Sức khỏe

Bé say tàu xe

PNCN - Ngày Tết, dù về thăm quê hay đi du lịch xa, gia đình cũng buộc phải di chuyển bằng các phương tiện giao thông như ô tô, máy bay… Với các bé còn nhỏ, dễ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.

Nôn ói, say xe

Cảm giác say xe rất khó chịu, khiến bé quấy khóc, nôn ói, ngầy ngật... Khi bé bị say xe nặng, cha mẹ nên:

* Dùng thuốc: BS Nguyễn Công Viên - Phòng khám Quốc tế Alain Carpentier CMI (TP.HCM) hướng dẫn: “Cho trẻ dùng si rô chống say xe trước khi lên đường nửa tiếng. Bé sẽ thấy dễ chịu, không say xe, không quấy khóc, cũng không nôn ói. Liều lượng dùng tùy theo tuổi và nên theo hướng dẫn của bác sĩ”.

Bé trên tám tuổi có thể dùng thuốc chống say xe.

* Dùng băng dán chống say: Băng dán tiện lợi vì chỉ cần dán sau tai là xong nên nhiều phụ huynh thích dùng.

Khi dùng băng dán chống say xe cho bé, cần nhớ lời hướng dẫn của TS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y dược TP.HCM: Không dùng cho bé dưới tám tuổi. Trên tám tuổi, dán nửa miếng. Thời gian ngấm thuốc vào tĩnh mạch từ bốn-sáu tiếng, vì vậy nếu sáng khởi hành thì phải dán sau tai từ buổi tối. Thuốc có tác dụng phụ: khô miệng, bí tiểu, nhìn mờ… Nếu thấy có tác dụng phụ, cần gỡ ngay băng dán sau tai. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để không bị ngộ độc thuốc. Thực tế đã có trường hợp ngộ độc do cha mẹ dán đến hai miếng cho bé, phải đi cấp cứu vì bé la hét, co giật…

* Phòng tránh say xe không dùng thuốc: Ngay từ lần đầu đi xe, nên cho bé ngồi chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no để tránh nôn ói. Không cho bé đọc truyện, chơi game vì sẽ gây khó chịu, nhức đầu, nhức mắt, nôn ói…

Giúp bé tránh say xe bằng cách dỗ cho bé ngủ. Tập cho ăn các loại trái cây có mùi dễ chịu như quýt, cam… Cho bé chơi và ngửi vỏ quýt cũng là cách giảm triệu chứng say xe hiệu quả. Làm mứt gừng, các loại ô mai có gừng cho bé ăn cũng là cách “đề kháng” căn bệnh khó chịu này…

Ù tai khi đi máy bay

Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, do áp lực không khí thay đổi nên sẽ tạo ra sự khác biệt về áp suất giữa các khoảng trống trong cơ thể, nhất là ở tai, tạo cảm giác lùng bùng trong tai. Người lớn xử trí chứng ù tai này dễ dàng bằng cách ngậm miệng, bịt mũi, thổi hơi ra, tai sẽ hết đau vì áp lực được cân bằng. Nhưng với trẻ em, khi bị hiện tượng này, bé sẽ khóc. Theo BS Đinh Tấn Phương - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thì: “Khi bị đau tai, bé sẽ khóc để cân bằng áp lực trong tai. Đây là cách cơ thể tự bảo vệ nên khi hết khó chịu, bé sẽ ngưng khóc. Tuy nhiên, có thể giúp bé đỡ đau và không khóc bằng cách bịt kín tai bé”.

Với bé trên bốn tuổi, phụ huynh có thể cho ngậm kẹo loại chua nhiều, ngọt ít để kích thích tăng tiết nước bọt và nuốt, giúp thông khí, giảm đau tai. Chú ý chọn kẹo mềm để bé không bị hóc.

Khi bé bị bệnh viêm mũi họng, cần điều trị khỏi mới cho bé đi máy bay. Nếu bé bị bệnh mà vẫn đi máy bay thì áp lực tăng có thể làm hư tai trong. Thậm chí, có thể bé bị bệnh nặng hơn như bệnh phổi chẳng hạn, việc cấp cứu trên máy bay không đầy đủ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Say máy bay giống say xe, nhưng khó chịu hơn. Nhiều bé vì sợ nôn ói nên không chịu ăn. Thực tế, không ăn vẫn ói khan, nhưng mau mệt và khó chịu hơn nhiều. Gặp trường hợp này, nên khuyên bé ăn một ít để cơ thể khỏe, triệu chứng say cũng giảm. Tuy nhiên không nên cho bé ăn no. Khi máy bay cất cánh, nên nói chuyện với bé và hướng dẫn bé cách bịt tai. Khi máy bay ổn định thì dỗ cho bé ngủ, không hướng gió máy lạnh về phía mặt bé. Để tránh sự cố không hay, trẻ em dưới 14 tháng tuổi, thai phụ mang thai trên 32 tuần và sau khi sinh không nên đi máy bay. Nếu quá cần thiết phải di chuyển, chỉ đi khi có sự cho phép của bác sĩ.

Như Ý

www.phunuonline.com.vn

Bé say tàu xe


      © 2021 FAP
        197,020       932