PN - Tập thể dục, vận động mạnh, khiêng vác vật nặng… bỗng dưng một bên hông bị đau. Cơn đau xuất hiện năm, mười phút rồi hết, nhưng có khi kéo dài ngày này qua ngày khác.
“Kết” nam giới
Dây thần kinh hông to (còn gọi là thần kinh tọa) là dây thần kinh lớn và dài nhất của cơ thể, được tạo nên bởi rễ thắt lưng 5 (L5) và rễ cùng 1 (S1) của tủy sống, có chức năng chi phối cảm giác, dinh dưỡng và vận động cho phần lớn hai chân. Đau vùng hông lưng có thể là do rễ thần kinh bị tổn thương hoặc chèn ép đột ngột hay mạn tính.
BS Hồng Ánh cho biết, nguyên nhân gây đau vùng hông lưng có nguồn gốc thần kinh chia làm hai nhóm: toàn thân và tại chỗ. Nguyên nhân toàn thân là do viêm dây thần kinh hông, xuất phát từ các bệnh nhiễm trùng. Nhưng nhóm này thường ít gặp.
Ở nhóm nguyên nhân tại chỗ, thoát vị đĩa đệm đóng vai trò quan trọng. Đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống, có lớp vỏ sợi bọc nhân keo ở trung tâm. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm giúp giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương và giúp cơ thể chuyển động nhịp nhàng. Ở những người trên 30, đĩa đệm không còn mềm mại, nhân keo có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt. Khi khom lưng hoặc căng cơ lưng quá mức để khiêng vác một vật nặng, thay đổi tư thế đột ngột, té… đĩa đệm bị rách, nhân keo bị đẩy ra phía sau, nơi rễ thần kinh đi ra và đè ép nó, gây đau vùng hông lưng, dọc theo chi dưới. Nam giới lao động nặng dễ bị đau vùng hông. Ngoài ra, đau vùng hông còn do thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, lao cột sống, trượt đốt sống, bệnh ở tiểu khung, gãy xương chậu, sỏi thận…
Biểu hiện chung là đau khi hoạt động, lúc đầu đau từ thắt lưng, sau đó lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Nếu đau nhẹ, người bệnh có thể đi lại, làm việc bình thường; còn khi đau nặng thì ho, hắt xì hoặc gắng sức cũng làm khởi phát cơn đau. Kèm theo cơn đau, người bệnh có thể có cảm giác tê bì hay bỏng rát dọc theo vùng cảm giác do thần kinh chi phối.
Có thể teo cơ, liệt
Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Với những người bị chấn thương, những cơn đau thắt lưng - hông là cơn đau cấp tính, thường đau vài giờ hoặc vài ngày sẽ hết sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị kịp thời, bệnh trở thành mạn tính, cơn đau thường xuyên lặp lại, nhất là khi nâng vật nặng, thậm chí khi ngồi lâu hay thực hiện một vài động tác đơn giản trong sinh hoạt.
BS Hồng Ánh cho biết thêm, trong trường hợp nặng có chèn ép các dây thần kinh vùng thấp hơn gọi là chùm đuôi ngựa, bệnh nhân có thể mất tự chủ trong việc đại tiểu tiện do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra, khi dây thần kinh hông bị tổn thương, bệnh nhân có nguy cơ bị teo cơ các chi dưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động. Lúc này, cần phải can thiệp phẫu thuật.
Trong điều trị đau thần kinh tọa, ngoài thuốc men, các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cũng đóng vai trò quan trọng. Để giảm bớt cơn đau, thầy thuốc có thể cho người bệnh dùng các thuốc kháng viêm không steroid, giảm đau, dãn cơ, vitamin nhóm B liều cao, corticoid tiêm ngoài màng cứng. Nếu các phương pháp này không đạt hiệu quả, một số trường hợp phải phẫu thuật.
BS Hồng Ánh hướng dẫn, khi bất ngờ xuất hiện cơn đau cấp tính, điều đầu tiên cần làm là nằm nghỉ, hạn chế vận động, không nên vặn bẻ cột sống hay cắt lể. Một số thuốc giảm đau có thể sử dụng trong một, hai ngày đầu là paracetamol, các loại thuốc kháng viêm giảm đau dùng ngoài da (không chà xát hay xoa bóp mạnh). Sau khi nghỉ ngơi và tạm thời uống những thuốc giảm đau thông thường khoảng ba ngày mà không thấy bệnh thuyên giảm hay chỉ giảm rất ít, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí thích hợp.
Để phòng bệnh, cần tuân thủ triệt để các quy tắc lao động để tránh các nguy cơ. Hàng ngày nên tập thể dục đều đặn để tạo sự dẻo dai cho gân, cơ, khớp. Không được gắng quá sức để mang vác vật nặng. Nếu tính chất công việc bắt buộc phải làm, cần có biện pháp bảo hộ lao động, nên thao tác đúng tư thế.
Hoa Lài
teo cơ, bị liệt, đau xóc hông