Sức khỏe

Vì sao mùa nóng dễ bị bệnh?

PNCN - Nắng nóng làm cho những người đề kháng yếu như trẻ em, bà bầu, người cao tuổi dễ nhiễm bệnh…

 Nhiễm lạnh

Nghịch lý là vào mùa nóng, không ít người bị bệnh vì nhiễm lạnh. Một trong các nguyên nhân là lạm dụng các thiết bị hạ nhiệt. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể trẻ đổ nhiều mồ hôi, đây là cách tự làm mát của cơ thể. Những lúc này chỉ cần dùng quạt giấy quạt nhẹ hoặc quạt điện số nhỏ, bé sẽ thấy dễ chịu. Nếu đang ra mồ hôi nhiều mà nhảy ngay vào bồn tắm hoặc hồ bơi, vào phòng lạnh, ngồi trước quạt số lớn sẽ dễ bị nhiễm lạnh và nhiễm bệnh sau đó.

Bà bầu thường thấy nóng hơn người bình thường vì cơ thể tăng cường chuyển hóa để nuôi thai. Khi cảm thấy nóng, cần lau mát thay vì xối nước. Nếu đang đổ mồ hôi, cần dùng khăn mát lau cổ, mặt. Người cao tuổi nếu cảm thấy nóng nên dùng phương pháp tắm sơ của yoga để vừa mát vừa không nhiễm bệnh. Cô Phạm Ngọc Khanh – giáo viên yoga tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM hướng dẫn: “Tắm với tư thế ngồi. Lau nước mát vào bộ phận sinh dục; kế đến vào hai chân từ đầu gối trở xuống; tiếp tục lau hai tay từ khuỷu tay trở xuống. Sau đó, ngậm một ít nước vào miệng, tạt nước mát vào mắt đang mở, 12 lần. Rửa mũi bằng nước muối pha loãng (tự pha hoặc có thể dùng nước muối sinh lý) để phòng các bệnh viêm mũi họng, dị ứng thời tiết bằng cách dùng bụm tay hoặc dùng ống chích mới (không kim), ngửa đầu, bơm nước muối vào hai hốc mũi, hỉ mũi ra nhiều lần cho đến khi mũi thông. Tiếp đó, rửa mặt, tai và phía sau tai; sau đó rửa vùng cổ. Cách tắm này giúp làm mát cơ thể trong thời gian ngắn, ngăn ngừa bị nhiễm lạnh và phòng từ xa các bệnh viêm xoang, viêm mũi…”.

Tầm 3g sáng, nhiệt độ xuống thấp mà các thiết bị điện vẫn “phi nước đại", dễ gây nhiễm lạnh. Triệu chứng cảm thấy đầu tiên sau khi thức giấc là đau họng, người khô khốc do mất nước… Bác sĩ Trần Anh Tuấn – BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyên: Nếu ngủ phòng máy lạnh, nên để chế độ nhiệt cao nhất có thể (khoảng 270C). Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước. Dùng các loại thức ăn nóng, ấm dễ tiêu và các loại trái cây tăng cường đề kháng, không tiếp xúc với người bệnh.

Viêm da, nhiễm trùng

Nhiệt độ tăng cao khiến các bệnh ngoài da xuất hiện như rôm sảy, mụn, chốc… khiến bệnh nhân, nhất là các bé và cả bà bầu ngứa ngáy, khó ngủ. Có nhiều cách để ngăn ngừa:

- Chọn quần áo bằng vải sợi cô-tông, rộng rãi thoáng mát để tăng cường sự thoát nhiệt.

- Tăng cường sự bốc hơi nước, tạo không gian thoáng mát nơi ở bằng cách lau nhà và các dụng cụ bằng gỗ, kim loại mỗi ngày trước lúc mặt trời lên. Trồng thêm cây xanh để che mát cho nhà, sân.

Khi bị rôm sảy, nếu gãi quá “nhiệt tình” sẽ bị chốc, nhọt. Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng – BV Da liễu TP.HCM hướng dẫn: “Cần tránh môi trường nóng nực, giữ da thoáng mát. Tắm thuốc tím pha loãng (thuốc tím có màu hồng lợt) hoặc nước nấu khổ qua. Thoa bột talc vào những vùng da hay ra mồ hôi. Uống nhiều nước, hạn chế ăn ngọt. Cần tích cực điều trị khi bị nhiễm khuẩn da”.

Đối với người cao tuổi, người thân nên nấu các món bún mọc, cháo đậu xanh, đậu đỏ, bánh đa cua, riêu cá chép, bánh canh cá, xúp cua, canh rau mồng tơi, mướp… Các bữa phụ nên ăn các loại trái cây mềm để có thêm chất xơ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả như: chuối, đu đủ, thanh long… Uống các loại nước ép để tăng lực, giúp tiêu hóa tốt, kích thích ngon miệng như: sơ ri, cóc, ổi, bưởi, cam, nước khoáng chanh đường…

Tịnh An

www.phunuonline.com.vn

bệnh mùa nóng, vì sao mùa nóng dễ bị bệnh


      © 2021 FAP
        202,112       891