Sức khỏe

Để giảm tác hại khi sử dụng máy vi tính

PN - Để giảm các tác hại cho sức khỏe khi sử dụng máy vi tính thời gian dài, như tình trạng đau lưng, cứng cơ cổ, mỏi mắt, nhức đầu… các chuyên gia khuyên bạn

1. Bài tập thư giãn vai: Để thực hiện, bạn hãy ngồi với tư thế thẳng lưng và cổ, đôi mắt nhìn thẳng vào phần trên của màn hình máy vi tính, rồi thả lỏng hai cánh tay buông xuôi theo cơ thể trong vài phút.

2. Bài tập ngừa mỏi mắt: Để tránh tình trạng mỏi mắt khi sử dụng máy vi tính trong thời gian dài, bạn nên thường xuyên giúp mắt được nghỉ ngơi, như thỉnh thoảng rời mắt khỏi màn hình, tập trung nhìn vào một vật ở xa trong khoảng 20 giây. Hoặc bạn cũng có thể nhắm mắt lại rồi dùng hai lòng bàn tay day nhẹ hai mắt trong vài giây. Ngoài ra, để tránh tình trạng mắt bị khô, gây ảnh hưởng đến thị lực, khi phải làm việc lâu trên máy vi tính, bạn đừng quên thường xuyên chớp mắt để giúp bôi trơn mắt,

 3. Bài tập khắc phục cứng cơ cổ: Thao tác một: cúi gập đầu về phía trước, sao cho cằm chạm phần ngực sau đó từ từ ngẩng đầu lên ngước về phía sau rồi lặp lại. Thao tác hai: ngồi ngay ngắn, giữ hai vai thẳng, sau đó nghiêng hẳn đầu sang bên trái và bên phải rồi lặp lại. Bài tập cổ đơn giản này có thể giúp bạn giảm áp lực trên các cơ cổ khi phải làm việc lâu trên máy vi tính. Để tăng hiệu quả, bạn nên thường xuyên thực hiện vài lần mỗi thao tác này sau mỗi giờ.

 4. Bài tập giảm mỏi và đau lưng: Sau mỗi 4-5 giờ sử dụng máy vi tính, bạn hãy thực hiện thao tác đan các ngón tay lại rồi vươn thẳng hai tay lên trên và kéo giãn xương sống. Thường xuyên thực hiện bài tập này có thể giúp bạn giảm tình trạng mỏi và đau lưng khi phải ngồi sử dụng máy vi tính trong thời gian dài.

 5. Bài tập ngừa mỏi và đau tay: Để thực hiện, bạn hãy nắm chặt mỗi bàn tay lại sau đó từ từ xòe các ngón tay ra hết cỡ rồi lặp lại. Thường xuyên thực hiện bài tập này sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng mỏi và đau tay do thao tác bạn gõ bàn phím máy vi tính gây ra.

NGUYỄN NIỆM

(Theo India)

www.phunuonline.com.vn

máy tính, tác hại khi sử dụng máy tính


      © 2021 FAP
        202,388       653