PN - Khi con trai ba tháng tuổi biết lật, chị Hoa (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) chợt giật mình vì phát hiện bé chỉ nhìn một phía, cổ vẹo hẳn một bên.
Những thói quen tạo tư thế xấu
Cử nhân VLTL Lê Thị Đào, BV Nhi Đồng 2 cho biết, mỗi ngày BV tiếp nhận hàng chục trẻ bị vẹo cổ. Trong đó, tỷ lệ trẻ bị vẹo cổ do thói quen nằm nghiêng một bên sau sinh nhiều gấp hai-ba lần so với những nguyên nhân khác. Khi sinh ra trẻ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thấy trẻ có xu hướng nằm nghiêng một bên, thuận bên trái hoặc bên phải, người nhà lại không can thiệp. Họ nghĩ rằng do trẻ thuận tư thế đó nên cứ để trẻ thoải mái, mặt khác, họ ngại can thiệp vì e ngại trẻ sẽ thức giấc và quấy khóc. Không may, thói quen này làm cho cổ của trẻ bị niểng hẳn một bên. Thông thường, phải đến đến tháng thứ ba hoặc thứ tư, khi cổ đã cứng, trẻ biết lật, người nhà mới phát hiện.
Nguyên nhân khác khiến trẻ bị vẹo cổ bắt đầu khi trẻ còn trong bụng mẹ. Thai nhi nằm ngang hoặc ở ngôi mông, bị nhau quấn cổ thì thường sẽ bị vẹo cổ. Bởi khi nằm ở tư thế như vậy, mạch máu nuôi cơ ức đòn chũm bị chèn ép khiến cơ này bị thiếu máu nuôi. Lâu dần, cơ bị xơ hóa, co rút gây vẹo cổ.
Một số nguyên nhân khác, ít gặp hơn, cũng gây vẹo cổ cho trẻ: sang chấn sản khoa đối với những ca sinh khó; trẻ bị nhiễm trùng tai mũi họng; bị chấn thương do va đập, té ngã…
Có người phải sống chung với tật xấu này cả đời, thậm chí biến chứng sang bệnh vẹo cột sống, lé, lép mặt, méo đầu vì không được điều trị kịp thời.
Nhận biết và điều trị
Với những trẻ có tư thế xấu trong tử cung, bị sang chấn sản khoa, cha mẹ cần quan sát kỹ hai bên cổ của bé sau khi sinh. Khoảng một tuần sau khi sinh, nếu thấy khối u cơ cứng ở một bên cổ, vị trí cơ ức đòn chũm, cha mẹ nên thăm khám bằng cách sờ vào hai bên cổ của bé. Lưu ý, nhiều người có thể nhầm lẫn khối u này với hạch. Phân biệt bằng cách, khối u này chỉ cứng chứ không gây đau như hạch. Mặt trẻ bị lép một bên, trẻ thường nhìn về một bên, đầu méo cũng là những yếu tố để nhận diện chứng vẹo cổ ở trẻ. Thông thường, khối u cơ còn khiến đầu của trẻ nghiêng về một phía và mặt nghiêng về phía ngược lại.
Theo cử nhân VLTL Lê Thị Đào, nếu phát hiện những biểu hiện trên, nên đưa trẻ đi khám ở tháng đầu tiên để được tập VLTL sớm, khối u cơ sẽ được kéo dãn, mất đi và chức năng cổ có thể phục hồi đến gần 100%. Nếu đưa trẻ đi khám trễ (từ sau hai tháng), VLTL chỉ có thể giúp cơ ức đòn chũm phục hồi được đến khoảng 30-40%. Sau đó, để không bị vẹo cổ, trẻ sẽ phải trải qua một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật nhằm kéo dài gân cơ tương thích với từng giai đoạn phát triển cho đến khi trẻ trưởng thành. Song song đó, trẻ vẫn phải duy trì tập VLTL. Do vậy, để trẻ không bị mang tật, không phải chịu nhiều đau đớn và không tốn kém chi phí, công sức của cha mẹ, điều cực kỳ quan trọng là phát hiện và đưa trẻ đến khám, điều trị sớm.
Khi nhiễm trùng tai mũi họng, vùng cơ cổ bị yếu, trẻ cũng có thể bị niểng cổ với dấu hiệu đầu nghiêng về một bên, mặt xoay về phía đối diện. Việc đưa trẻ đi khám ngay sau phát hiện là điều quan trọng nhất. Thời gian tập VLTL ngắn hay dài tùy thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ vẹo cổ, sự hợp tác của cha mẹ, tổng trạng sức khỏe của trẻ; có thể từ hai-ba tháng, thậm chí một năm. Những trẻ bị niểng cổ do nhiễm trùng tai mũi họng rất dễ bị tái phát mỗi khi bị bệnh về tai mũi họng. Vì vậy, tăng cường sức đề kháng, chăm sóc dinh dưỡng tốt là điều hết sức có ý nghĩa để trẻ không bị mắc bệnh trở lại.
Nếu trẻ có thói quen nằm nghiêng một bên, người nhà nên chèn khăn ở hai bên để giữ cho đầu trẻ luôn thẳng, nhưng cứ mỗi một-hai giờ lại xoay trở đầu cho trẻ để tránh vẹo cổ và lép đầu. Lưu ý, nếu bé đang ngủ thì không nên can thiệp, chỉ nên xoay trở mỗi khi cho bé bú, thay tã, khi bé thức.
Để cổ của bé trở lại bình thường, song song với tập VLTL tại BV, sự hợp tác và chăm sóc của người nhà (theo hướng dẫn của nhân viên y tế) có ý nghĩa quyết định đến 50%.
AN HÀ ghi
Tỷ lệ trẻ bị vẹo cổ do thói quen nằm nghiêng một bên sau sinh nhiều gấp hai-ba lần so với những nguyên nhân khác. |
Vẹo cổ, cổ vẹo, bệnh trẻ em, bệnh trẻ sơ sinh, bé ngủ nằm nghiêng