thái của mình. Nhưng đây cũng chính là thời điểm mà hang máy ảnh danh tiếng này đang dần đánh mất chính mình, nhất là khi bước chân vào thời đại kĩ thuật số.

Leica dường như chưa tìm thấy ánh sáng trong con đường công nghệ khi họ bắt đầu thực hiện máy ảnh số của mình tương đối kì quặc. Leica hợp tác với Panasonic để tạo ra thế hệ máy sinh đôi cùng kiểu dáng, cấu hình hay cảm biến nhưng mang 2 thương hiệu khác nhau như Leica Digilux, Leica D-Lux, Leica V-Lux. Leica dần dần đi xuống và gần như phá sản nếu như không có sự xuất hiện của anh em nhà Kaufmann.

Thời điểm hiện tại thì người anh cả Andreas Kaufmann đang là nhà lãnh đạo của Leica Camera AG - ông được cho là người bận rộn đến mức mà không có văn phong riêng tại trụ sơ Solms. Andreas Kaufmann chỉ sử dụng một máy ảnh Canon PowerShot vào 1999 và bắt đầu với Leica vào năm 2003 trước khi mua lại toàn bộ nhà máy này. Kaufmann-nhân vật chính của cuộc giải cứu biểu tượng lớn nhất trong lịch sử nhiếp ảnh từ đống đổ nát này luôn đặt mục tiêu sống của mình là cố tạo ra cuộc cách mạng nào đó trên thế giới. Ông tham gia vào chính trị, nghiên cứu khoa học và còn là giảng viên đại học. Kaufmann và 2 người em được thừa hưởng tài sản của người dì và người ta cũng không biết chính xác số tiền mà họ sở hữu. Nhưng họ đủ để thành lập tổ chức ACM chuyên hỗ trợ vốn những công ty Đức đang gặp khó khăn và Leica là một trong số đó.

Phải đến năm 2004, anh em nhà Kaufmann mới bắt đâu thâu tóm được Leica Camera AG với 27,4% cổ phần. Và cuộc cách mạng kĩ thuât số bắt đầu, tái sinh một thương hiệu huyền thoại.

Năm 2006, Leica giới thiệu máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của chính mình - Leica M8. Chiếc máy ảnh này được trình làng tại hội chợ mùa thu Photokina nhưng khách quan mà nói thì đây là một sản phẩm thất bại của hãng.  Chất lượng của cảm biến hình ảnh không cao, tính năng công nghệ nghèo nàn trong khi các đối thủ Nhật Bản đã bắt đầu với dòng máy ảnh số định dạng full-frame.

Nhưng 3 năm sau đó, vào năm 2009 thì mọi chuyện đã khác, Leica tái cơ cấu với việc ngừng máy ảnh, ống kính R truyền thống, giảm giá cổ phiếu từ 25 - 50% nhưng đồng thời giới thiệu các sản phẩm kĩ thuật số chất lượng cao hơn. Leica X1 xuất hiện trên Flickr bởi một người dùng ở Việt Nam vào đầu tháng 9/2009  và bị gỡ bỏ sau 2 tiếng được online.

Chỉ sau đó 1 tuần, lúc 9h 9 phút ngày 9/9/2009 - Leica M9 cảm biến Full-frame xuất hiện đầy bất ngờ với ngành công nghiệm máy ảnh. Leica đã trở lại con đường họ đã đi gần 100 năm về trước, doanh thu đã đạt được gần 300 triệu euro và hơn 140.000 máy ảnh được sản xuất tại Solms hàng năm. Đây được xem là cú lội ngược dòng đáng kinh ngạc của anh em Kaufmann - một cách điên rồ và quả cảm. Tiến sĩ Kaufmann chỉ nói đơn giản rằng “đó là một hành động của đức tin”.

Ông tin vào một thương hiệu Leica bất biến, ông tin vào những con người mà đang cùng đồng hành với mình. Không những bỏ ra khoản tiền khổng lồ mà ông còn sẵn sàng giảm cổ phần của mình từ 96,5% xuống còn 27,4% để tạo nên động lực phát triển cho Leica. Sau tất cả, Kaufmann còn là nhiếp ảnh gia nghiệp dư đầy đam mê.

Leica Model A
Leica IIIf và ống kính 50 f/1.5 Leica M3
Leica R8 Leica Digilux- sản phẩm hợp tác với Panasonic Ống kính Noctilux-M 50mm f0.95 ASPH
Leica M9

PC World VN, 07/2014

PCWorld

Leica, máy ảnh số, nhà sản xuất máy ảnh


      © 2021 FAP
        3,447,367       309