Sức khỏe

Những kiểu chống nóng "không giống ai"

PN - Dù mới trung tuần tháng Ba nhưng thời tiết đã trở nên nóng bức. Đối phó với nắng nóng, nhiều người đã nghĩ ra không ít cách thức kỳ lạ để làm mát tức thời như dán miếng hạ sốt,

Rước bệnh

Chuẩn bị cho buổi sinh hoạt ngoài trời, để chống nắng, chị Tiểu Lan (Q.11, TP.HCM) đã mua miếng hạ sốt dán lên người. Chị Tiểu Lan còn cho biết mỗi khi trời nóng, chị đều làm như thế. Trường hợp khác, bà Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại sắm một túi chườm, đưa túi vào ngăn đá cho thật lạnh rồi quấn lên người cho mát. Không ít người khác lại liên tục xối nước lên người hoặc nhúng đầu vào nước; hay để máy lạnh ở nhiệt độ thấp và cho thổi trực tiếp vào người, hoặc luôn có sẵn ca nước đá bên cạnh để uống…

“Dán miếng hạ sốt và quấn túi chườm lạnh là “biện pháp quá khích”, nhiều BS nhận định. TS-BS Võ Xuân Quang, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, phân tích: dùng miếng chườm lạnh quấn quanh người có hại nhiều hơn lợi vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và quá mức có thể dẫn đến tổn thương da do lạnh, chẳng hạn như bỏng lạnh. Miếng dán hạ sốt cũng là một giải pháp “không giống ai”, bởi vấn đề là nóng bên ngoài môi trường chứ không phải sốt bên trong cơ thể. Cái hại trước mắt là việc dán các miếng này làm che mất một vùng da đang cần được thoát nhiệt và đổ mồ hôi.

Việc đắp khăn ướt, xối nước, đi tắm liên tục… chỉ giúp cơ thể thấy dễ chịu hơn trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, do nhiệt độ môi trường vẫn cao nên chẳng mấy chốc nóng vẫn hoàn nóng. Hơn nữa, dù các cách này có thể giải quyết được cơn nóng tức thời thì vẫn có nguy cơ gây ra những hậu quả trầm trọng. Trời nóng, cơ thể đang ra mồ hôi, nếu chịu những tác động làm lạnh đột ngột như tắm nước lạnh, xối nước thường xuyên, uống nước đá, ngồi trước quạt, máy lạnh… sẽ khiến hàng rào bảo vệ của hệ hô hấp giảm xuống, dễ bị nhiễm lạnh, cảm lạnh, thậm chí là cảm cúm. Vì vậy, tuy là mùa nóng nhưng tỷ lệ người bị cảm cúm lại gia tăng và có xu hướng tăng nặng, khó điều trị. Chưa kể, mùa còn nảy sinh những chủng virus cúm mới mà hiện chưa có thuốc chế ngự - PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng Trung tâm Chăm sóc hô hấp, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo.

Hơn nữa, càng tắm nhiều, cơ thể càng bị mất nước và nóng hơn. Lỗ chân lông sẽ bị dãn nở to hơn, cơ chế phòng vệ của da bị tổn thương khiến các tác nhân gây bệnh khác càng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Bí quyết chống nóng hiệu quả

Theo TS-BS Võ Xuân Quang, mỗi người nên cập nhật nhiệt độ môi trường mỗi ngày qua các phương tiện truyền thông để có sự chuẩn bị phù hợp cho những ngày "siêu nóng". Tác động nghiêm trọng nhất khi trời nắng nóng là việc mất nước do đổ mồ hôi và bay hơi. Hơn nữa, việc thoát mồ hôi còn kèm mất nước và muối khoáng, nên ngoài việc uống thật nhiều nước lọc còn cần bổ sung thêm các loại nước khoáng và nước hoa quả, uống trước khi cảm thấy cơn khát xuất hiện. Lượng uống mỗi ngày khoảng 2-2,5 lít. Cần lưu ý nhắc nhở và có biện pháp kiểm tra thường xuyên đối với trẻ em và người già, vì đây là hai đối tượng dễ bị mất nước nhưng lại ít uống nước đầy đủ.

Nên chọn quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và sáng màu; tránh các chất liệu ngăn cản bốc hơi như nylon hay polyester. Khi ra đường cần đội mũ rộng vành, đeo kính râm có chống tia UV và dùng thêm kem chống nắng. Các bộ quần áo che nắng, đặc biệt loại tối màu, giúp bảo vệ làn da của chị em nhưng lại hạn chế trong việc giúp cơ thể thải nhiệt. Do đó, nên cân nhắc việc sử dụng nếu cần di chuyển trong thời gian dài.

Cũng nên lưu ý điều chỉnh cường độ làm việc và nhịp điệu nghỉ ngơi phù hợp. Dù ở nhà hay ở cơ quan, nên đặt điều hòa vừa phải, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh.

Nếu phải đi ngoài đường dưới ánh nắng liên tục, bạn có thể đối diện với nhiều nguy cơ khác nhau, chẳng hạn như say nắng hay cảm nắng với biểu hiện choáng váng, chóng mặt. Bệnh sinh ra do tăng thân nhiệt kèm mất nước. Nặng hơn, người bệnh có thể rơi vào tình trạng choáng nắng (đột quỵ do nắng nóng), có thể kèm thân nhiệt cao bất thường đến hơn 400C. Bệnh diễn tiến nhanh đưa đến hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời. PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan tư vấn: “Trong trường hợp đó, cần nhanh chóng giảm thân nhiệt cho người bệnh bằng cách đưa vào bóng mát, nơi có hơi mát, cởi bớt quần áo khoác ngoài và đắp nước để hạ nhiệt. Lưu ý, không được cho bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh, chẳng hạn như nước vì khi đó nước sẽ dễ bị tràn vào phổi, gây nguy hiểm cho tính mạng. Sau đó, lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị hạ nhiệt và bổ sung nước cho cơ thể”.

Ngoài ra, nên cải thiện nơi ở hoặc làm việc để tạo sự thông thoáng và giảm nhiệt độ môi trường sống. Chẳng hạn, làm lớp cách nhiệt (với mái tôn) bằng thạch cao, tránh dùng mút xốp vì dễ gây cháy. Lắp quả cầu thông gió trên mái nhà hoặc gắn quạt thông gió để hút hơi nóng từ trong nhà ra ngoài.

Mặt khác, theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, trong mùa nóng, những người có sức đề kháng kém, dễ bị cảm cúm nên chích ngừa cảm cúm theo mùa. Thời điểm này cần chích dòng chủng ngừa cúm Nam bán cầu; nếu vào tháng 10 thì chích dòng Bắc bán cầu.

 AN HÀ

www.phunuonline.com.vn

chống nóng, nắng nóng, cảm cúm, miếng dán hạ sốt


      © 2021 FAP
        194,895       578