Sức khỏe

Có thể trị dứt nhồi máu cơ tim?

PNCN - Tôi từng đi cấp cứu hai lần với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, suy tim độ II và được các BS cho uống thuốc kháng đông, chống kết tập tiểu cầu, giảm tiền tải, hậu tải.

Huỳnh N.N. (53 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM)

- Bệnh nhân bị cấp cứu vì nhồi máu cơ tim cấp, có thể do máu tại chỗ không được lưu thông. Nguyên nhân thường do có cục máu đông gây tắc nghẽn, hoặc thành mạch bị hẹp. Những năm trước đây, trong mười người nhồi máu cơ tim cấp, bảy người gặp nguy cơ tử vong cao nếu cấp cứu không kịp thời. Hiện nay, chúng ta có nhiều phương pháp điều trị như đặt stent, chụp DSA can thiệp mạch vành. Trong quá trình chụp, các BS xem xét mạch máu bị hẹp ở đâu để can thiệp như nong, đặt stent; nhưng cũng có người, sau khi chụp, các BS phải phẫu thuật bắc cầu.

Sau khi đã nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp lần một, anh sẽ mang một “vết sẹo”, dễ bị nhồi máu lần hai. Điều quan trọng hơn, anh đang bị suy tim độ II. Quả tim bình thường sẽ đập đều đặn, thực hiện đủ chức năng co bóp, nhưng quả tim của anh không còn khỏe và đã bị suy, do nhiều nguyên nhân: cao huyết áp không điều trị tốt, chức năng bơm tưới máu không đáp ứng được nhu cầu máu cho cơ thể.

Để biết rõ hơn tình trạng tim của mình, anh phải chụp quả tim bằng phương pháp chụp can thiệp mạch vành, và có khả năng trong quá trình chụp, nếu các BS thấy cần đặt stent, sẽ tiến hành ngay. Dĩ nhiên, trước khi làm những thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được tư vấn kỹ lưỡng. Bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ một phần cho anh. Tuy nhiên, anh cần phải đến bệnh viện để được khám và giúp các BS đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe.

BS VÕ ĐỨC CHIẾN (Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

Đau tim, nhồi máu cơ tim, có thể trị dứt nhồi máu cơ tim


      © 2021 FAP
        194,454       857