Sức khỏe

Mệt mỏi kéo dài, vì đâu?

PNCN - Thông thường sau khi nghỉ mệt, cơn mệt mỏi sẽ giảm. Thế nhưng có không ít trường hợp dù nghỉ ngơi mà… mệt vẫn hoàn mệt. Tại sao?

Nguyên nhân

Bác sĩ Đặng Văn Mon - Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TP.HCM cho biết: “Có trên 50% bệnh nhân tìm đến Khoa Giấc ngủ của trung tâm điều trị vì bị mệt mỏi. Có hai nhóm nguyên nhân gây mệt mỏi: do mất ngủ, làm việc quá sức, ngủ không đủ giấc… và do bệnh mạn tính: tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy nhược cơ thể”.

Khi bị căng thẳng, lo lắng, người bệnh sẽ thấy mệt và mất ngủ. Suy nhược cơ thể do thiếu chất dẫn truyền serotonin cũng làm cảm thấy mệt, đau đầu. Phụ nữ do chu kỳ “đèn đỏ” xuất hiện hàng tháng nên rất dễ thiếu máu, thiếu sắt. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” trở nên yếu ớt, thể hiện rõ nhất khi học thể thao trong trường, điểm số kém, trong lớp chậm tiếp thu, người thường xuyên mỏi mệt do thiếu dưỡng khí.

Cơn mệt mỏi kéo dài còn là dấu hiệu của bệnh khớp. Mệt còn có thể là “tiếng kêu cứu” của tim trước khi cơ thể bị nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp… Tuyến giáp “lười” hoạt động khiến cho cơ thể thiếu men chuyển hóa dưỡng chất làm cơ thể mau mệt, da tóc khô.

Điều trị

Khi thấy mệt mỏi thường xuyên, cần đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để xem có bị các bệnh: tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh tuyến giáp, suy nhược cơ thể… hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ tư vấn cách dùng thuốc, ăn uống để phục hồi sức khỏe.

Điều cần làm khi thấy mình lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ là “buông bỏ” những gì làm cho mình cảm thấy nặng nề. Thay vào đó là tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Lưu ý, khi bị mất ngủ không nên tự dùng thuốc ngủ vì dễ bị lờn thuốc, lệ thuộc thuốc. Nếu mới bị mất ngủ nên dùng món ăn giúp an thần như tim sen, hạt sen, nhãn…

- Khi thấy toàn bộ “ban bệ” trong cơ thể đồng loạt đau nhức tức là các tế bào đang “ôm” đầy những chất cần thải ra ngoài. Tập luyện tốt hơn cả là các động tác yoga. Đây là liều thuốc tốt giúp các cơ, xương, khớp, thần kinh được thư giãn. Nhờ vậy những vùng căng cơ sẽ được thả lỏng, cảm giác đau nhức giảm dần. Bên cạnh đó, các động tác của yoga khi thắt chặt mạch máu, khi thả lỏng giúp hệ tuần hoàn đưa dưỡng chất và lấy chất thải từ các tế bào triệt để hơn. Thở bụng cũng giúp cơ thể có được nhiều dưỡng khí hơn. Bên cạnh yoga, các môn thể thao như: đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu cũng “đánh đuổi” được cơn mệt mỏi. Do đó, tùy vào sức khỏe, sở thích và lắng nghe sự trả lời từ cơ thể mà chọn cho mình môn thể thao phù hợp.

- Phụ nữ cần ăn uống thực phẩm chứa nhiều sắt như: rau xanh, thịt bò, huyết… hoặc bổ sung viên sắt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài mệt mỏi có nguyên nhân, theo bác sĩ Nguyễn Ý Đức - Texas, Hoa Kỳ, còn có mệt mỏi kinh niên. Bệnh khá phổ biến ở các quốc gia công nghiệp. Nữ giới từ 20 - 50 mắc bệnh nhiều hơn nam giới, thường ở giới trí thức với những dấu hiệu sau đây:

- Mất trí nhớ ngắn hạn, kém tập trung làm việc, học tập hay các sinh hoạt khác;

- Đau cuống họng;

- Nổi hạch ở nách và cổ;

- Đau nhức các bắp thịt;

- Một số khớp xương bị đau nhưng không sưng hay đỏ;

- Nhức đầu trầm trọng;

- Mệt mỏi rã rời suốt ngày sau bất cứ một gắng sức nào;

- Ngủ không ngon giấc hoặc có nhu cầu ngủ nhiều hơn thường lệ.

Điều đáng tiếc là cho tới nay chưa có phương thức điều trị nào được coi là hữu hiệu, đáng tin cậy để chữa hội chứng mệt mỏi, mà chỉ có thể làm nhẹ bớt, giúp bệnh nhân có thể tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày.

Như Ý

www.phunuonline.com.vn

Mệt mỏi kèo dài, BS Đặng Văn Mon


      © 2021 FAP
        195,199       283