PNCN - Tôi có cô cháu gái ba tuổi. Khi đi chân không, bé hay đi bằng đầu ngón chân. Ban đầu, trông rất dễ thương, nhưng về sau, tôi thấy bé hay đi bằng cách này, nên lo âu.
Mai Thị Hằng (Q.12, TP.HCM)
Lúc bắt đầu tập đi, xu hướng của các bé là đi nhón gót chân. Đây là chuyện bình thường. Về nguyên tắc, khi bé đã qua hai tuổi và từ ba tuổi trở lên, bé phải đi bằng cả bàn chân.
Nếu bé đã ba tuổi mà vẫn đi bằng các đầu ngón chân như vậy, gia đình nên đưa bé đến khám chuyên khoa chỉnh hình nhi. Có thể, bé đang gặp những bất thường: gân gót chân ngắn quá, do đó bé bị kéo căng chân khi bước đi, khiến bé phải nhón gót để bước chân đủ độ dài so với bàn chân bên kia; hoặc bé có bất thường ở vùng khớp háng, chân này ngắn hơn so với chân còn lại, nên bé phải tự điều chỉnh bằng cách nhón gót.
Nếu được phát hiện kịp thời, bé có thể mang giày chuyên dụng, giữ lòng bàn chân ở vị trí cần thiết. Không kịp thời điều chỉnh các bất thường này, dần dần cấu trúc xương bàn chân bé sẽ bị biến dạng, bị cong vẹo, cơ cẳng chân không được kéo giãn ra. Tật này càng để lâu càng khó chữa, đôi khi cần phải can thiệp phẫu thuật phức tạp.
BS DOÃN THỊ HUYỀN TRÂN
(Khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115)
bé đi nhón chân, vì sao bé đi nhón chân