Sức khỏe

Lỏng khớp gối

PN - Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong di chuyển. Sự lỏng lẻo của khớp gối sẽ gây đau nhức, đi đứng khó khăn và giảm chất lượng sống.

Khi khớp gối bị “bức tử”

Khớp gối cử động được là nhờ hệ thống dây chằng, sự tròn láng của đầu khớp, dịch khớp… Vì vậy, chỉ cần một trong các trợ thủ không “hợp tác” là khớp cử động khó khăn ngay. Thế nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, khớp gối thường xuyên bị “bức tử”. Những người chơi các môn thể thao mang tính chất đối kháng như đá bóng sẽ dễ bị chấn thương gây đau khớp gối. Quý ông ở độ tuổi trung niên, sức khỏe đã “sang trang” mới, yếu hơn nhưng lại tham gia các môn thể thao vận động nhiều cũng dễ nhận hậu quả trật khớp gối, đứt dây chằng… Những người làm công việc thường xuyên ngồi chồm hổm cũng làm tổn thương khớp gối. Phụ nữ béo phì, thừa cân khi ra sức tập thể dục và đi bộ để giảm cân tức là đã buộc khớp gối “khuân vác” trọng lượng quá tải… Và, đến một ngày chúng sẽ “đình công” bằng những cơn đau nhức đến mức không nhấc nổi chân. Bệnh ở khớp gối còn do di truyền, tỷ lệ nữ mắc luôn cao hơn nam giới, nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Khi lao động quá tải, khớp gối sẽ báo động bằng cách phát ra tiếng kêu "lục khục” khi lên, xuống cầu thang và… đau. Cơn đau này sẽ nhanh chóng hết, nhưng nếu không giảm tải, không điều trị, bệnh sẽ nặng dần.

Giảm tải cho khớp

Lỏng khớp gối, chuyên môn y học gọi là thoái hóa khớp gối, hư khớp.

Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh - BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM hướng dẫn cách bảo vệ khớp gối như sau: “Khi có tuổi cần bớt các tư thế làm hại khớp. Cụ thể: tránh gập gối vì tư thế này tạo lực kéo với khớp, khiến quá trình thoái hóa xảy ra nhanh hơn. Khi khớp có tiếng kêu “lục khục” là khớp báo hiệu đã trong tình trạng “đuối sức”, cần giảm ngay các công việc nặng nhọc hoặc vận động nhiều. Trong trường hợp thừa cân, cần ăn uống tiết chế để giảm cân nhằm giúp khớp “nhẹ gánh”. Tuy đi bộ là môn thể dục nhẹ nhàng, dễ luyện tập nhưng với những người bị đau khớp thì đi nhiều sẽ làm cho khớp gối chịu lực ma sát, mau mòn, dẫn đến thoái hóa khớp”.

Việc điều trị khớp gối hiện nay có nhiều phương pháp từ nhẹ đến nặng gồm: thuốc tái tạo sụn khớp, tập vật lý trị liệu, nội soi khớp gối giải quyết những nguyên nhân mà thuốc không điều trị được (cắt đốt mô viêm, “mở” bao khớp co rút, lọc rửa khớp…) và phẫu thuật thay khớp gối. Khớp kim loại này giúp đi đứng, cử động tốt hơn và không đau. Ngoài chi phí cao, muốn thực hiện phẫu thuật, người bệnh phải có sức khỏe. Khớp gối nhân tạo có tuổi thọ từ 20-25 năm.

 Như Ý

www.phunuonline.com.vn

Xương khớp, lỏng khớp gối, BS Thái Thị Hồng Ánh


      © 2021 FAP
        202,444       117