Sức khỏe

Hồng cầu thiếu, hồng cầu thừa

PNCN - Ai cũng biết tầm quan trọng của hồng cầu trong máu. Và hẳn nhiên, ai cũng biết việc thiếu thừa hồng cầu là… bất bình thường.

PV Báo Phụ Nữ đã trao đổi với BS Phù Chí Dũng - Giám đốc BV Truyền Máu và huyết học xung quanh vấn đề này.

 

* Thưa BS, ở người bình thường, chỉ số hồng cầu cơ bản là bao nhiêu?

- Số lượng hồng cầu trung bình của người Việt Nam là: nam giới khoảng 4,2 triệu/mm3 và nữ giới khoảng 3,8 triệu/mm3 máu. Lượng hồng cầu có thay đổi chút ít trong ngày, thấp lúc ngủ và cao khi vận động. Hồng cầu ở trẻ sơ sinh cao hơn người lớn, khoảng 5 triệu/mm3, nhưng trong 10 ngày đầu sau khi trẻ được sinh ra, một số hồng cầu bị tiêu đi, gây ra tình trạng vàng da sinh lý trẻ sơ sinh. Một vài tháng sau, hồng cầu của trẻ sẽ xấp xỉ của người trưởng thành.

Đời sống trung bình của hồng cầu trong máu ngoại vi khoảng 100-120 ngày. Hồng cầu già sẽ tiêu hủy bởi các đại thực bào trong tủy xương, gan, lách.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố lưu hành trong máu ngoại vi so với người bình thường cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng một môi trường sống.

* Chức năng, nhiệm vụ của hồng cầu trong “hệ máu” ra sao?

- Hồng cầu hay huyết cầu tố là loại tế bào máu có chức năng chính là hô hấp, chuyên chở hemoglobin, qua đó đưa oxy từ phổi đến các mô do phân tử huyết cầu tố có thể dễ dàng thích hợp với oxy. Bên cạnh đó, hồng cầu có chức năng điều hòa cân bằng kiềm toan trong cơ thể. Hemoglobin trong hồng cầu thực hiện vai trò như một hệ thống đệm quan trọng trong cơ thể.

* Bệnh thiếu máu (hồng cầu) có di truyền không? Có ngăn ngừa được không?

- Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thiếu máu (hồng cầu), trong đó có thiếu máu do di truyền do bất thường màng hồng cầu, bất thường huyết sắc tố hoặc do thiếu men. Bệnh thiếu máu do di truyền chưa thể phòng ngừa, ngoài việc kiểm tra chồng, vợ hay bào thai giúp chỉ dẫn họ về xác suất con cái họ có mang mầm bệnh hay bị bệnh nặng không.

Việc điều trị tùy theo từng loại bệnh thiếu máu di truyền. Đối với bệnh thiếu máu do bất thường huyết sắc tố, cần truyền máu thường xuyên và theo dõi vấn đề ứ sắt để giảm bớt những biến chứng của bệnh. Trong trường hợp thiếu máu di truyền do thiếu men G6PD, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn danh sách các thuốc nguy hiểm không nên dùng và cần tránh một số thức ăn...

* Có phương pháp nào để giúp “sản sinh” ra hồng cầu? Dinh dưỡng có ảnh hưởng gì tới việc này hay không?

Cơ thể cần một số vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng để tạo ra đủ hồng cầu. Sắt, vitamin B12 và axít folic là ba yếu tố quan trọng nhất. Cơ thể có thể không có đủ các chất dinh dưỡng do:

* Những thay đổi trong niêm mạc dạ dày hoặc ruột ảnh hưởng đến hấp thu các chất dinh dưỡng (ví dụ, bệnh celiac).

- Ăn uống không đầy đủ.

- Mất máu từ từ (ví dụ, kinh nguyệt nhiều hoặc loét dạ dày).

- Phẫu thuật loại bỏ một phần của dạ dày hoặc ruột.

Vì vậy, điều trị thiếu máu ngoài việc truyền máu để đảm bảo vận chuyển oxy, một số trường hợp thiếu máu do thiếu chất như thiếu máu do thiếu sắt hoặc do thiếu axít folic và/hoặc vitamin B12 thì ngoài việc uống bổ sung viên sắt, axít folic, vitamin B12, cần phải chú trọng thêm về vấn đề dinh dưỡng bằng cách cải thiện bữa ăn: lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình. Đó gồm: các loại ốc; các loại thịt như thịt bò, lợn, gan lợn, tiết lợn; cá ngừ; lòng đỏ trứng; các loại rau như dền, ngót, muống... và các loại đậu. Dùng thêm nước mắm, bánh... có bổ sung chất sắt.

* Đa hồng cầu (ĐHC) là bệnh gì?

Bệnh ĐHC là trường hợp số lượng hồng cầu trong máu vượt quá mức bình thường. Nguyên nhân: chia làm hai loại:

- ĐHC nguyên phát: do bệnh lý tại cơ quan tạo máu, đây là một dạng bệnh lý ác tính.

- ĐHC thứ phát, ví dụ: sự sụt giảm oxy trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người sống ở vùng đồi núi cao, bệnh lý tim mạch như suy tim, tim bẩm sinh...

Trong đó, ĐHC nguyên phát thuộc nhóm các bệnh tăng sinh tủy mạn ác tính, là một nhóm bệnh ác tính hệ tạo máu thường gặp. Đặc điểm chung của nhóm bệnh lý này là diễn biến mạn tính, lách to kèm theo tăng một hoặc nhiều dòng tế bào tủy.

* ĐHC tiến triển bệnh rất chậm, người bệnh có thể sống “bình yên” bao lâu cho đến khi bệnh bộc phát?

- ĐHC nguyên phát có tiên lượng tương đối tốt. Nhưng nếu không điều trị, thời gian sống trung bình chỉ từ 6 đến 18 tháng. Nếu có điều trị, thời gian sống trung bình 10 - 20 năm. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tắc mạch, tai biến mạch máu não do tăng huyết áp. Những nguyên nhân gây tử vong khác là chuyển dạng bệnh bạch cầu cấp hoặc đến giai đoạn kiệt tủy.

* Bệnh ĐHC có thể điều trị dứt điểm được không? Có phòng ngừa được không?

Bệnh ĐHC không thể điều trị dứt điểm được. Ngày nay, trích máu và dùng thuốc nhằm làm giảm số lượng hồng cầu trong máu vẫn là hai phương pháp chính để điều trị bệnh:

- Rút máu: áp dụng với các bệnh nhân trẻ tuổi hoặc ở thể nhẹ. Tuy nhiên, việc rút máu sẽ làm tăng nguy cơ thiếu sắt, không kiểm soát được số lượng tiểu cầu và có thể gây ra một vài rối loạn huyết động ở một vài người.

- Dùng thuốc: khi liệu pháp rút máu không thể áp dụng, người ta sẽ sử dụng đến thuốc. Hiện nay, có ba loại thuốc chính: Hydroxyurea, Interferon và Anagrelide. Các loại thuốc trên đều có những quy tắc sử dụng nhất định, có loại còn có tác dụng phụ trong quá trình sử dụng, do đó, người bệnh cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay, chưa có phương pháp nào phòng bệnh hiệu quả, có chăng chỉ là việc duy trì lối sống khỏe mạnh để máu không bị nghẽn mạch mà thôi.

* Như vậy, thiếu hồng cầu và đa hồng cầu, bệnh nào nguy hiểm hơn?

- Bệnh nào cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng chất lượng sống nên không thể nói được bệnh nào nguy hiểm hay dễ phòng ngừa và điều trị hơn. Nếu mắc phải một trong những chứng bệnh trên, cần phải đi khám ngay để được xác định, chẩn đoán và có hướng điều trị tiếp theo.

* Xin cám ơn BS.

THIÊN NGA (thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

hồng cầu thiếu, hồng cầu thừa


      © 2021 FAP
        194,257       798