Sức khỏe

Trẻ dễ trầm cảm do bị rối nhiễu tâm trí

PN - Theo một khảo sát của ĐH Y Dược TP.HCM trên 500 học sinh (HS), tỷ lệ rối nhiễu tâm trí (RNTT) ở HS trường trung học phổ thông là 65,2%.

Áp lực học tập khiến nhiều học sinh bị rối nhiễu tâm trí. Ảnh minh họa: Internet 

Nguyên nhân gây rối nhiễu có thể do các yếu tố như học lực, hạnh kiểm, áp lực chương trình học, áp lực từ giáo viên, áp lực thi cử, sự quan tâm - hỗ trợ của giáo viên, mâu thuẫn với bạn bè, lo lắng về kinh tế gia đình, áp lực học tập từ gia đình, mâu thuẫn trong gia đình và tình trạng sử dụng rượu bia của bản thân HS. Đặc biệt, những HS cảm thấy áp lực thi cử có tỷ lệ RNTT cao gấp 1,38 lần những HS không cảm thấy áp lực này. Đây là tỷ lệ tương đối cao, có lẽ do HS rất ít khi có cơ hội vui chơi giải trí, vì phải đi học thêm, phải làm quá nhiều bài tập về nhà.

RNTT là tình trạng lệch lạc về sức khỏe tâm trí vượt qua ngưỡng tự điều chỉnh của cơ thể. Những năm gần đây, tỷ lệ RNTT đang có chiều hướng gia tăng ở các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), RNTT đứng hàng thứ năm trong số mười nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật. Mới đây, WHO đã xác định rõ tâm thần là loại bệnh phổ biến nhất, trong tương lai sẽ đứng đầu danh sách gánh nặng bệnh tật, vượt lên trên cả HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng thông thường và tim mạch. Nếu RNTT không được phát hiện và chẩn đoán sớm, sẽ dẫn đến bệnh tâm thần, đồng thời làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và hệ lụy cho bản thân người bệnh, cho xã hội.

Đặc biệt, tình hình RNTT ở thanh thiếu niên hiện nay đã trở thành vấn đề y tế công cộng, là gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Mức độ phổ biến của RNTT thật sự đang vượt xa các vấn đề y tế khác nên rất cần xã hội và ngành y tế quan tâm, nhất là khi trẻ đang sống trong môi trường đầy áp lực và với tính cách dễ bị tổn thương của lứa tuổi vị thành niên. Việc gia đình tạo áp lực học tập và sự kỳ vọng quá lớn vô tình đã gây ra những áp lực nặng nề lên đôi vai con trẻ. Những áp lực đó làm tinh thần trẻ không thoải mái, gây stress, cau có, bực bội, trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm trí.

RNTT là hiện tượng đa số, cũng bởi người Việt Nam luôn quan niệm rằng học vấn là cách thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế xã hội, gia đình, nhà trường thường gây áp lực rất mạnh đối với việc học tập của trẻ. Bên cạnh những thất bại trong học tập, mâu thuẫn với bạn bè, bị thầy cô trách mắng cùng những mâu thuẫn trong gia đình, không có người cảm thông, chia sẻ - chính là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến tình trạng RNTT ở các em HS. Điều đáng nói, trẻ Việt Nam tiếp cận với rượu bia dễ dàng hơn với những trẻ đồng lứa tuổi ở nhiều nước khác. Tập quán phổ biến ở Việt Nam là dùng rượu bia để ăn mừng các sự kiện, để giao tiếp, đôi khi để giải sầu. Những HS sử dụng rượu bia có tỷ lệ RNTT cao gấp 1,25 lần nhóm không sử dụng rượu bia.

 Nga Thanh

www.phunuonline.com.vn

rối nhiễu tâm trí ở học sinh, stress, trầm cảm, áp lực học tập


      © 2021 FAP
        194,783       624