Sức khỏe

Bàn chân báo bệnh mạch máu

PN - Ngày càng nhiều bệnh nhân (BN) mắc những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến mạch máu như suy dãn tĩnh mạch (TM), tắc tM cấp do huyết khối,

Vết loét ướt: nguy hiểm do dễ chẩn đoán nhầm

Gần đây, Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mặt trong của cẳng chân, xung quanh mắt cá bị lở loét, rỉ dịch, đau nhức. Bác sĩ (BS) Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật mạch máu của BV cho biết, đó là triệu chứng của các bệnh lý về TM ở cấp độ nặng.

Cây bị ngập úng là hình ảnh mà BS Lê Thanh Phong dùng để mô tả vết loét ở chân xuất phát từ các bệnh lý TM. Căn nguyên do áp lực trong tĩnh mạch ở chân tăng lên, làm chất dịch trong lòng mạch thoát ra mô xung quanh kèm với hiện tượng viêm gây lở loét.

Bệnh thường bắt đầu với các TM nhỏ giãn li ti dưới da, hay các TM dãn to ngoằn ngoèo, sau đó xuất hiện phù chân. Theo thời gian, da quanh cổ chân và bàn chân thay đổi sắc tố, viêm da, chàm hóa da, da dày sừng và tiếp theo chân sẽ xuất hiện vết loét ướt nhỏ ở phía trên mắt cá trong, mặt trong cẳng chân. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, vết loét ngày càng rộng và rỉ dịch liên tục. Đến khi chân xuất hiện vết loét nghĩa là bệnh đã ở cấp độ V hoặc VI. Ở cấp độ V, vết loét còn có thể lành, nhưng lên đến cấp độ VI sẽ rất khó lành, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống và sinh hoạt của người bệnh.

Triệu chứng phù cũng thường xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác như suy tim, suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, do dùng thuốc… Vì vậy, trong giai đoạn đầu, bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Ngay cả đến khi xuất hiện những vết loét cũng không tránh khỏi việc nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng. Việc nhầm lẫn này không chỉ ở người bệnh mà cả những BS không chuyên khoa. Nếu được điều trị như nhiễm trùng mô mềm (ví dụ như cắt lọc vết thương), bệnh không những không khỏi mà vết loét ngày càng rộng và sâu thêm.

Do đó, người thuộc nhóm có nguy cơ cao cần lưu ý phòng bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm. Cụ thể, bệnh thường gặp ở những người làm việc trong tư thế đứng thời gian dài; phụ nữ trong tuổi sinh nở, phụ nữ sinh nhiều con, do di truyền... Với phụ nữ mang thai, nội tiết tố thay đổi giúp phát triển bào thai, nhưng đồng thời lại gây dãn các TM. Ngoài ra, bào thai lớn lên chèn vào TM, gây tăng áp lực và làm dãn TM.

Có nhiều phương pháp để điều trị tình trạng loét do suy dãn TM. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, BN có thể được phẫu thuật cắt bỏ những TM bị dãn hay chích xơ. Điều này làm giảm dòng trào ngược bất thường trong TM nên làm giảm áp lực trong TM. Nếu tình trạng loét là do suy TM sau khi tắc TM, người bệnh cần được nong và đặt stent TM, sau đó sử dụng kháng đông một thời gian. Bên cạnh đó, người bệnh còn cần phải mang vớ TM, dùng thuốc trợ TM. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế đứng lâu, ngồi lâu; nằm gác chân cao khi nghỉ ngơi, có thể thực hiện động tác nằm trồng cây chuối, đưa hai chân lên khoảng bốn lần/ngày, 15 phút/lần, chơi những môn thể thao có lợi cho TM, hạn chế mặc quần bó sát, tránh tiếp xúc nhiệt, tránh đi giày cao gót, tránh mang vật nặng,...

Vết loét khô: nguy cơ tàn phế

Cành cây bị chết khô là miêu tả trực quan cho vết loét khô ở đầu ngón chân xuất phát từ các bệnh lý động mạch như tắc động mạch chi dưới mạn tính do viêm mạch hoặc do xơ vữa mạch máu.

Viêm mạch là tình trạng thành mạch bị viêm, dày lên làm hẹp lòng mạch và dần dần dẫn đến tắc mạch máu. Còn xơ vữa mạch là tình trạng động mạch bị thu hẹp dần do các mảng bám trong lòng mạch máu. Các mảng bám quá nhiều sẽ khiến cho thành mạch bị hẹp và tắc. Khi bị tắc động mạch chi dưới do viêm hay do xơ vữa mạch, đường máu chính nuôi phần chi dưới sẽ bị tắc, tuy vẫn còn các nhánh mạch máu phụ đưa máu đến nhưng lưu lượng giảm hẳn. Vì vậy, phần được tưới máu kém nhất là các đầu ngón chân dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi chịu áp lực, tác động hay trầy xước.

Lúc đầu bệnh không có triệu chứng gì vì máu đủ cung cấp cho bàn chân thông qua các mạch máu phụ. Dần dần, BN sẽ có triệu chứng đau khi đi lại, nghỉ ngơi vài phút sau sẽ hết đau. Hiện tượng này được gọi là đau cách hồi động mạch. Nặng hơn là tình trạng đau chân liên tục khi nghỉ và cuối cùng là vết loét xuất hiện đe dọa tàn phế do cắt cụt chi.

Thông thường, vết loét hay hoại tử thường xuất hiện ở đầu ngón vì đây là nơi được tưới máu kém nhất; triệu chứng kèm theo là đau nhức ở ngón chân quanh vị trí loét, có thể cả bàn chân. Tình trạng loét hay hoại tử sẽ lan rộng dần từ đầu ngón lên cả ngón, sau đó đến bàn chân. Khi tình trạng loét hay hoại tử lan rộng và nhiễm trùng xuất hiện, việc điều trị trở nên rất khó khăn và có thể dẫn đến cắt cụt phần chi hoại tử, đôi khi cần phải cắt cụt cả chân. Đặc biệt trên những BN đái tháo đường, cảm giác đau bị giảm, có vết loét nhưng không đau nên BN thường đi khám bệnh trễ khi tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng.

BS Lê Thanh Phong cho biết, trên thực tế, người bệnh thường bỏ qua giai đoạn đầu không đi khám vì chủ quan và vì nhầm lẫn với đau cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại biên. Đến giai đoạn loét, hoại tử ngón chân thì thường bị cho là nhiễm trùng phần mềm. Do đó, không ít trường hợp đã bị cắt bỏ phần ngón chân bị hoại tử mà không xử trí mạch máu, cho nên bệnh sẽ nặng hơn bởi vết mổ không thể lành vì không có máu nuôi, nhiều trường hợp bị cắt cụt cả chân.

Một ví dụ điển hình là một BN nam, 65 tuổi, hút thuốc lá, tiền sử có bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bị tắc động mạch mạn tính chi dưới do xơ vữa gây hoại tử ngón chân. Khi điều trị ở cơ sở y tế tuyến dưới, BN được chẩn đoán bị nhiễm trùng nên đã cắt ngón. Sau nhiều tháng, mỏm cắt không lành, BN đến khám ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM trong tình trạng phần mỏm cụt ở ngón bị cắt đã tím đen, có nguy cơ tiếp tục hoại tử. BN được các BS phẫu thuật bắc cầu kết hợp với nong mạch để tạo một đường cung cấp máu mới nuôi phần chân phía dưới. Sau phẫu thuật, tình trạng hoại tử của ngón cái ngưng tiến triển, bàn chân và các ngón chân trở nên hồng hào do đã có máu nuôi. Sau sáu tuần, mỏm cụt lành hẳn.

Bệnh viêm mạch thường gặp ở người trẻ tuổi, nguyên nhân hầu hết do hút thuốc lá. Vì vậy, bỏ thuốc lá là yếu tố quan trọng giúp làm chậm tiến trình của bệnh, chậm tình trạng viêm tái phát đối với người đã từng bị. Nếu viêm mạch do miễn dịch thì cần dùng đến thuốc ức chế miễn dịch.

Bệnh tắc động mạch mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc, kém vận động, có bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu. Để làm giảm sự tiến triển của bệnh, trước tiên cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ như bỏ thuốc lá, tập đi bộ, dùng thuốc để đưa huyết áp, mỡ máu về giới hạn bình thường. Điều cần lưu ý, khi có bệnh ở động mạch chi thì khả năng động mạch ở các nơi khác trong cơ thể như động mạch thận, động mạch vành (nuôi tim) và động mạch cảnh (nuôi não)... cũng có thể bị mắc bệnh. Vì vậy, việc điều trị không chỉ tập trung vào phần chi bệnh mà còn phải tìm bệnh lý mạch máu nơi khác để có phương án điều trị toàn diện.

 AN HÀ

www.phunuonline.com.vn

bàn chân, nhìn chân, đoán bệnh, bệnh ở chân, bệnh mạch máu


      © 2021 FAP
        166,893       65