Sức khỏe

Cảnh báo ngộ độc sứa biển trong mùa hè

PNO - Ngày 20/5, phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) vừa cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ sứa biển

Xúc tu sứa biển chứa rất nhiều độc độc tố. Ảnh internet

Sứa biển thường được sử dụng phổ biến trong mùa hè với các món gỏi, nộm sứa; lẫu, canh, bún sứa… nhưng ít người biết loài sứa chứa nhiều độc tố và khi chạm phải sẽ bị dị ứng. Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, được chúng sử dụng khi bắt mồi và tự vệ.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em. Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới chế biến làm thức ăn.

Không nên ăn sứa biển sống, làm gỏi, mà phải chế biến cẩn thận, đúng cách 

Ngoài đường ăn uống, sứa biển còn có nguy cơ gây ngộ độc cao khi chạm phải hoặc bị cắn.

Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể. Nếu nhẹ, nạn nhân chỉ bị rát, nổi mẩn đỏ và ngứa nhiều, cảm thấy khó chịu. Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp tụt...

Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân. Nạn nhân nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp tụt và đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể dẫn đến hôn mê nên cần đưa ngay vào bệnh viện.

Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

sứa biển, ngộ độc sứa biển


      © 2021 FAP
        195,170       699