Sức khỏe

Dấu hiệu nhận biết thiếu chất sắt

PNO - Thiếu sắt là vấn đề sức khỏe phổ biến và phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Sắt là thành phần chính sản xuất Hemoglobin

 Mệt mỏi, kiệt sức

Triệu chứng thường gặp nhất do thiếu sắt là cơ thể mệt mỏi và đây cũng là dấu hiệu mà nhiều phụ nữ hay bỏ qua bởi thường làm việc quá sức. Thiếu sắt làm giảm lượng oxy đến các cơ quan khiến cơ thể mất đi năng lượng cần thiết. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, kèm theo sự khó chịu, mất tập trung thì thiếu sắt là nguyên nhân chính.

Sắc mặt nhợt nhạt

Hemoglobin giúp máu có màu đỏ và khiến da bạn hồng hào hơn. Do đó, nếu hàm lượng protein thấp có thể ảnh hưởng trực tiếp màu sắc của da. Điển hình như người có nước da sáng sẽ xuất hiện đốm đỏ trên da. Nhưng bất kể màu da nào, nếu màu đỏ bên trong môi, nướu răng, bên trong mi mắt nhạt hơn bình thường là dấu hiệu cho biết bạn bị thiếu sắt.

Hơi thở gấp

Dù bạn hít thở sâu, khi lượng oxy thấp, bạn vẫn có cảm giác bị hụt hơi. Nếu bạn thường thở gấp ngay cả khi làm những việc bình thường thì thiếu sắt là nguyên nhân.

Tim đập mạnh

Tim hoạt động quá sức dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim, hở van tim và thậm chí suy tim. Nhưng trước khi gặp những căn bệnh trên, bạn phải trải qua triệu chứng thiếu máu nhiều lần. Tuy nhiên, nếu bản thân có những vấn đề về tim, bạn cần kiểm tra mức độ sắt vì nó có thể khiến bệnh tim nặng hơn.

Chân bị tê

Chân bạn luôn bị tê, co giựt? Khoảng 15% số người mắc hội chứng này do thiếu sắt. Nồng độ sắt càng thấp, triệu chứng càng nặng.

Thèm ăn đồ vật

Hay còn gọi là bệnh Pica - tình trạng thèm ăn những thứ không phải là đồ ăn, có thể là dấu hiệu của việc thiếu sắt. Người bị thiếu sắt thường thèm những đồ vật như phấn, đất sét, bụi và cả giấy. Rất may là đa số phụ nữ thường thích ăn đá viên.

Lo lắng không rõ nguyên nhân

Thiếu sắt khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy lo lắng dù cuộc sống không quá căng thẳng. Khi thiếu oxy, hệ thần kinh giao cảm hoạt động liên tục như bàn đạp khí của cơ thể. Ngoài ra, do thiếu sắt, tim dập nhanh hơn, bạn dễ rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ ngay cả khi cuộc sống dễ chịu.

Nhức đầu

Cơ thể thiếu sắt luôn ưu tiên vận chuyển oxy đến não trước khi đến các cơ quan khác. Mặc dù vậy, não của bạn vẫn bị thiếu hụt so với lượng cần thiết. Khi đó, các mạch máu não sẽ phình ra và gây nhức đầu.

Kinh nguyệt nhiều

Với phụ nữ, nguyên nhân số một gây thiếu máu là do kinh nguyệt quá nhiều. Lượng máu mất đi chỉ được bù lại một nửa và lại tiếp tục thiếu hụt vào kỳ “nguyệt san” tiếp theo. Nếu bạn phải thay nhiều lượt băng vệ sinh sau mỗi 2 tiếng, bạn nên gặp bác sĩ phụ khoa kiểm tra sức khỏe.

Ăn chay

Các loại sắt thường không được sản xuất như nhau. Cơ thể bạn hấp thụ sắt heme (có trong thịt gà, vịt, cá) hiệu quả gấp 2 đến 3 lần so với sắt non-heme từ thực vật. Bạn sẽ có đủ sắt nếu có chế độ ăn hợp lý. Rau xanh sẫm màu, ngũ cốc và các loại đậu đều giàu chất sắt, ăn kèm với thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, các loại quả mọng nước và bông cải để tăng cường khả năng hấp thụ.

Tuyến giáp hoạt động yếu

Thiếu sắt làm chậm chức năng của tuyến giáp và cản trở quá trình tăng cường trao đổi chất. Ít người để ý đến tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp (cứ 10 người thì có 6 người không biết mình mắc bệnh này). Vì thế, nếu thấy mệt mỏi, tăng cân hoặc thân nhiệt thấp, bạn nên đi khám bệnh.

Rụng tóc

Thiếu sắt, đặc biệt khi chuyển sang giai đoạn thiếu máu do thiếu sắt sẽ gây ra rụng tóc. Do cơ thể phải chuyển oxy đến những cơ quan trọng yếu trước và tóc không được ưu tiên.

Ngoài ra, phụ nữ mất rất nhiều máu trong lúc sinh nở, làm giảm lượng sắt đáng kể. Nếu bạn sinh đôi, sinh ba; khoảng cách giữa các lần sinh gần nhau, hoặc hay nôn mửa vì ốm nghén, bạn cần bổ sung chất sắt nhiều hơn so với người bình thường.

Lưỡi có màu lạ.

Bên cạnh việc lưỡi đổi màu, thiếu sắt làm giảm myoglobin, một loại protein có trong hồng cầu giúp cơ chắc khỏe, trong đó có cơ lưỡi. Kết quả là những người thiếu sắt thường bị đau họng, sưng viêm và bóng lưỡi.

Bệnh viêm ruột

Ngay cả khi bạn cung cấp đầy đủ sắt trong các bữa ăn thì bệnh đường ruột và viêm ruột như bệnh Crohn’s (gây tiêu chảy và suy dinh dưỡng cấp), viêm loét đại tràng có thể ảnh hưởng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, trong đó có sắt. Chúng gây viêm nhiễm và phá hủy hệ tiêu hóa. Nếu bạn có chẩn đoán mắc phải những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn tăng cường chất sắt.

Mang thai

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ dễ thiếu sắt nhất. Vì sự hình thành và phát triển của thai nhi rất cần chất sắt nên sẽ lấy từ nguồn dự trữ của người mẹ. 

Bổ sung chất sắt

Nhu cầu chất sắt tùy theo mỗi người. Phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 50 cần 18mg mỗi ngày. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần đến 27mg. Phụ nữ trong giai đoạn cho con bú cần bổ sung 9mg sắt.

Ngoài ra, lượng kinh nguyệt cũng ảnh hưởng đến nhu cầu về sắt của cơ thể. Phụ nữ mãn kinh trên 50 tuổi chỉ cần 8mg mỗi ngày. Những thực phẩm như đậu lăng, rau bina, thịt bò, quả hạch, gà hoặc đậu Hà Lan sẽ cung cấp thêm sắt cho bạn.

Tuy nhiên, quá nhiều sắt cũng không tốt cho cơ thể. Thừa chất sắt gây tổn hại cho các cơ quan nội tạng và làm tăng nguy cơ tiểu đường, đau tim, ung thư, đặc biệt với người lớn tuổi.

Hạnh Phạm (Theo health.com)

www.phunuonline.com.vn

chất sắt, phụ nữ dễ thiếu sắt, dấu hiệu nhận biết thiếu sắt


      © 2021 FAP
        201,897       203