Sức khỏe

Nhiễm độc da do ánh nắng

PN - Bỗng dưng da đỏ, rát, ngứa nhẹ và nổi mụn nước. Nếu mắc những triệu chứng trên, có thể bạn bị nhiễm độc da do ánh nắng.

Thủ phạm chính: Tia UV

BS Trần Thế Viện - giảng viên Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, thủ phạm chính gây bệnh da do ánh nắng là tia UV (UVA và UVB). Tia UV làm tổn thương DNA của tế bào gây hiện tượng nhiễm độc da hoặc dị ứng da do ánh nắng.

Tùy vào màu da, lứa tuổi, sự cảm ứng ánh sáng mà tỷ lệ nhiễm độc sẽ khác nhau. Bệnh gặp nhiều ở người trẻ do mức độ cảm ứng của da mạnh hơn so với người lớn tuổi (từ 60-90 tuổi), trong khi đó hiếm gặp ở trẻ em do mức cảm ứng thấp. Bệnh hay xuất hiện khi da tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, tuy nhiên, có người bị dị ứng cả với ánh nắng mùa đông, thậm chí ánh sáng của bóng đèn.

Những người từng bị lupus ban đỏ hệ thống, viêm da tiếp xúc, chàm… cũng dễ tăng nguy cơ gây bệnh. Thể lâm sàng của bệnh có ba dạng:

Phỏng nắng: cảm giác phỏng rát nhiều hơn ngứa, xuất hiện sau 6-24 giờ tiếp xúc với ánh nắng. Biểu hiện là những hồng ban giới hạn rõ, màu đồng nhất, phù nề, mụn nước, bóng nước. Vị trí phân bố ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tuy nhiên những vùng da được che bởi quần áo cũng có thể bị ảnh hưởng. Không giống như phỏng nhiệt, phỏng nắng khi lành thường không để lại sẹo.

Viêm da nhiễm độc do ánh nắng hệ thống: thường xảy ra khi bệnh nhân đang dùng thuốc (kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch, kháng viêm, thuốc lợi tiểu …). Sau khi tiếp xúc với ánh nắng vài giờ, da có cảm giác ngứa, châm chích, phỏng rát. Đỏ da, phù nề, mụn nước, bóng nước là những triệu chứng tiếp sau đó. Bệnh thường biến mất sau khi ngưng thuốc.

Viêm da nhiễm độc do ánh nắng tại chỗ: xảy ra ở người có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với một số loại cây, cỏ dại có chứa chất furocoumarins (sung, chanh, đồng cỏ dại…), rau quả (cà rốt, cần tây, mùi tây…), hay dùng một số loại nước hoa (chứa bergaten hay 5-methoxypsoralen) kèm theo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh hay xảy ra vào mùa hè, mùa xuân hoặc cả năm đối với những nước ở vùng nhiệt đới. Biểu hiện đầu tiên là cảm giác phỏng rát, châm chích, đau, đôi khi ngứa; sau đó da nổi đỏ, phù nề, nổi mụn nước và bóng nước; hình dạng sang thương không đặc trưng (có thể có hình dạng kỳ quặc). Vị trí phân bố thường ở tay, chân và mặt, khi lành để lại vết sạm da giới hạn rất rõ với hình dạng của các sang thương kéo dài nhiều tuần sau đó.

Bệnh nhiễm độc da do ánh nắng dễ thành mạn tính, đôi khi có thể dẫn đến ung thư da

Dễ thành mạn tính

Rất nhiều trường hợp khi thấy da nổi sẩn, mụn nước đã dùng lá khế, lá cây lược vàng, đậu xanh giã nhuyễn... để đắp, chà xát lên vết thương mà không đi khám bệnh. Không chỉ đắp, có người còn giã lá cây lấy nước uống. Theo BS Trần Thế Viện, một số trường hợp bệnh có giảm là do trong một số loại thực vật có chứa chất tương tự như corticosteroid trong Tây y. Đây là phương pháp chỉ dựa theo kinh nghiệm dân gian, chưa được nghiên cứu sâu rộng nên chưa có bằng chứng kiểm soát được bệnh. Có khá nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng Đông dược quá nhiều mà không có chỉ định của bác sĩ đã dẫn đến tình trạng suy gan, suy thận và dị ứng khá nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh nhiễm độc da do ánh nắng dễ thành mạn tính, đôi khi có thể dẫn đến ung thư da.

Phương pháp điều trị là giải cảm ánh nắng bằng cách chiếu UV liều rất nhẹ, sau đó tăng lên dần để da quen với ánh nắng mặt trời. Nếu nguyên nhân gây bệnh do nhạy cảm với thuốc thì bắt buộc phải ngừng các thuốc gây nhạy cảm với ánh nắng.

Bệnh nhân cần lưu ý chung là bảo vệ da thật kỹ (kem chống nắng SPF >30, tránh nắng từ 10-15 giờ, mang khẩu trang, đội nón rộng vành…), ngưng hút thuốc lá, tránh dùng một số loại thuốc gây ra bệnh.

 Thanh Hoa (ghi)

www.phunuonline.com.vn

da, chăm sóc da, nhiễm độc da do ánh nắng, bảo vệ da trong mùa hè


      © 2021 FAP
        195,463       444