PNO - Đối với trẻ sơ sinh, việc thức giấc sau mỗi 3-4 giờ vào ban đêm là điều bình thường. Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ thức giấc là do bé cảm thấy đói, tiểu dầm, hoặc do bé đã có một giấc ngủ khá dài trước đó...
Ảnh minh họa: internet
Ngoài ra, theo các chuyên gia nhi khoa, dưới đây là một số lý do khác khiến trẻ thường thức giấc vào ban đêm:
1. Giờ giấc ngủ bất thường
Các chuyên gia cho biết, trẻ sơ sinh thường không có thời gian ngủ nhất định cho đến khi được 6 tuổi. Đối với trẻ mới sinh, thời gian ngủ trung bình mỗi ngày là khoảng từ 16-17 giờ, và một giấc ngủ của bé thường kéo dài từ 1-2 giờ. Khi lớn lên, thời gian ngủ của bé sẽ ít đi. Đến khi được 6 tháng tuổi, bé sẽ thức giấc thường xuyên hơn vào ban đêm và ngủ trở lại sau vài phút.
2. Thay đổi môi trường
Trong trường hợp bé thường ngủ ngon, nhưng đột nhiên thức giấc, đó có thể là do sự thay đổi nhiệt độ, ánh sáng và âm thanh trong phòng. Hoặc bé có thể thức giấc do tiếng ngáy ngủ, sự chuyển động hay tiếng ho của cha mẹ.
3. Đau
Nếu bé thức giấc vào ban đêm và khóc ngặt không dứt, đó có thể do bé bị đau. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân và điều trị.
4. Tăng trưởng và học hỏi
Giấc ngủ đêm của bé bị gián đoạn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển và học hỏi những điều mới như lẫy, trườn, bò…. Trong trường hợp này, sau khi đã thực hiện thành công các thao tác đó, bé sẽ ngủ bình thường trở lại.
5. Mọc răng
Vào thời điểm đang mọc răng, bé cũng thường xuyên thức giấc vào ban đêm do có cảm giác khó chịu. Nhiều bé còn có biểu hiện sốt trong quá trình mọc răng.
6. Ngủ riêng
Một lý do nữa khiến bé bồn chồn và hay thức giấc vào ban đêm là do ngủ riêng. Tình trạng này thường xảy ra khi bé được từ 9-12 tháng tuổi, thời điểm cha mẹ bắt đầu cho bé ngủ riêng. Thỉnh thoảng, trong khi thức giấc, nhiều bé thường gọi “Ba, Mẹ”. Biểu hiện này là hết sức bình thường trong giai đoạn phát triển cảm xúc của bé.
Nguyễn Niệm (Theo Medicmagic)
trẻ sơ sinh thức đêm, trẻ thức đêm