Sức khỏe

Nỗi ám ảnh mang tên 'não mô cầu'

PN - Não mô cầu (NMC) là một căn bệnh nguy hiểm, và trở thành nỗi ám ảnh do bệnh diễn tiến cấp tính có thể dẫn đến tử vong hoặc gây tàn tật trong vòng 24 giờ.

Dễ lây lan

NMC là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao trong cộng đồng và là căn bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao (5-10%). BS Nguyễn Thanh Hùng - Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho biết, bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp (nhiễm song cầu khuẩn Neisseria meninggitidis) do hít phải nước bọt của người mắc bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi họng, từ đó lan tỏa vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc qua đường máu đến màng não gây viêm màng não mủ kèm nhiễm trùng máu.

Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh hợp lý, vi khuẩn sẽ biến mất khỏi đường mũi họng trong vòng 24 giờ.

Thực tế tỷ lệ người lành mang vi khuẩn rất cao, có thể chiếm khoảng 25%, trong các đợt dịch có thể chiếm tới hơn 50%, và có thể không có triệu chứng lâm sàng. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Đối tượng nào dễ nhiễm bệnh?

Đối tượng dễ bị viêm NMC là trẻ em. Ảnh minh họa: Internet 

Theo BS Hùng, lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm NMC, tuy nhiên, tần suất mắc bệnh cao nhất ở trẻ từ năm-chín tháng tuổi, 35 - 40% trường hợp xảy ra ở trẻ năm tuổi.

Khi bị nhiễm NMC, trẻ sẽ sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, nôn ói, biếng ăn; 50% các trường hợp có phát ban đỏ ở da, ban đầu là dạng hồng ban (sẩn hồng, ấn tay vào thì biến mất), sau đó nhanh chóng xuất hiện ban tím (ban dạng xuất huyết, ấn vào không biến mất). Ngoài ra, người bệnh còn sợ ánh sáng, thóp phồng (trẻ nhũ nhi), cổ gượng, ngủ gà, co giật và hôn mê; bệnh nhân có thể bị sốc với diễn tiến rất nhanh, có thể tử vong trong vòng 12 giờ.

Khi bị nhiễm NMC, người bệnh có triệu chứng mạch nhanh nhẹ khó bắt, tay chân lạnh, thở nhanh, tiểu ít và hạ huyết áp. Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

Phòng bệnh ra sao?

Để phòng ngừa nguy cơ dịch NMC lây lan, trong thông báo mới đây (ngày 16/3), Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng.

- Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do NMC, cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được giám sát, xử lý kịp thời.

 Thiên Nga (ghi)

www.phunuonline.com.vn

viêm não mô cầu, viêm não


      © 2021 FAP
        166,599       44