PN - Theo nghiên cứu, có khoảng 20% trường hợp bị cận thị giả. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn lạ lẫm và thiếu kiến thức về căn bệnh này, dẫn đến can thiệp không hợp lý,
Ảnh minh họa: internet
Cận do mắt điều tiết quá nhiều
Em Nguyễn Ngọc Anh Phương, Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3, TP.HCM) cho biết, trong một lần mượn kính của bạn đeo thử, em thấy chữ trên bảng rõ hơn. Nghĩ mình cận, Phương xin gia đình đi cắt kính. Đeo được một tháng, Phương thấy chóng mặt, buồn nôn. Tại bệnh viện, bác sĩ (BS) cho biết em bị cận thị giả, nguyên nhân do trước đó em học quá nhiều trên máy tính.
BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu – giảng viên bộ môn Mắt, ĐH Y Dược TP.HCM lý giải, thủy tinh thể được cấu tạo bởi các sợi protein trong suốt, bao bọc trong một cái vỏ chun dãn. Khi nhìn một vật ở xa 5m trở lên đến vô cực thì mắt ở trạng thái yên tĩnh (không điều tiết) vì hình ảnh đã hội tụ rõ nét ở võng mạc. Khi nhìn một vật ở gần dưới 5m thì hình ảnh sẽ rơi vào sau võng mạc, do đó việc nhìn rõ nét là nhờ khả năng tự động điều tiết của mắt. Khi nhìn gần thì cơ thể mi sẽ co lại, lúc nhìn xa thì cơ thể mi sẽ dãn ra để làm tăng hoặc giảm độ cong (độ hội tụ) của thủy tinh thể.
Cận thị giả là hiện tượng rối loạn sự điều tiết. Những hoạt động như đọc sách, chơi game, ngồi máy tính… là lúc mắt nhìn ở cự ly gần, cơ thể mi co lại, để tăng độ cong của thủy tinh thể giúp hình ảnh rõ nét. Khả năng điều tiết ở mắt trẻ rất mạnh, có thể nhìn một vật gần 9cm nên các em có thể nhìn gần trong thời gian rất dài mà mắt không bị mỏi. Nhưng nếu bị co lâu ngày, cơ thể mi trở thành “tật”, đến khi nhìn xa sẽ không dãn ra được do mất tác dụng đàn hồi, dẫn đến hiện tượng nhìn xa không rõ.
Đây là rối loạn sự điều tiết tạm thời, chỉ cần mắt được nghỉ ngơi hợp lý, các cơ thể mi co dãn trở lại bình thường sẽ hết cận. Triệu chứng cận thị giả cũng giống cận thị thật như mắt mỏi, nhìn xa không thấy, nhức đầu, chảy nước mắt… Đối tượng thường gặp ở lứa tuổi học sinh, sinh viên vì mắt phải làm việc liên tục. Ngoài ra, cận thị giả còn gặp trong một số trường hợp như dùng thuốc (atropine) quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi…
Nhiều trường hợp đeo kính nhầm
Cận thị giả là hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu, nhiều trường hợp đã đeo kính nhầm trong thời gian dài, chỉ khi đến BS khám mắt mới phát hiện. Nếu ngừng đeo kính sớm, hiện tượng cận thị giả có thể phục hồi, nhưng nếu không phát hiện kịp thời, sẽ bị cận thị thật.
Nguyên nhân do tâm lý bệnh nhân thích đến các tiệm đo, cắt kính bên ngoài hơn là đến BS nhãn khoa khám. Cách chẩn đoán cận thị giả với BS không khó, bằng cách hỏi bệnh sử. Nếu nguyên nhân do làm việc ở cự ly gần trong thời gian dài, sẽ cho nhỏ thuốc phục hồi năng lực điều tiết; kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, làm việc điều độ để giúp mắt trở lại bình thường. Nếu trường hợp mắt không hồi phục, BS sẽ cho dùng kính chuyên dụng (kính trừ) có hai tròng, với tròng trên (nhìn xa) không có độ và tròng dưới (nhìn gần) để giúp mắt đỡ điều tiết. Quá trình đeo kính cần sự theo dõi của BS để biết lúc nào ngừng đeo. Trường hợp cận thị giả do các nguyên nhân khác, cần dùng thuốc liệt thể mi và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Còn tại các tiệm bán kính, đo mắt miễn phí, các nhân viên này sẽ rất khó phát hiện bệnh vì chỉ dựa vào chỉ số đo trên máy.
Thanh Hoa
cận thị, cận thị giả, mắt, BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu