Thực phẩm thường được phân thành các nhóm tùy vào thành phần chất dinh dưỡng có nhiều nhất trong thực phẩm đó. Thực phẩm cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng để duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người, giúp trẻ em tăng trưởng
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, một người nên sử dụng khoảng 10% năng lượng từ đường. Như vậy, một người trưởng thành có mức năng lượng khoảng 2000 kcal/ ngày thì năng lượng từ đường là 200kcal, tương đương 50g đường/ ngày, bao gồm đường từ tất cả các nguồn như: đường từ quả chín, nước ngọt, bánh kẹo, đường uống cà phê, trà,…
Ảnh Internet
So với các mặt hàng thực phẩm, đường là gia vị nên ít nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, nên người tiêu dùng thường có tâm lý chọn những sản phẩm đường không nhãn mác để tiết kiệm chi phí.
Mối nguy hại từ những sản phẩm đường nhập lậu, đường do những cơ sở sản xuất thủ công mất vệ sinh trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong tẩy trắng đường… bắt đầu khiến người tiêu dùng lo lắng hơn. Các cơ quan chức năng đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng đường, nhưng hiện vẫn còn không ít "đường ba không" (không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng), len lỏi đi vào thị trường.
Vì sợ đường quá trắng do có chất tẩy, nhiều người tiêu dùng chuộng đường vàng. Nắm được tâm lý này, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã mua đường kém chất lượng, đường lậu, rồi dùng hóa chất (không được phép sử dụng) để cho ra loại đường vàng, đẹp mắt, đánh lừa người mua. Khi thương lái mua đường lậu đóng vào các bao nhỏ, quá trình này cũng không đảm bảo vệ sinh, có nhiều tạp chất không hòa tan như cát, đất lẫn vào với đường.
Vận chuyển đường lậu tại An Giang: Như thế này làm sao đảm bảo đủ vệ sinh an toàn thực phẩm? Ảnh Internet
Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học (tạo vị ngọt) thiếu kiểm soát cũng là vấn đề cần lưu ý hiện nay. Đường sinh học dùng cho chuyển hóa tế bào là glucose, nhưng trong thực tế cuộc sống chúng ta thường đưa vào cơ thể các dạng đường đơn, đường đa như fructose, mantose, saccharose, tinh bột... lấy từ các loại hoa, củ, quả, thân cây mía, củ cải, mật ong, ngũ cốc.... vốn có sẵn trong tự nhiên. Còn các loại đường hóa học - các loại chỉ tạo vị ngọt chứ không chuyển hóa được - để dùng trong việc điều trị cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường. Về bản chất, chúng là saccharin hay manitol, acesulfam K, aspartam, isomalt, sorbitol, sucraloza được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và có quy định rõ ràng.
Đường hóa học (hay là chất ngọt tổng hợp) là chất không có trong tự nhiên, thường có vị ngọt rất cao so với đường kính saccharose (đường tự nhiên khai thác từ mía, củ cải đường) và hầu như không cung cấp năng lượng, hay cung cấp ở mức thấp hơn đường kính (1-2 kcal/1g như đường isomalt).
Trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại một số những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam, vì loại đường hóa học này có thể gây ra các tác hại như: làm gia tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền... Tuy nhiên, vẫn có một vài cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ, thủ công, nước ngọt, chè, sâm lạnh, sữa đậu nành và quán ăn người ta vẫn thường dùng loại đường này để nấu nướng cho rẻ và lợi nhuận cao hơn nhiều so với đường mía.
Các cơ quan chức năng khó mà kiểm soát hết được nguồn đường sử dụng, nên người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ cần lựa chọn những sản phẩm đường của những thương hiệu lớn, có nhãn mác đầy đủ, có địa chỉ, hạn sử dụng rõ ràng. Đừng vì tiết kiệm vài ngàn đồng mà mua những loại đường trôi nổi trên thị trường, gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình!
Không nên mua đường trôi nổi, không nhãn mác, để sức khỏe… trôi nổi theo! Ảnh Internet
PGS. TS. NGUYỄN THỊ LÂM
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng
Đường không rõ nguồn gốc