Công nghệ - Sản phẩm

Thiết bị đeo: Hệ sinh thái cần sự đột phá

Trong 1 năm trở lại đây có rất nhiều thiết bị đeo được ra mắt nhưng chúng lại chạy trên những nền tảng khác nhau. Một thực trạng là các ứng dụng dành cho thiết bị đeo hiện nay đang rất phân tán. Đây không những là điểm gây “rối” cho nhà phát triển ứng dụng mà còn khiến cho việc khai thác, sử dụng thiết bị đeo của người dùng gặp không ít khó khăn.

Sự cần thiết của hệ sinh thái thiết bị đeo
Trong vài năm qua, các thiết bị đeo thông minh đã có mặt trên thị trường, tuy không ồ ạt và không nhiều đột phá về mặt công nghệ. Chủ yếu là các loại đồng hồ thông minh hay những vòng đeo theo dõi sức khỏe, tình trạng cơ thể của Pebble và FitBit. Các công ty lớn như Samsung, Sony và Nike cũng bắt đầu nhập cuộc. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, xét cả về thiết kế lẫn tính năng thì có lẽ những chiếc đồng hồ của Pebble được xem là nổi bật nhất. Bỏ qua các yêu cầu về tính năng, thời trang, thì vấn đề lớn nhất của các thiết bị đeo hiện nay là khả năng vận hành độc lập và sự hữu ích của các ứng dụng kèm theo. Phần lớn các chức năng của thiết bị đeo chỉ hoạt động khi kết nối với thiết bị chủ (smartphone, tablet) qua Bluetooth. Đây cũng là lý do tại sao các thiết bị hỗ trợ tập thể dục đơn giản như FitBit Force, Nike FuelBand hay Jawbone Up lại bán chạy hơn những smartwatch phức tạp của Samsung, Sony... Do đó, để có một thiết bị đeo thành công, thu hút người dùng, bên cạnh yếu tố phần cứng và hệ điều hành thì một kho phần mềm với nhiều ứng dụng tốt là yêu cầu bắt buộc.

Ứng dụng thiết bị đeo cần một hệ sinh thái và hướng đến việc sử dụng độc lập, không lệ thuộc thiết bị chủ.


Nhắc đến ứng dụng dành cho thiết bị đeo thì hiện tại, đồng hồ thông minh Pebble đã vượt xa những thiết bị khác về các ứng dụng có sẵn, nhiều gấp 5 lần so với vị trí thứ hai của Sony SmartWatch (xem biểu đồ). Tuy nhiên, một hạn chế mà các smartwatch Pebble gặp phải là dung lượng lưu trữ khá thấp, chỉ cài được 8 ứng dụng trên thiết bị. Dòng thiết bị Gear của Samsung có dung lượng nhiều hơn với 4GB nhưng lại thiếu ứng dụng hữu ích. Ngoài ra, xét về khả năng cập nhật ứng dụng thì trên thị trường thiết bị đeo hiện tại có 2 loại: loại tập trung chức năng cơ bản, không nhiều ứng dụng và loại có thể bổ sung ứng dụng. Chẳng hạn như FuelBand của Nike, thiết bị được thiết kế riêng để giám sát hoạt động của người thể dục thông qua một ứng dụng cài sẵn duy nhất là Nike+ (một số ứng dụng khác có thể kết hợp với API Nike+ để khai thác các dữ liệu thu được).
Mặc dù vậy, theo xu hướng tiêu dùng thì hệ sinh thái, đặc biệt là kho ứng dụng cho thiết bị đeo cần được cải tiến phong phú hơn. Điều này giúp người dùng khai thác triệt để mọi tính năng của thiết bị và làm cho cuộc sống, công việc hiệu quả, tiện lợi hơn.
Ứng dụng thiết bị đeo cần một hệ sinh thái và hướng đến việc sử dụng độc lập, không lệ thuộc thiết bị chủ.
Để làm được điều này thì các nhà sản xuất thiết bị đeo cần tập trung hoàn thiện phần cứng. Lấy ví dụ iPhone với phần cứng ưu việt nhất tại thời điểm ra đời năm 2007. Lúc đó Apple chưa có App Store, các nhà phát triển bên thứ ba chưa thể viết ứng dụng cho iPhone để khai thác những khả năng của phần cứng mà smartphone này có được. Một năm sau đó, iPhone SDK được phát hành và 5 năm sau, kho ứng dụng cho iPhone đã tăng trưởng vượt bậc về số lượng cũng như chất lượng. Điều này cũng cần phải lặp lại với thiết bị đeo thông minh.

Nghèo nàn và phân mảnh
Mới đây, một trong những hãng sản xuất lớn là Samsung cũng đã chuyển sang sử dụng nền tảng Tizen cho các đồng hồ thông minh Galaxy Gear của mình. Trong khi đó, đa số các smartphone và máy tính bảng của hãng này lại chạy trên nền Google Android. Ví dụ này cho thấy việc thiếu đồng nhất và phân mảnh ngay cả với những hãng sản xuất tên tuổi hiện đang tồn tại trên thị trường smartwatch nói riêng và thiết bị đeo được nói chung. Việc phân mảnh làm giảm khả năng thích ứng của các bộ phát triển phần mềm (SDK) hoặc API (giao diện lập trình ứng dụng) đối với nhà phát triển ứng dụng. Trong khi đó, chủng loại và số lượng thiết bị đeo đang và sẽ tiếp tục tăng lên không ngừng. Theo dự đoán của Business Insider thì số lượng thiết bị đeo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay với 183 triệu và đến năm 2018, số thiết bị đeo được sử dụng trên toàn cầu sẽ tăng lên 561 triệu.


Phân mảnh là một lý do để giải thích tại sao hiện có rất ít ứng dụng dành cho thiết bị đeo. Ngoài con số hơn 1.000 ứng dụng dành cho các thiết bị của Pebble, thì hầu hết các thiết bị khác đều có số lượng khá khiêm tốn với ít hơn 100 ứng dụng có sẵn, Samsung Galaxy Gear cũng chỉ có khoảng hơn 70 ứng dụng. Do đó, muốn lôi kéo người tiêu dùng và tạo nên một sự đột phá trong cuộc cách mạng thiết bị đeo thì một trong những điều kiện bắt buộc là kho ứng dụng dành riêng phải nhiều và phong phú hơn nữa. Google mới đây đã mang hy vọng đến thế giới “wearable devices” với nền tảng Android Wear hứa hẹn sẽ làm được điều mà hệ điều hành Android đã thành công trên smartphone và máy tính bảng. Nền tảng mới được công bố vào hôm 18/3 này thực chất dựa trên Android, có thể sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái thiết bị đeo (wearable ecosystem) thống nhất cho thị trường thiết bị đeo.


Cần thiết hơn cả là các hãng nên tập trung để tạo nên một vài ứng dụng “chủ chốt” giúp thiết bị của họ trở nên hữu dụng, cần thiết và từ đó tạo đà để trở nên phổ biến với người dùng. Các nhà phát triển cũng cần hiểu rằng, thiết bị đeo hiện tại rất cần sự vận hành độc lập từ những tác vụ cơ bản và đơn giản nhất. Bởi vì hiện tại, chức năng của đa số ứng dụng vẫn còn khá thô sơ và để chạy được phải nhờ việc kết hợp với smartphone hay máy tính bảng. Chẳng hạn như với smartwatch của Sony, Samsung… một số ứng dụng cài sẵn chỉ có chức năng nhận, hiển thị thông báo hay ghi lại dữ liệu nhận được từ điện thoại. Ứng dụng dành cho thiết bị đeo cần thoát khỏi mô hình ràng buộc khô cứng này để vận hành độc lập, thậm chí có thể làm được những điều mà các tiện ích trên smartphone không làm được nhờ sự cơ động vốn có của mình. Chẳng hạn như ứng dụng Allthecooks trên kính thông minh Google Glass cho phép người sử dụng có thể nấu ăn với công thức chế biến được hiển thị trước tầm mắt.

Phát triển ứng dụng dành cho thiết bị đeo ở cổ tay (wristwear) hiện đang được xem là mảnh đất màu mỡ giúp nhà phát triển khai thác và sẽ sớm thu được thành quả trong những năm tới. Nhiều nghiên cứu cho rằng wristwear thông minh sẽ chiếm 70% trong tổng số thiết bị đeo được bán ra trong 5 năm tới. Một khảo sát gần đây của Accenture cho thấy, hơn một nửa số người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ đang thực sự quan tâm đến các thiết bị hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe và tập thể dục được thiết kế dạng đeo cổ tay (tương tự như các thiết bị đeo của Nike và FitBit). Theo thời gian, đồng hồ thông minh và vòng đeo chăm sóc sức khỏe (health band) sẽ dần hòa thành một và trở thành chủng loại thiết bị cần thiết và phổ biến với người dùng.

Ứng dụng và thiết bị giám sát sức khỏe và tập thể dục nhận được sự quan tâm nhiều
nhất từ phía người dùng, theo nghiên cứu của Accenture.


Công ty nghiên cứu Gartner dự đoán rằng ứng dụng của thiết bị đeo sẽ chiếm một nửa trong tất cả các ứng dụng tương tác vào năm 2017, một dự đoán đáng ngạc nhiên nhưng có thể đáng tin bởi tốc độ phát triển công nghệ đeo đang rất nhanh. Gartner dự đoán ứng dụng sẽ đạt 77 tỷ USD vào năm 2017. Ngày nay, khoảng 92% lượng tải ứng dụng là miễn phí, nhưng người dùng thường sẽ phải chấp nhận quảng cáo hoặc kết nối dữ liệu để trao đổi với việc sử dụng các ứng dụng.
Trên các thiết bị đeo tay, các ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và tập thể dục cần được chăm chút kỹ càng và đa năng hơn, vì đây sẽ là ứng dụng chủ đạo của thiết bị. Những thông tin rò rỉ mới đây cho thấy, Apple dường như đang phát triển ứng dụng chăm sóc sức khỏe Healthbook cho iOS và có thể sẽ được cài trên đồng hồ thông minh (tạm gọi là iWatch). Ứng dụng này cho thấy mục tiêu Apple hướng đến là kết hợp thông tin, dữ liệu về hoạt động thể dục, tình trạng thể chất, chế độ dinh dưỡng và các dấu hiệu quan trọng khác của người sử dụng để đưa ra những tư vấn phù hợp cho sức khỏe. Việc trang bị các cảm biến tiên tiến hơn (phần cứng) kết hợp với sự nâng cao tính linh hoạt và hữu dụng của các ứng dụng (phần mềm) mới có thể giúp cho các thiết bị đeo hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, còn khá nhiều ý tưởng về các ứng dụng dạng này như ứng dụng hỗ trợ ăn kiêng, chăm sóc giấc ngủ…, có khả năng phân tích dữ liệu thu được một cách nhanh chóng và đưa ra các biểu đồ hay số liệu trực quan để từ đó có những lời khuyên cho người dùng.
 

Apple và Google – “ông lớn” sẽ làm được điều lớn!
Trong thời gian tới, thị trường ứng dụng wearable sẽ chứng kiến sự tranh giành quyết liệt giữa hai gã khổng lồ Apple và Google. Với năng lực hiện có, cả Google Play và iOS App Store đã có hơn một triệu ứng dụng có sẵn và vượt qua 50 tỷ lượt tải về. Cả hai nhà khai thác kho ứng dụng đều có những điều kiện khá thuận lợi cho việc chiếm lĩnh thị trường ứng dụng cho thiết bị đeo. Nếu Apple và Google có thể khiến việc phát triển ứng dụng dành cho di động trở nên dễ dàng với nhà phát triển thì chúng ta có thể tin tưởng rằng hai công ty này sẽ làm được điều tương tự với ứng dụng dành cho thiết bị đeo.


Mặc dù được dự đoán là hai “ông lớn” sẽ sớm có cuộc chạy đua trong việc phát triển thiết bị đeo và kho ứng dụng dành riêng cho chúng nhưng hiện tại cuộc chiến này chưa thực sự bắt đầu. Sau khi Google có bước “chạy đà” sớm với Android Wear và nhiều tin đồn về những động thái mới của Apple thì giới phân tích càng tin rằng năm 2014 sẽ bắt đầu cuộc đua này. Dù trước đó, Samsung và Sony cũng có sử dụng Android rút gọn cho smartwatch Galaxy Gear và Sony SmartWatch của mình nhưng dường như chưa mang lại sự tiện lợi thực sự cho người dùng.

Android Wear mang lại sự thoải mái cho người dùng ngay từ giao diện được tối ưu và chức năng ra
lệnh bằng giọng nói với “OK Google” qua Google Now.


Android Wear mới được Google ra mắt là nền tảng mã nguồn mở dành cho thiết bị đeo trên người như vòng đeo tay, kính thông minh, smartwatch…, được phát triển trên nền Android. Hệ sinh thái của Android Wear đượccác nhà sản xuất thiết bị hàng đầu ủng hộ, như Samsung, Asus, HTC, LG, Motorola. Bên cạnh đó là các thương hiệu khác như Broadcom, Qualcomm và Intel cũng như thương hiệu thời trang Fossil Group đang tiếp cận với nền tảng Android Wear này. Về phía Apple thì tất cả vẫn đang trong kế hoạch chuẩn bị. Năm ngoái, Apple đã tuyển dụng hàng loạt chuyên gia trong lĩnh vực y tế, thời trang, công nghệ để nghiên cứu dòng thiết bị đeo iWatch. Nền tảng hệ điều hành của Apple độc lập với các nhà sản xuất khác và khác biệt với Google là việc người dùng cũng như giới chuyên gia mong chờ bước đột phá trong thiết bị đeo. Việc Apple bổ nhiệm Paul Deneve, cựu CEO của hãng thời trang Yves Saint Laurent làm phó chủ tịch tham gia vào “các dự án đặc biệt” khiến chúng ta tin tưởng rằng Apple sẽ tạo nên một sản phẩm đột phá cả về công nghệ lẫn thời trang. Tờ báo tiếng Trung Economic Daily vừa tiết lộ rằng sau một thời gian phát triển, mẫu đồng hồ thông minh iWatch của Apple sẽ được trình làng trong quý 3 năm nay. Dựa trên số linh kiện đã đặt hàng, tờ báo này cũng ước tính sẽ có khoảng 65 triệu sản phẩm đeo được xuất xưởng trong năm nay.
 

PC World VN, 05/2014
 

PCWorld

thiết bị đeo, trang phục công nghệ, Wearable


      © 2021 FAP
        3,452,647       563