PNCN - Tôi là nam, năm nay 25 tuổi. Tôi đi khám bệnh, được làm xét nghiệm máu và có kết luận bị cường giáp. Chỉ số xét nghiệm như sau:
Nguyễn Văn Thanh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Cường giáp là một hội chứng chứ không phải là bệnh. Rất nhiều người, kể cả các thầy thuốc hiểu sai về vấn đề này. Vì hội chứng là tập hợp của nhiều triệu chứng do nhiều bệnh gây nên, trong đó có bệnh bướu giáp trạng mà dân gian hay gọi nôm na là bướu cổ. Có hai loại bướu cổ hay gây ra hội chứng cường giáp là bệnh Basedow, hay còn gọi là bướu cổ lồi mắt và bướu cổ đa nhân nhiễm độc.
Các biểu hiện hay gặp của bệnh là bướu cổ kèm triệu chứng tăng chuyển hóa: ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhanh (trong một thời gian ngắn, người bệnh có thể sụt đến hơn 10kg), nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều, trong người luôn có cảm giác nóng nảy, bực tức, khó ngủ, rối loạn kinh nguyệt, giảm đam mê tình dục…
Xét nghiệm máu có thể thấy các rối loạn về hormone tuyến giáp như giảm TSH, tăng T3, T4 giống trường hợp của bạn.
Việc điều trị bệnh này không khó, chỉ cần phát hiện sớm. Bao giờ cũng bắt đầu điều trị bằng phương pháp nội khoa, có nghĩa là sử dụng các loại thuốc kháng giáp tổng hợp, một số trường hợp có thể sử dụng thêm các loại thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc an thần… Thời gian điều trị kéo dài từ bốn-sáu tháng. Bệnh có thể thuyên giảm khi điều trị được khoảng hai tuần. Một số trường hợp, nếu bướu cổ to, bệnh tái phát hay vì lý do thẩm mỹ, các yếu tố xã hội nghề nghiệp, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để giải quyết bệnh nhanh và triệt để hơn. Với những bệnh nhân trên 40 tuổi, không còn sinh đẻ, có thể sử dụng Iode đồng vị phóng xạ để điều trị.
PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM
(Đại học Y Dược TP.HCM)
cường giáp, bưới cổ, basedow, cường giáp là bệnh gì