PN – “Kéo còi tàu” khi ngủ không chỉ xảy ra ở người lớn mà cả trẻ con cũng vậy. Có bé ngáy nhỏ, có bé ngáy to. Vậy trẻ ngủ ngáy có bình thường?
Trẻ ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Ảnh internet
Ngáy có nhiều nguyên nhân, nhiều khi thời tiết cũng ảnh hưởng đến việc ngáy khi đang ngủ. Đặc biệt, khi thời tiết trở lạnh, bé thường sẽ ngáy nhiều hơn và đây là điều hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân khiến bé ngáy nhiều vào thời gian này là vì các bé thường sổ mũi. Bác sĩ nhi khoa Parineeta Tiwari thuộc bệnh viện Primus ở New Delhi (Ấn Độ) cho biết: “Phần lớn các bé sẽ ngáy khi nghẹt mũi vì nó cản trở quá trình thở của bé”.
Hiện tượng ngáy ở trẻ:
Thông thường, nguyên nhân các bé ngáy khi ngủ là vì đường thở hẹp hoặc gỉ mũi quá nhiều trong mũi.
Bà Tiwari giải thích: “Khi bé thở, luồng hơi di chuyển ma sát với gỉ mũi tạo ra tiếng động lớn – ngáy. Hầu hết khi các bé lớn lên thì tiếng ngáy nhỏ dần vì khoang mũi và đường thở rộng hơn giúp luồng khí ít ma sát với đường thở hơn”.
Tuy nhiên, ngáy khi ngủ cũng là dấu hiệu cho thấy có khả năng đường mũi bị tắc. Lúc này, bé sẽ cảm thấy rất khó thở.
Theo bác sĩ nhi khoa Bijal Srivastava của bệnh viện L H Hiranandani ở thành phố Powai (Ấn Độ), ngủ ngáy ở trẻ là hiện tượng sinh lý học bình thường ở trẻ mới sinh. Bà cho biết: “Khi khoang mũi dần lớn và rộng ra thì trẻ cũng dần ít ngáy lại”.
Nhiều khi bé ngáy cũng là do bé đang bị cảm lạnh, đang bị dị ứng khiến amiđan và lưỡi gà sưng to.
Một số bé ngáy khi ngủ là vì dị ứng. Nếu trong trường hợp này, bạn nên đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra. Có như vậy mới biết được nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
Bà Tiwari cũng bổ sung: “Một trường hợp hiếm hơn là khi bé ngủ quá sâu khiến cơ vùng họng ở trạng thái thả lỏng và va đập với luồng khí gây ra tiếng ngáy”.
Ngáy bệnh lý:
Theo bà Srivastava, nếu bé vẫn còn ngáy ở giai đoạn từ 3 đến 10 tuổi thì có thể đây là dấu hiệu của những bệnh lý sau:
1. Viêm đường hô hấp/ cảm thông thường
2. Viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang
3. Viêm amiđan
4. Có dị vật/ Polyp mũi
Bà nhấn mạnh: “Khi trẻ ở độ tuổi này bị viêm amiđan, gia đình cần phải theo dõi thật kĩ vì đây có thể là dấu hiệu trẻ đã bị nhiễm trùng tai nhiều lần liên tiếp. Viêm amiđan cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt ở trẻ”.
Giải pháp:
1. Máy tạo độ ẩm sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn khi ngủ
2. Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý có bán tại các cửa hàng và hiệu thuốc cho bé nhà mình. Nhỏ từ 5 – 7 giọt vào mỗi bên mũi sẽ giúp bé xì mũi và tống gỉ mũi dễ dàng .
3. Thoa dầu khuynh diệp trên cổ áo, gối bé nằm cũng giúp bé thông mũi và thở thoải mái hơn
4. Có thể dùng hơi nước nóng để làm ấm không khí xung quanh bé.
Bà nói thêm: “Ống hút mũi thật ra không thể cải thiện tình trạng của bé vì dụng cụ này không thể đưa sâu vào hốc mũi, trong khi đó, đây lại là nơi có nhiều gỉ mũi nhất. Không những vậy, dùng ống hút mũi không đúng cách có thể gây trầy xước niêm mạc mũi làm nhiễm trùng khiến tình hình trầm trọng thêm”.
Ngáy mạn tính ở trẻ cũng là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy bạn nên ghi chú kĩ lưỡng diễn tiến của trẻ để theo dõi hiện tượng ngáy có dần nặng hơn không. Hai bệnh lý chính có chung triệu chứng này là các vấn đề liên quan đến cấu tạo của hệ hô hấp hoặc chứng ngưng thở lúc ngủ.
Để hạn chế bé ngáy, bạn có thể làm những điều sau:
1. Vệ sinh mũi thường xuyên cho bé, đặc biệt là trước khi ngủ.
2. Thường xuyên dọn quét bụi sạch sẽ trong nhà
3. Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng
4. Thay đổi tư thế ngủ của bé, như nằm nghiêng chẳng hạn.
BÁCH CÁT
Theo Idiva
chăm sóc bé, bệnh lý ở trẻ, bé ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ