Sức khỏe

Cách nhận biết lạc tuyến nội mạc tử cung

PNCN - Mẹ tôi đang rất buồn vì bác sĩ cho biết đã bị lạc nội mạc tử cung. Xin hỏi, bệnh có nguy hiểm không? Làm sao phát hiện?

Nguyễn Thị Minh (Đồng Tháp)

Lạc tuyến nội mạc tử cung (LTNMTC) là bệnh lý lành tính và mạn tính, do tuyến nội mạc tử cung nằm lạc chỗ ngoài buồng tử cung. Về cơ bản, LNMTC ảnh hưởng khoảng 10-15% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

LTNMTC vùng chậu được chia thành hai thể:

- Lạc nội mạc bên trong: lạc tuyến nội mạc trong cơ tử cung.

- Lạc nội mạc bên ngoài: lạc tuyến nội mạc ở buồng trứng, dây chằng tử cung cùng, túi cùng Douglas và ít gặp hơn là ở âm đạo, vách âm đạo trực tràng, ruột non, trực tràng, đường niệu, bàng quang, phổi, não…

Đau mạn tính và rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng thường gặp trong LNMTC vùng chậu. Đau khi hành kinh là triệu chứng hay gặp nhất, đau vùng chậu mạn tính ít gặp hơn. Vị trí đau có thể giúp xác định vị trí cơ quan bị lạc nội mạc như: đau khi hành kinh thường là lạc trong cơ tử cung, đau khi giao hợp thường lạc ở âm đạo, đau khi đi cầu, đi tiểu là do lạc nội mạc ở đường tiêu hóa, đường niệu.

Siêu âm âm đạo là phương tiện chẩn đoán phổ biến để tìm bệnh. Tuy nhiên, bệnh lý thường bị bỏ qua nên nhiều bệnh nhân chưa được điều trị đúng, nhất là với lạc tuyến nội mạc trong cơ tử cung. Với lạc nội mạc vùng chậu, dù nội soi vẫn là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán xác định và phân loại giai đoạn vì giúp nhìn thấy tổn thương và sinh thiết tổn thương, nhưng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ngả âm đạo và cộng hưởng từ cũng góp phần đáng kể trong chẩn đoán và theo dõi điều trị. Siêu âm ngả âm đạo kết hợp với Doppler màu giúp chẩn đoán khá chính xác các loại u nội mạc tử cung trong buồng trứng và lạc nội mạc ở bàng quang. Ngược lại, cộng hưởng từ giúp chẩn đoán chính xác lạc nội mạc ở các vị trí khác như dây chằng tử cung cùng, âm đạo và ruột non.

 ThS HÀ TỐ NGUYÊN

(BV Từ Dũ TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

bệnh phụ nữ, lạc nội mạc tử cung, bệnh vùng kín


      © 2021 FAP
        203,027       485