Sức khỏe

Đừng chủ quan với vết thương nhỏ

PNCN - Con trai tôi bị té trầy chân chảy máu, bà nội của cháu vội lấy thuốc lào đắp vào vết thương. Tôi cản lại vì sợ nhiễm trùng thì bà cho rằng, đắp để cầm máu và vết thương nhanh lành.

Trần Thị Lê (Hóc Môn, TP.HCM)

BS Phạm Thế Hiển - Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương trả lời:

Dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, chân chống xe quẹt, đứt tay, côn trùng cắn, xương cá hoặc dằm gỗ đâm... nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng từ vết thương này rất cao. Thường gặp là nhiễm trùng khu trú, hoại tử tại chỗ, nhiễm trùng uốn ván. Hiếm gặp hơn là nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí.

Nhiễm trùng uốn ván, nhiễm trùng lan tỏa, nhiễm trùng yếm khí đều có nguy cơ gây tử vong. Còn nhiễm trùng khu trú sẽ lan rộng xung quanh vùng có gân cơ, có thể lan đi rất rộng (nhất là vùng bàn tay). Khi nhiễm trùng lan vào xương gây viêm xương, hoại tử xương. Với những vết thương đã tụ mủ, phải rạch rộng lấy hết mủ, cắt lọc mô hoại tử hay lấy bỏ xương viêm. Đối với người bị suy giảm miễn dịch như bệnh đái tháo đường, dùng corticoid kéo dài, nhiễm HIV đặc biệt giai đoạn AIDS, hay các bệnh nhân bị bệnh mạch máu như bệnh miễn dịch, người hút nhiều thuốc lá, sự lan rộng của nhiễm trùng rất mạnh và khi lan toàn thân có thể gây sốc nhiễm trùng và tử vong.

Khi bị thương trầy da, chảy máu nhẹ (đứt tay, té trầy...), cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước có áp lực để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng oxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn và cầm máu.

Riêng với những vết thương hở, tét thịt sâu dài, chảy nhiều máu... nên dùng tay ép vào vết thương liên tục trong ba phút để cầm máu. Nếu máu còn chảy, dùng một miếng vải sạch băng chặt vết thương nhưng phải nới băng sau mỗi 30 phút để tránh thiếu máu nuôi. Tuyệt đối không được đắp bất cứ vật gì lạ lên vết thương (mạng nhện, thuốc lá, lá cây...) vì sẽ làm bẩn thêm vết thương và đưa vi trùng vào cơ thể. Cũng không được bôi cồn 900, iod (Betadine, Povidine) trực tiếp vào vết thương vì sẽ làm tổn thương mô. Các loại dung dịch này chỉ sát trùng bề mặt da. Bước kế tiếp cần rửa sạch lại vết thương bằng xà phòng, lau khô, băng lại bằng gạc sạch và đến khám tại cơ quan y tế để được dùng kháng sinh và tiêm ngừa uốn ván. Nếu trong quá trình xử lý, phát hiện dị vật còn nằm sâu trong vết thương thì không được cố lấy ra vì sẽ làm vết thương càng chảy máu nhiều hơn.

Nếu sau khi tự chăm sóc theo dõi, vết thương xuất hiện các triệu chứng: đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có chất xuất tiết từ vết thương, mùi khó chịu bốc ra từ vết thương, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành (vết thương nhỏ thường chỉ lành sau ba ngày)... thì cần đến bệnh viện ngay vì vết thương đã nhiễm trùng. Để phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván, khi bị thương nên đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa S.A.T (huyết thanh ngừa uốn ván). Nếu phải tiếp xúc với các vật nhọn có nguy cơ gây tổn thương phần mềm thì nên có kế hoạch chủ động đến các trung tâm y tế tiêm dự phòng V.A.T theo định kỳ để tạo miễn dịch. 

www.phunuonline.com.vn

vết thương nhỏ có nguy hiểm, ngừa uốn ván, bị thương


      © 2021 FAP
        203,413       96