PN - Nếu phát hiện muộn, bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết
Bác sĩ Mã Phước Nguyên, Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cảnh báo: những người bị viêm loét đại tràng thường rất trẻ, nằm trong độ tuổi lao động sung mãn từ 20 - 40. Trong khi đó, căn bệnh này lại rất… “khó chịu”, gây ảnh hưởng nặng nề cho bệnh nhân cả về thể trạng, chất lượng sống và tâm lý.
Đại tràng, còn được gọi là ruột già, là phần cuối của đường ống tiêu hóa, dài khoảng 1,2m, nhận, hấp thu thức ăn đã được tiêu hóa từ ruột non. Nguyên nhân viêm loét đại tràng tới nay vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng các nghiên cứu cho thấy có liên quan tới yếu tố di truyền, tự miễn, nhiễm trùng hoặc căng thẳng. Triệu chứng viêm loét đại tràng có thể khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng nơi bị viêm. Khi bị viêm loét đại tràng, bệnh nhân thường có các dấu hiệu như rối loạn đi cầu, phân lỏng, đi cầu kèm đàm, máu, sốt nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm nhận các cơn đau bụng vùng hạ vị, vùng hố chậu trái. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm loét đại tràng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm (mất máu do chảy máu, suy dinh dưỡng, phình đại tràng, nhiễm độc làm hẹp tắc ruột, tệ hơn nữa là thủng đại tràng, ung thư). Để kết luận bệnh nhân bị viêm loét đại tràng, bác sĩ phải dựa trên kết quả nội soi, sinh thiết.
Cần chế độ ăn uống phù hợp
Bác sĩ Nguyên cho rằng việc điều trị bệnh viêm loét đại tràng khá phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác cao độ của bệnh nhân, bởi bệnh rất dễ tái phát.
"Theo thống kê, đối với bệnh viêm loét đại tràng, hiệu quả của điều trị nội khoa đáp ứng 70%, 50% bệnh lý tái phát sau hai năm. 25% cần phải phẫu thuật do thủng đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, xuất huyết nặng hoặc ung thư, không đáp ứng với điều trị nội", bác sĩ Nguyên nói.
Đối với những ca viêm loét đại tràng nhẹ, cần đặc biệt chú trọng chế độ ăn uống. Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp và đồ uống - gia vị có chất kích thích, nước có gas. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân sẽ phải nhập viện, không ăn uống, nuôi ăn qua tĩnh mạch để đại tràng được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc kháng viêm 5ASA phối hợp với corticoid, nếu vẫn không hiệu quả thì thêm thuốc ức chế miễn dịch. Theo bác sĩ Nguyên, bệnh viêm loét đại tràng chỉ có thể phòng ngừa thứ phát (vì chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh). Mục đích của điều trị là tránh các biến chứng.
Sữa là một thức uống mà người bị viêm loét đại tràng nên dè chừng. Rất nhiều bệnh nhân cứ uống sữa là bị tiêu chảy. Lý giải điều này, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh: sữa như một yếu tố dị nguyên, khi uống vào có thể kích thích niêm mạc đại tràng. Không chỉ thế, căng thẳng quá mức cũng làm tình trạng bệnh viêm loét đại tràng thêm trầm trọng. Chính vì thế, thư giãn, tránh suy nghĩ quá mức cũng là một giải pháp tốt cho người bệnh. Bệnh viêm loét đại tràng rất khó chữa khỏi hẳn, do đó người bệnh cần học cách sống chung với bệnh, nhận biết các dấu hiệu để can thiệp, điều trị kịp thời. Với các ca viêm loét đại tràng nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, trường hợp nặng phải nhập viện. Thời gian nằm viện trung bình của một bệnh nhân viêm loét đại tràng từ bảy - mười ngày.
TRÂM ANH
Theo thống kê tại Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ 100 bệnh nhân thì có năm người bị viêm loét đại tràng, nam giới khi mắc bệnh thường nặng hơn nữ giới. Tỷ lệ biến chứng của bệnh viêm loét đại tràng khoảng 2% trong vòng mười năm sau khi điều trị, và 8% trong vòng 20 năm sau khi điều trị. Do đó, người bị viêm loét đại tràng được khuyến cáo sau mỗi tám năm lại phải đi nội soi kiểm tra một lần để phát hiện, tầm soát ung thư. |
đại tràng, bệnh viêm loét đại tràng