PN - U máu – dị dạng mạch máu bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự hết hoặc sẽ thoái triển khi trẻ được 4 – 5 tuổi. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng rất nhiều cha mẹ xót con, nóng lòng chạy chữa đã khiến không ít trường hợp tiền mất – tật mang.
U máu hay gặp ở trẻ nhỏ và có thể tự khỏi sau khi bé được 4,5 tuổi. Ảnh minh họa: internet
Con mắc bệnh, cha mẹ chạy tứ phương
Chị Hạnh (25 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) vừa sinh con gái đầu lòng được hai ngày đã phát hiện giữa trán của bé xuất hiện vết mụn rùi son bằng hột mè, ai đến thăm cũng khen bé sau này giàu to khiến bà mẹ trẻ vui lây. Nhưng chưa được hai tháng, mụn rùi son phát triển nhanh không ngừng, giờ đã to bằng trái trứng cút. Quá lo lắng, chị Hạnh đưa con đi khám khắp nơi, từ bệnh viện Nhi Đồng 2 đến bệnh viện Da Liễu. Tuy các bác sĩ đều khẳng định đây là u lành, sẽ tự hết khi bé được 4, 5 tuổi nhưng vợ chồng chị Hạnh vẫn không yên tâm.
Không thể ngồi chờ con tự khỏi bệnh, ai bày gì chị Hạnh cũng làm theo, từ đắp các loại lá trầu, lá nhàu, đinh lăng đến các loại thuốc Bắc… đến nỗi chiếc mụn sưng tấy, bé sốt cao. Lúc này chị Hạnh mới hoảng hồn đưa con nhập viện cấp cứu.
Lúc mới sinh, bé Trang (1 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) không có biểu hiện gì trên mặt. Thế nhưng 3 tháng sau, giữa gò má của bé nổi lên cục u cứng như bị té ngã. Khi biết con bị bướu lành, sẽ tự khỏi hoặc muốn nhanh có kết quả thì có thể điều trị bằng lazer. Xót con, cha mẹ bé Trang quyết định đưa con sang Singapore để chạy chữa. Chưa biết kết quả như thế nào, nhưng cứ hai tháng/lần, cha mẹ bé tốn một chi phí khoảng 3.000 USD để đưa con tái khám và điều trị.
Cha mẹ đừng quá lo lắng
Theo BS Hoàng Văn Minh – Giám đốc Trung tâm U máu, Đại học Y Dược TP.HCM: U máu có hai dạng, một do dị dạng mạch máu (bớt đỏ), hai là do tăng sinh mạch máu (là những khối u nhỏ trên bề mặt da). Dạng bớt đỏ là dạng bẩm sinh, sẽ phát triển, lan rộng trong suốt cuộc đời của trẻ và không tự nhiên mất đi.
Còn u do tăng sinh mạch máu thường xuất hiện sau khi sinh vài ngày, lớn nhanh và nhô cao trong khoảng chín tháng đầu, sau đó lớn chậm lại và giảm dần khi trẻ 12 - 18 tháng. Loại u này có thể tự mất khi trẻ được tám - chín tuổi mà không cần bất kỳ can thiệp nào.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện ở các vị trí như mắt, mũi, miệng thì dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không can thiệp kịp thời, nó có thể để lại di chứng như sẹo xấu, sợi xơ mỡ hoặc giãn mạch trên bề mặt da.
Theo BS Minh, trước đây có nhiều biện pháp như phẫu thuật, chích xơ, dán đồng vị phóng xạ (P32)… Tuy nhiên những cách này sẽ để lại sẹo xấu. Ngày nay có thể dùng thuốc như Timolon, điều trị bằng lazer, thoa hoặc uống thuốc chẹn Beta… Số lần điều trị tùy thuộc vào mức độ, kích thước của từng loại u.
Hiện nay, Trung tâm u máu đang điều trị hoàn toàn miễn phí cho trẻ dưới sáu tuổi. Phụ huynh có nhu cầu có thể liên hệ tại 221B Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, ĐT: 08.38448979.
UYÊN PHƯƠNG
u máu, dị dạng mạch máu, tăng sinh mạch máu, bớt đỏ