PNCN - Tôi năm nay 50 tuổi, có ba con. Gần đây, tôi hay bị són tiểu, đi khám phụ khoa, tôi biết mình mắc bệnh sa tạng chậu (STC), cần phải dùng thuốc. Xin bác sĩ tư vấn rõ hơn về bệnh này.
Hoàng Xuân (Q.Tân Phú, TP.HCM)
STC là tình trạng suy yếu hệ thống nâng đỡ đáy chậu, dẫn đến sự tụt xuống của các tạng chậu vào âm đạo. Ngoài xuất hiện khối sa, bệnh gây hậu quả nặng nề như rối loạn chức năng sàn chậu, ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh, biểu hiện bằng triệu chứng tiết niệu, sinh dục, đại tiện.
Gần 50% phụ nữ độ tuổi 50-60 bị STC và ngày càng có nhiều phụ nữ đến khám vì những khó chịu do bệnh gây ra. STC chiếm 1/5 chỉ định mổ phụ khoa. Mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 400.000 ca mổ sa sinh dục, con số này cho thấy phẫu thuật điều trị các rối loạn chức năng do STC gây ra là phổ biến, trong đó có khoảng 125.000 ca tái phát (chiếm 31,25%). Như vậy, thất bại của các ca phẫu thuật do STC không phải là thấp.
Các tổn thương sa tạng gồm: sa vòm âm đạo, sa tử cung, sa chỗ nối bàng quang niệu đạo, sa bàng quang, sa ruột non, sa trực tràng… Hiện có nhiều hệ thống phân loại các mức độ STC cũng như nhiều phương pháp điều trị STC: từ nội khoa với tập vật lý sàn chậu, sử dụng dụng cụ nâng đỡ đặt trong âm đạo, cho đến ngoại khoa như cắt tử cung, không cắt tử cung, cố định nâng đỡ tạng chậu bằng nhiều kỹ thuật khác nhau… đã được thực hiện, nhằm trả lại cho người bệnh cuộc sống chất lượng vốn có.
Việc chẩn đoán chính xác tạng bị sa, mức độ sa, có rối loạn chức năng sàn chậu nào là chìa khóa quyết định lựa chọn điều trị nội khoa, ngoại khoa hay kết hợp tập vật lý sàn chậu. Những tiến bộ gần đây của ngoại khoa đã mang lại nhiều lựa chọn trong phẫu thuật: khuynh hướng bảo tồn tử cung, sử dụng các phương tiện nâng đỡ như mảnh ghép tổng hợp, giúp các thầy thuốc can thiệp một cách nhẹ nhất, tốt nhất…
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi (BV Từ Dũ, TP.HCM)
sa tạng chậu, sa tử cung, bệnh phụ nữ