Sức khỏe

8 điều cần biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh

PNCN - Chăm sóc bé yêu luôn là những giây phút tràn đầy tình yêu thương. Song, điều đó đồng nghĩa phải đối diện với những đêm thức trắng,

* Bé đòi bú: Trẻ sơ sinh đòi bú thường xuyên, nhiều lúc chỉ cách khoảng một giờ rưỡi là bé bắt đầu khóc. Trong tình huống này, các ông bố thường lưỡng lự sợ bé “đầy bụng”, không biết có nên cho bé bú thêm nữa không. Cứ yên tâm, các bé chỉ đòi bú khi đói. Vì vậy, các bố cứ bình tĩnh cho bé bú khi thấy bé đòi thêm nhé.

* Bé quấy mãi không nín: Đa số các trẻ sơ sinh đều mắc phải hội chứng quấy khóc mãi không nín (còn gọi là hội chứng colic). Cách một hoặc hai tuần sau sinh, các bé sẽ bắt đầu khóc suốt trên ba giờ trong một ngày và sẽ dứt sau vài tháng. Nguyên nhân được cho là hệ tiêu hóa của bé đang trong giai đoạn phát triển. Vì thế, các ông bố cần hết sức bình tĩnh, không nên lo lắng khi thấy bé khóc không nín, vì đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

* Bé thở không đều: Đây là hiện tượng bình thường, phần lớn các bé mới sinh khi ngủ hay gặp phải. Biểu hiện rõ nhất là các bé thường sẽ thở khó, hay ngưng thở trong khoảng 10 giây rồi thở lại dồn dập, hơi thở thường ngắn, nông. Khi gặp tình huống này các ông bố không nên hoảng hốt.

* Không quấn quá nhiều khăn: Nhiều gia đình vì sợ bé lạnh nên quấn rất nhiều khăn, thậm chí cho bé mặc rất nhiều quần áo, đặc biệt là vào lúc chuyển mùa. Thật ra, các bé cảm thấy dễ chịu nhất ở nhiệt độ thường, giống như người lớn. Mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi làm bé bị nhiễm lạnh, dễ bị viêm phổi.

* Tiếng thổi tim: Khoảng 20% tim của các trẻ sơ sinh sẽ gặp tình trạng này và thường được các bác sĩ phát hiện khi kiểm tra định kỳ, nhưng hãy yên tâm vì rất ít trường hợp là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nếu tiếng thổi tim kéo dài nhiều tuần, gia đình nên đưa bé đi siêu âm tim.

* Hội chứng lo lắng bị xa cách: Hiểu đơn giản là bé sợ ở một mình, không có người thân bên cạnh. Khi được tám tháng tuổi, các bé bắt đầu lo lắng, bồn chồn khi không có cha mẹ kế bên. Điều này sẽ khiến bé hay thức giấc, hoặc bắt đầu quấy khi thấy cha mẹ về lâu hơn bình thường. Để giúp bé an tâm, hãy trò chuyện với bé và chào tạm biệt bé mỗi khi bạn ra ngoài.

* Vắc-xin: Để bảo vệ bé yêu, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn thật kỹ những vắc-xin nào phù hợp và an toàn với độ tuổi, thể trạng của bé, đồng thời không nên tiêm những loại vắc-xin đã được báo cáo rằng không đảm bảo chất lượng.

* Bé rất nhạy cảm: Trẻ sơ sinh có khả năng quan sát rất nhạy bén, đồng thời rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Nếu trong nhà ba mẹ có cãi nhau, các bé đều cảm nhận được sự căng thẳng. Đặc biệt, với những gia đình thường xuyên ẩu đả, các bé thường xuyên bị tác động theo hướng tiêu cực, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý hành vi bình thường của bé. Vì vậy, nếu có xung đột với nhau, cha mẹ nên kiềm chế, hoặc nếu không thể hạ hỏa nổi, thì nên tránh càng xa bé càng tốt.

 BÁCH CÁT

(Theo idiva.com)

www.phunuonline.com.vn

chăm sóc bé, chăm sóc trẻ sơ sinh


      © 2021 FAP
        202,445       167