Sống khỏe

Chúng ta già từ khi nào?

PN - Giải mã được thời gian bắt đầu già đồng nghĩa với tìm được con đường ngăn chặn tuổi già đến.

Già từ khi còn trẻ

Mỗi cơ quan trong cơ thể có tuổi thọ khác nhau, bắt đầu từ đỉnh đầu thì tóc lão hóa từ tuổi 30, tức là thời điểm này tóc không còn đậm màu nữa và thưa dần, sau đó xuất hiện những sợi tóc bạc đầu tiên. Tế bào não giảm dần từ tuổi 20, nhưng đến tuổi 50 mới bắt đầu nhớ nhớ, quên quên khó tiếp thu cái mới. Mắt từ tuổi 40 đã bắt đầu “nhìn xa trông rộng”, cần có trợ lực của kính. Răng từ tuổi 40 đã bắt đầu sâu, đổi màu, dễ bị chảy máu chân răng, nha chu… Đôi gò bồng đảo từ giã tuổi thanh xuân của nó khi con người bước vào tuổi 35. Tuy nhiên, khoan hãy lo lắng bởi nhìn bên ngoài thì đôi gò vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của nó, chỉ khi bước vào tuổi tiền mãn kinh thì chủ nhân mới phát hiện ra nó không còn rắn chắc như thuở dậy thì.

Từ tuổi 40, tim bước vào tuổi già do hệ thống mạch máu mất đi sự dẻo dai, mỡ đóng vào thành mạch gây xơ cứng nên lòng mạch nhỏ hẹp. Điều này khiến cho lượng máu đến nuôi tim giảm đồng thời tim cũng khó lòng đưa máu đi đến vùng sâu vùng xa của cơ thể như thời trẻ. Tai biến mạch máu não cũng có nguy cơ xuất hiện cao vì mạch máu não bị xơ cứng khiến cho não thiếu máu. Thận lão hóa năm 50 tuổi, người nhiều tuổi khi đi du lịch hay xin dừng xe để “xả nước cứu thân”, bởi “hồ” chứa nước chỉ bằng một nửa so với người trẻ tuổi. Các chị thấy rõ nhất vấn đề của “hồ lưng, hồ đầy” khi kết thúc kinh nguyệt do đi tiểu nhiều và dễ nhiễm trùng đường tiểu. Hệ tiêu hóa suy giảm cùng lúc với tuổi hưu, tức 55 tuổi. Ở tuổi này, dịch tiêu hóa bắt đầu giảm nên ăn không ngon miệng như xưa, bụng dễ lình xình. Lượng vi khuẩn có lợi trong ruột già giảm nhiều, táo bón xảy ra thường xuyên hơn khi ruột già luống tuổi.

Bên trong cơ thể, xương phát triển rất nhanh giúp trẻ em sau sinh cao lên mỗi ngày nhưng sau 30 tuổi thì quá trình tạo xương mới chậm lại, quá trình hủy xương cũ diễn ra nhanh. Gắn liền với xương là cơ, từ 30 tuổi trở đi cơ được tạo thành ít hơn trong khi đó tế bào mỡ lại dễ dàng lấn sân. Điều này khiến cho những ai ở tuổi trung niên dễ thừa cân, béo phì. Phụ nữ bước qua tuổi 35 do chất lượng và số lượng trứng giảm nên khó đậu thai. Đàn ông sau 45 tuổi mới lập gia đình sẽ khiến cho người vợ dù còn rất trẻ cũng chậm đậu thai.

Thực tế, bác sĩ Lê Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng khoa học hệ thống bệnh viện Saigon ITO, Cố vấn Ban giám đốc bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Chúng ta già từ khi còn trẻ. Bởi trong cơ thể luôn có sự tái tạo tế bào mới và sự hủy đi tế bào cũ. Khi còn trẻ, quá trình tạo mới nhiều nên không nhận thấy. Chúng ta chỉ nhận thấy dấu vết của sự lão hóa khi hai quá trình này cân bằng hoặc sự lão hóa thắng thế”.

Làm chậm quá trình lão hóa

Là duy trì được quá trình tạo tế bào mới. Tuy mỗi cơ quan có tuổi thọ khác nhau nhưng cơ thể là một khối thống nhất, sự suy yếu của cơ quan này ảnh hưởng đến các cơ quan khác và ngược lại. Có thể nói ăn uống liên quan đến quá trình sinh ra và tự hủy của các tế bào trong cơ thể. Do đó cần chú ý chế độ ăn uống.

Hiện, do thói quen, người trong độ tuổi trung niên thường ăn quá nhu cầu của mình. Hãy nhìn lại thời niên thiếu, ăn uống có hai nhiệm vụ cung cấp cho quá trình hoạt động (sự vận động của các cơ quan, hoạt động học tập…) và phát triển. Đến tuổi mang thai, ăn uống cũng có hai nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho sự tồn tại, nuôi thai và cho con bú. Khi con dứt sữa, ăn uống chỉ còn một nhiệm vụ là giúp cho hoạt động tồn tại mà thôi.

Thế nhưng thay vì cắt phân nửa hoặc 1/3 khẩu phần, chúng ta lại giữ nguyên thậm chí ăn uống nhiều hơn vì làm chủ kinh tế và thói quen. Ai cũng ăn nhiều hơn mức năng lượng cơ thể cần nhưng vẫn cho là mình ăn ít! Các anh còn uống thêm bia, rượu mà đây là những món nhiều năng lượng nên anh nào cũng đầy một bụng bia! Ăn nhiều, uống nhiều buộc cho tim, thận, gan phải tăng cường làm việc, kể cả thải độc từ bia, rượu… Tăng tốc, “làm việc” quá tải khiến cho các cơ quan mau kiệt quệ, tốc độ lão hóa của các cơ quan này nhanh hơn sự lão hóa của cơ thể, khởi đầu là các bệnh: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, suy thận…

Sức nặng của cơ thể buộc bộ ba cơ - xương - khớp gồng gánh, càng nặng càng phải cầu cứu khổ chủ qua các triệu chứng đau, nhức buốt. Người thừa cân từ thời trẻ sẽ mắc bệnh xương khớp sớm hơn người có cân nặng hợp lý. Do đó, giữ cho cơ thể cân đối không chỉ đẹp mà còn là cách ngăn ngừa lão hóa. Muốn vậy ngay từ khi ngưng phát triển chiều cao và thấy lên cân, cần giảm khẩu phần ăn, bớt những chất sinh năng lượng dư thừa như: nước ngọt có gaz, bánh ngọt.

Ăn cho khoái khẩu quá ngọt hay quá mặn cũng giúp cho bệnh tật đến sớm. Mà “bác” bệnh tật lại là “bạn thân” của già nua, từ tuổi trung niên trở lên, sau mỗi cơn bạo bệnh là xuống sắc trông thấy. Sự phục hồi có nhưng chậm, thậm chí không hồi phục! Những người ít vận động thường có vòng hai và ba lấn lướt vòng một. Để giữ được ba vòng đúng chuẩn cần thường xuyên vận động để bảo vệ cơ bắp, giúp chúng săn chắc dẻo dai không bị các tế bào mỡ đeo bám. Cụ thể, bớt đi xe, bớt nhấn nút thang máy, bớt nằm xem phim, bớt ngồi mà năng đi bộ.

Bất kỳ sự ham muốn nào cũng dẫn chúng ta đến “đường đua”. Thực tế cho thấy cuộc đua nào cũng căng thẳng dù là nhỏ nhất như đua làm đẹp, đua thời trang… Sự lo lắng, mất ngủ là lời mở đầu của cơ thể báo hiệu các bệnh không chóng thì chầy sẽ đến như: tim mạch, huyết áp, da liễu, suy nhược, béo phì, mà bệnh thì… mặt bủng da chì! Do đó, thay vì ham muốn giành giật bằng được những thứ không thuộc về mình thì hãy thuận theo tự nhiên, chia sẻ và giúp đỡ người bất hạnh.

Cuối cùng là sự buồn phiền, đố kỵ, ghen tị khiến cơ thể lúc nào cũng như dây đàn, như trong trận chiến, tổn hao sức lực nên già hơn người cùng tuổi.

Nắm biết tuổi thọ của từng cơ quan để giữ gìn, sự thay thế tế bào chết càng chậm hoặc không thể thay thế là điều cần lưu tâm. Ví dụ, răng bị hư từ tuổi 40 nhưng nếu đi khám răng, làm sạch vôi, điều trị răng hư kịp thời, dùng chỉ nha khoa thì đến già hàm răng vẫn chắc khỏe. Nếu không điều trị, răng yếu, lười nhai, lười vận hàm làm cho nướu teo, răng không được nuôi dưỡng càng dễ… rời bỏ.

Chưa kể, khi răng yếu thức ăn không được nhai kỹ, chưa trộn đều dịch tiêu hóa trong tuyến nước bọt đã chuyển xuống dạ dày, khiến dạ dày phải ra sức nghiền thức ăn nên mau mệt và báo động “không nhận thức ăn nữa”. Không ăn ngon miệng, cơ thể không đủ chất để xây dựng tế bào nên càng dễ bệnh, mau rơi vào quá trình lão hóa. Giữ gìn sức khỏe cho gan và thận bằng cách khám sức khỏe tổng quát, ăn đủ các loại rau củ quả, không ăn quá nhiều đạm để các cơ quan này dễ dàng thải độc và làm việc. Khi bị bệnh cần điều trị triệt để để các cơ quan này không suy yếu vì tế bào bị hủy hoại.

Cuối cùng là vấn đề sinh sản, để có những đứa con khỏe và không mắc các dị tật bẩm sinh, cần sinh con đầu lòng trước tuổi 35, khi các tế bào sinh sản đang hừng hực khí thế duy trì nòi giống.

 VŨ ÂU

www.phunuonline.com.vn

Sồng khỏe, sống lâu, không bệnh tật


      © 2021 FAP
        427,003       32