PN - Một số bệnh thường gia tăng vào mùa đông tháng giá, nhất là những bệnh về đường hô hấp và xương khớp. Tuy mùa đông sắp qua nhưng trong và sau Tết, vẫn còn nhiều đợt rét, vì vậy, phải chú ý phòng bệnh.
Bệnh cảm cúm
Nhớ hồi còn bé, khi còn học phổ thông, cứ mỗi lần gió heo may về là nhà trường lại tổ chức nhỏ nước tỏi vào mũi cho học sinh để phòng tránh bệnh cúm. Đúng vậy, dịch cúm thường xảy ra vào mùa đông, người mắc bệnh cúm thường nhức đầu, sổ mũi và đau ê ẩm người. Bệnh rất hay lây, chỉ cần một người trong gia đình hay một học sinh bị cúm là cả gia đình và cả lớp học bị cúm. Bệnh lây nhanh, khởi phát nhanh nhưng cũng chỉ vài ngày là hết, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, uống thuốc hạ sốt, ăn cháo và uống vitamin C hay nước chanh để tăng cường sức đề kháng là đủ. Hồi nhỏ, chúng tôi chưa thấy ai chết vì cúm. Sau này đọc lại thấy có những đợt như đại dịch cúm năm 1918 xảy ra ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ nhất làm hàng triệu người chết, hay như dịch cúm A/H1N1 vừa qua cũng thiệt hại ghê gớm. Bệnh có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do hít phải không khí có chứa virus gây bệnh cúm. Phòng ngừa tốt nhất là cách ly bệnh nhân, tránh tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh viêm phổi
Bệnh thứ hai hay xảy ra vào mùa đông là bệnh viêm phổi. Cha tôi khi còn sống cứ mỗi khi mùa đông đến là phải mua cho chúng tôi vài cái khăn len để giữ ấm cổ. Bệnh hay xảy ra khi cơ thể bị lạnh, bệnh nhân sốt cao, ho nhiều có đàm đặc màu vàng hay vàng xanh tùy theo loại vi trùng gây viêm phổi. Bệnh do phế cầu trùng gây ra, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng như abcès phổi, tràn mủ màng phổi, suy kiệt… Điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng sinh, hạ sốt và nâng đỡ cơ thể, trường hợp nặng phải cho bệnh nhân nhập viện và điều trị tại đơn vị săn sóc đặc biệt. Bệnh có thể lây do tiếp xúc qua đường không khí.
Viêm đa khớp dạng thấp
Bệnh thứ ba cũng hay gặp và thường xảy ra ở người lớn tuổi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh này do vi trùng Streptococus Béta Hemolytic gây ra. Bắt đầu từ viêm họng, cơ thể gây ra biến chứng trên khớp, trên thận và trên tim. Khớp sưng đỏ, nóng đau, có khi biến dạng và rất hay tái phát. Phòng ngừa bằng cách đừng để viêm họng, vệ sinh răng miệng. Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử bị viêm đa khớp dạng thấp phải uống kháng sinh dự phòng khi mùa đông đến.
Bệnh hen phế quản
Mùa đông cũng là mùa “đại kỵ” của những bệnh nhân bị hen phế quản, dân gian còn gọi là suyễn. Vì trời lạnh, kèm theo ô nhiễm môi trường và những căng thẳng trong cuộc mưu sinh làm bệnh hay bộc phát và nặng hơn so với các mùa khác trong năm. Những cơn khó thở và ho hay xảy ra về đêm làm bệnh nhân mệt mỏi và lo âu. Để điều trị dứt hẳn hoàn toàn bệnh rất khó, vì đây là một trong những dạng bệnh có tính di truyền và tự miễn; tuy nhiên, để giảm dần những cơn khó thở, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc làm dãn phế quản, tăng cường sức đề kháng và nhất là giữ cho cơ thể không bị nhiễm lạnh, tuyệt đối không hút thuốc lá, môi trường sống phải trong lành và tránh stress.
Các loại bệnh về mạch máu
Trời lạnh, nếu không giữ ấm cho cơ thể, các mạch máu có thể bị co lại, đặc biệt là các động mạch ngoại biên, dễ làm bộc phát những bệnh về động mạch trên những người có cơ địa dễ bị bệnh như: viêm tắc động mạch, tiểu đường, xơ vữa động mạch… Bệnh làm bệnh nhân bị đau nhiều ở đầu các ngón tay và ngón chân, có thể kèm theo tím tái, thậm chí có thể bị hoại tử đầu ngón tay và chân hoặc cả bàn chân. Cách điều trị chủ yếu là phải giữ ấm cho bệnh nhân, sử dụng các loại thuốc giảm đau và dãn mạch máu.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y Dược TP.HCM)
những căn bệnh mùa đông