Sức khỏe

Sinh mổ khổ con, đau mẹ

PN - Sinh nở là thiên chức của phụ nữ nhưng ngày nay không ít người quyết định sinh mổ (SM) để con may mắn, mẹ xinh đẹp…

Nhu cầu song hành nguy hiểm

Có nhiều nguyên nhân khi bà bầu chọn SM: sợ đau; sợ sinh thường khiến tầng sinh môn lỏng lẻo, chồng… chán; nhiều nhất là lý do sinh theo tử vi, chọn cho con giờ hoàng đạo để mai sau làm ông này bà nọ. Song, nhiều người không ngờ đằng sau nhu cầu này, là những nguy hiểm chỉ người trong nghề mới biết.

Chuyện từng xảy ra tại bệnh viện phụ sản: nghe lời thầy tử vi, thai phụ xin được sinh đúng 12 giờ đêm để sau này con được xuất ngoại du học (!?). Chẳng may đây là ca sản khó, chảy máu nhiều, đã truyền hai–ba bịch máu nhưng vẫn không ổn. Bác sĩ buộc phải cắt tử cung nhưng máu vẫn chảy, thai phụ bị suy đa cơ quan và tử vong vì mất máu. Đây là một mất mát lớn, bởi trẻ ra đời không có mẹ nuôi dưỡng có tỷ lệ tử vong cao.

Một ca nữa cũng mổ theo giờ thai phụ yêu cầu, nhưng vừa lọt lòng thì bé đã tử vong vì bị dị tật nối thông từ khí quản qua thực quản. Những mất mát này không thể rút kinh nghiệm. Song, trên thực tế, sinh mổ vẫn được ưu tiên chọn lựa nếu thai phụ yêu cầu, vì SM không mất nhiều thời gian như khi theo dõi sinh thường (có thể chuyển dạ cả ngày hoặc cả đêm). Phần lớn bác sĩ chấp nhận SM vì sợ bị thưa kiện không theo dõi để xảy ra tai biến. Những ca này thường được mổ vào ban ngày và trong giờ làm việc. Bệnh viện có lợi hơn vì phí SM cao hơn sinh thường.

Mẹ đau, con khổ

Theo bác sĩ Vũ Thị Nhung – Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM, SM có nhiều bất lợi:

- Tử cung có sẹo mổ sẽ không còn vững chắc, dễ bị bung trong lần có thai sau.

- Thời gian sinh trung bình 30–45 phút, những người sinh lần hai nếu có vết mổ cũ thì thời gian sinh lâu hơn.

- Khi đã có vết mổ cũ, lần sinh sau có khuynh hướng mổ lấy thai vì tuổi mẹ đã cao, sẹo mổ mong manh dễ bung khi cơn gò mạnh.

SM còn vấp phải những vấn đề về sức khỏe, như ngực bé không bị ép mạnh như sinh thường nên dịch ứ trong phổi không được ép ra, bé có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp. Khi sinh quá sớm so với tuổi thai (dưới 32 tuần tuổi), bé chưa chuẩn bị ra đời nên rất khó sinh dù phẫu thuật. Bộ đôi suy hô hấp cấp và sinh non là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ.

Trẻ SM dễ bị dị ứng và hen suyễn. Do sinh trong phòng mổ được tiệt trùng kỹ, không được tiếp xúc vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, khi ra phòng thường bé lại phải tiếp xúc vi trùng bệnh viện - là những vi trùng kháng thuốc, nếu nhiễm bệnh sẽ điều trị khó khăn. Những năm đầu đời, trẻ SM dễ bị tiêu chảy, dị ứng; lớn lên tỷ lệ bị hen suyễn khá cao. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyên các bà bầu nên chuyển dạ và sinh tự nhiên.

Hiện đã có cách đẻ không đau nhờ gây tê, cuộc vượt cạn trở nên nhẹ nhàng. Đa phần các gia đình chỉ sinh một–hai con, nên không đủ làm mất… “chất lượng tầng sinh môn”. Nguy hiểm nhất là đẻ theo giờ tốt, bởi khó lường trước tai biến. Các bà bầu không nên tin vào những lời nói vô căn cứ mà rước họa vào thân.

 VŨ ÂU

Chỉ định mổ lấy thai trong các trường hợp

Nguyên nhân từ mẹ: con so mẹ lớn tuổi (trên 35), con hiếm, con quý (điều trị vô sinh); khối u tiền đạo cản trở sinh ngã âm đạo; mẹ có vết mổ cũ do đã từng mổ lấy thai, bóc nhân xơ…; cổ tử cung không tiến triển trong quá trình chuyển dạ; khung chậu hẹp; chuyển dạ kéo dài; bệnh lý: tiền sản giật nặng, sản giật; bệnh mãn tính: tim mạch…

Nguyên nhân từ con: con to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi mông ước lượng con to, ngôi mặt…; song thai có kèm yếu tố nguy cơ; suy thai cấp, thai quá ngày…

Nguyên nhân từ nhau, ối, rốn: nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu ối, nhiễm trùng ối, sa dây rốn, dây rốn quấn cổ…

BS Lê Thị Kim Ngân (Trưởng khoa Sản BV Phụ sản quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn)

www.phunuonline.com.vn

Sinh mổ, sinh thường


      © 2021 FAP
        162,038       599