PN - Bác sĩ (BS) Đinh Anh Tuấn - Phó khoa Sốt xuất huyết (SXH), Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo, bệnh SXH sắp vào mùa. Các bậc phụ huynh (PH) cần lưu ý phòng tránh,
Dấu hiệu nhận biết bệnh
“SXH xuất hiện quanh năm nhưng thường rộ lên vào mùa mưa (tháng 5, 6, 7, 8). Lúc cao điểm, Khoa SXH của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi nội trú…”, BS Tuấn nói. Nguyên nhân khiến bệnh SXH rộ lên vào mùa mưa liên quan đến chu trình sinh sản của muỗi. Mùa mưa tạo ra nhiều ao tù, nước đọng trên diện rộng, môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi. Bệnh nhân bị SXH vì thế gia tăng.
SXH nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng PH cần nắm rõ các dấu hiệu, cách nhận biết khi bệnh trở nặng để nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, bởi bệnh SXH rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không xử trí đúng cách, kịp thời. Khi bé bỗng dưng sốt cao khó hạ mà không có các dấu hiệu đi kèm (không xử trí sẽ co giật), có thể nghĩ đến bệnh SXH.
Sau đợt sốt, bệnh nhi có biểu hiện nổi chấm xuất huyết dưới da, hoặc ban đỏ, mắt lừ đừ, mệt mỏi, thậm chí một số trường hợp đau nhức cơ đến nỗi không đi được. Khi bệnh nặng hơn, trẻ sẽ có biểu hiện nôn ói, chảy máu chân răng, đi cầu phân màu đen. Nghiêm trọng hơn, trẻ bị sốc SXH, biến chứng rất đáng ngại.
Tùy theo tổn thương của các cơ quan mà bệnh nhi SXH bị sốc hoặc không. Trẻ mắc bệnh, có thể bị tổn thương ở não, gan hoặc chảy máu ồ ạt.
Về tiến triển của bệnh SXH ở trẻ, BS Tuấn cho biết, tùy theo cơ địa và loại vi-rút, bệnh sẽ diễn tiến nhanh hoặc chậm. Thông thường, bắt đầu từ ngày thứ ba - sáu, bệnh sẽ trở nặng.
Điều trị tại nhà, vẫn phải đến viện tái khám mỗi ngày
Để chẩn đoán bệnh SXH, các BS sẽ dựa vào lâm sàng (tính chất sốt, ói). Ngoài ra, bệnh nhi còn được làm thêm các hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm công thức máu xem bạch cầu và tiểu cầu có giảm không, có hiện tượng cô đặc máu không...
Nếu bệnh ở giai đoạn sớm (ngày thứ một - hai), bệnh nhi được chỉ định làm xét nghiệm tìm kháng nguyên SXH. Nhưng từ ngày thứ năm của bệnh trở đi thì phải làm huyết thanh chẩn đoán. Tùy tình hình bệnh nặng hoặc nhẹ mà BS sẽ đưa ra chỉ định điều trị khác nhau.
Các trường hợp sau khi xét nghiệm bị SXH nhưng không có hiện tượng cô đặc máu, hoặc tiểu cầu chưa giảm quá thấp thì có thể điều trị tại nhà. BS sẽ khuyên PH cho trẻ uống thuốc hạ sốt, lau mát, bổ sung vitamin C để tăng cường đề kháng, uống nhiều nước. Khi sốt, trẻ mệt nên ít ăn, PH hãy cho con ăn các thức dễ tiêu như cháo, sữa. Những trường hợp SXH điều trị tại nhà phải tuân thủ việc đến bệnh viện tái khám mỗi ngày.
BS Tuấn đặc biệt lưu ý PH, bệnh nhi SXH điều trị ngoại trú phải được theo dõi kỹ, nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa tới bệnh viện kịp thời.
Đang sốt cao, bỗng nhiên trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt mỏi, lừ đừ, chân tay mát lạnh, buồn nôn, một số bé chảy máu chân răng, đi cầu phân đen thì đó là những cảnh báo nguy hiểm. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh SXH nên chủ yếu chữa theo triệu chứng và nâng thể trạng.
Bệnh nhi sẽ được cho uống thuốc hạ sốt, lau mát, uống vitamin C, bổ sung dinh dưỡng. Bị nặng hơn, BS sẽ cho bé truyền dịch chống sốc, thậm chí hỗ trợ thở ôxy nếu có hiện tượng suy hô hấp.
Để bệnh không biến chứng nguy hiểm, BS Tuấn khuyên PH hãy đưa trẻ đi khám khi thấy các biểu hiện ban đầu của SXH. Người dân cần phòng bệnh bằng cách vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, phát quang bụi rậm, không để vật chứa nước tù đọng, ngủ mắc màn...
TRÂM ANH
sốt xuất huyết, dấu hiệu sốt xuất huyết, muỗi chích