Sống khỏe

Hormone nữ 'nổi loạn'

PN - Hormone nữ (còn gọi là nội tiết tố nữ) quyết định vẻ đẹp của phe tóc dài. Khi nội tiết tố - vì một lý do nào đó mà tăng - giảm đột ngột, sẽ ảnh hưởng đến nhan sắc và sức khỏe chị em.

TS-BS Phan Trung Hòa - BV Từ Dũ TP.HCM đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, nhằm giải tỏa phần nào nỗi niềm của chị em.

 * Có biểu hiện hay dấu hiệu gì để nhận biết nội tiết tố nữ của mình đang “nổi loạn” không, thưa bác sĩ (BS)?

Thông thường, nội tiết phụ nữ bắt đầu hoạt động từ tuổi dậy thì và trở nên hoàn chỉnh khi đến tuổi 18. Nội tiết nữ gồm hai thành phần chính - estrogen và progesterone. Khi cân bằng hai nội tiết này, người phụ nữ sẽ có vóc dáng, vẻ quyến rũ đặc trưng của nữ giới. Nếu phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có một môi trường sống xã hội ổn định, tình cảm và tình dục (tốt nhất là đã kết hôn) bình thường, chứng tỏ hệ nội tiết của họ và tình trạng nội tiết nữ đang cân bằng.

Rối loạn nội tiết (RLNT) là tình trạng hoạt động không điều hòa của một trong các thành phần tham gia vào quá trình điều hòa nội tiết nữ, gồm não (vùng dưới đồi - tuyến yên), buồng trứng. RLNT nữ cũng có thể do ảnh hưởng của các nội tiết tố khác như nội tiết tố của tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận.

Các biểu hiện của RLNT có thể thấy: mất kinh trong một vài tháng, kinh thưa, kinh nguyệt không đều, kinh kéo dài (rong kinh), rong huyết (ra huyết không theo ngày kinh), kinh quá nhiều về số lượng. Căng vú quá mức hay căng vú không theo chu kỳ (người bình thường hay căng vào giữa chu kỳ hoặc khi sắp có kinh) cũng có thể do rối loạn nội tiết. Biểu hiện khác có thể là ngực không phát triển dù đã qua tuổi dậy thì. Nếu đang bình thường mà đột nhiên thấy rậm lông hơn, rậm vùng “râu”, da sạm hơn dù không có thai thì cũng có thể do RLNT. Khi thấy một trong các biểu hiện trên, chị em nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ - sản.

* Đâu là nguyên nhân suy giảm nội tiết tố? Với người phải cắt bỏ buồng trứng hay mắc bệnh lý, căng thẳng, lao động quá sức, quá trình suy giảm này có diễn ra sớm hơn?

- RLNT nữ có thể là tăng hay giảm nội tiết. Nếu tăng estrogen thì dễ làm căng đau vú, huyết trắng nhiều hơn, dễ bị rong kinh, rong huyết hay u xơ tử cung, u tuyến vú. Trong khi đó, tăng progesterone thì các biểu hiện rậm lông, nhiều mụn, tăng nhu cầu tình dục… sẽ nổi trội hơn. Việc tăng nội tiết nhiều thường do có tổn thương thực thể, bệnh lý hay u tiết ra (hoặc làm cho buồng trứng tiết ra) nhiều hơn.

Ở phụ nữ tiền mãn kinh - mãn kinh (thường bắt đầu từ sau 45 đến 50 tuổi), do buồng trứng bị suy yếu, quá trình rụng trứng thưa dần rồi mất hẳn. Trong thời kỳ này, cả nội tiết estrogen và progesterone đều giảm, nhưng biểu hiện giảm progesterone do không còn rụng trứng là nguyên nhân gây “rắc rối” trước. Đầu tiên, đó là thiếu “đối tác” để kiểm soát “người đồng hành” estrogen, hiện tượng này là nguyên nhân sinh học gây “hồi xuân” ở phụ nữ vì lúc này tác dụng của estrogen trội hơn.

Khi estrogen và progesterone cùng giảm nhiều do suy buồng trứng ở tuổi mãn kinh, hệ quả thường thấy là da bớt căng, tóc rụng nhiều hơn dù có điều kiện hỗ trợ chăm sóc từ mỹ phẩm. Người phụ nữ giai đoạn này rất dễ nóng giận, dễ có phản ứng quá mức cần thiết mỗi khi không vừa lòng, dễ mất kiểm soát. Họ còn hay bị những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, xây xẩm mặt mày, khó ngủ, ngủ không sâu và hay mơ “kinh dị”.

Ảnh hưởng của thiếu hụt nội tiết làm gia tăng các tai biến trên hệ tim mạch - thậm chí tăng nguy cơ đột quỵ hơn gấp hai lần, và dễ bị gãy xương do loãng xương. Đặc biệt trong quan hệ vợ chồng, hiện tượng khô rát, đau khi giao hợp rất thường xảy ra do thiếu estrogen làm niêm mạc âm đạo teo dần, niêm mạc các tuyến cũng teo dần, mất khoái cảm, ảnh hưởng tới mối quan hệ vợ chồng.

Khi phụ nữ bị cắt hai buồng trứng trước tuổi mãn kinh, nội tiết sẽ giảm đột ngột và giảm toàn bộ. các dấu hiệu của tiền mãn kinh sẽ tới sớm và "rầm rộ" hơn.

* Một bạn đọc ngoài ba mươi, chưa lập gia đình phản ánh. do công việc áp lực nên chị mệt mỏi kéo dài, da mặt nổi nhiều đốm đỏ, ngực căng tức kèm mất kinh gần ba tháng. Đi khám da liễu, BS cho biết chị bị dị ứng da, có thể do RLNT và đề nghị đo nồng độ nội tiết tố. Kết quả, nội tiết tố của chị sụt giảm nghiêm trọng. Vì sao có trường hợp này, bệnh nhân có thể uống thuốc bổ sung nội tiết không?

- Mãn kinh sớm, ngoài nguyên nhân phẫu thuật còn do tác động của sự gắng sức hay căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, một yếu tố góp phần khá quan trọng mà ít người để ý (kể cả BS) là do mất máu nhiều trong kỳ sinh nở trước đó. Khi mất máu nhiều mà không được bù hợp lý thì dễ bị hội chứng Sheehan do thiếu máu làm suy tuyến yên trên não. Tuyến yên điều phối hoạt động nội tiết của buồng trứng nên khi suy sẽ làm buồng trứng suy theo, làm giảm sản xuất nội tiết nữ. Về điều trị trong trường hợp này, bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa. Không nên tự chữa bệnh theo kinh nghiệm truyền miệng mà không biết nguyên nhân chính là gì.

* Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ trẻ có giống sự mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ trung niên hay không?

- Ở bất kỳ tuổi nào, RLNT nữ đều có biểu hiện giống nhau, với người trẻ thì chậm thấy hơn, nhưng nếu để lâu đều có hậu quả giống nhau. Riêng với việc dùng thuốc tránh thai lâu ngày thì không thấy rõ các dấu hiệu vì thuốc này có thành phần của cả hai chất chính trong nội tiết nữ. Tỷ lệ suy buồng trứng sau khi dùng thuốc viên tránh thai là không cao.

Các yếu tố môi trường và dinh dưỡng chắc chắn ảnh hưởng tới nội tiết và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Ăn ngọt nhiều, dinh dưỡng quá mức đều dễ đưa tới hội chứng buồng trứng đa nang, nhưng suy dinh dưỡng do ăn kiêng cũng dễ làm suy giảm nguồn “nguyên vật liệu” sản xuất ra nội tiết. Bệnh phụ khoa gây RLNT nữ nhiều nhất là u buồng trứng loại tế bào sản xuất nội tiết nhiều; nếu là u tế bào hạt thì là dạng ung thư và rất khó chữa khỏi. Riêng bệnh tuyến vú thường là một trong những hậu quả của nội tiết estrogen tăng chứ bản thân bệnh tuyến vú hiếm khi làm RLNT nữ.

* Vì sao RLNT có thể làm tổn thương sâu nội mạc tử cung, kích thích tố nữ không còn phản ứng nhạy cảm, làm giảm cơ hội mang thai, thưa BS?

- Khi suy giảm nội tiết, đặc biệt là estrogen, lớp nội mạc tử cung sẽ bị mỏng đi. Thiếu progesterone sẽ làm nội mạc tử cung “bớt màu mỡ”, cả hai tình huống trên đều làm giảm khả năng thụ thai do khả năng làm tổ và nuôi dưỡng phôi - thai giảm sút.

* Suy giảm nội tiết tố, với người trẻ quả là vô cùng khủng khiếp, vậy có cách nào giúp chị em thoát ra khỏi vấn đề này?

- Để phòng tránh RLNT, điều quan trọng nhất là chị em phụ nữ nên có một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng giữa rau củ quả và các loại thịt động vật.

- Nên ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, giàu vitamin C như: kiwi, cà chua, cam, quýt, đào, chuối, măng tây, cà rốt, bông cải, bắp, đậu...

- Ăn thức ăn giàu caroten như ớt, cải nhún, bó xôi, cà rốt, củ cải đường, bắp cải, bí đỏ...

- Đừng quên các thực phẩm giàu vitamin nhóm B: gan, thịt bò, cá ngừ, yến mạch, thịt gà, chuối, khoai tây, trái bơ...

- Sử dụng các loại thực phẩm có chứa các chất tương tự estrogen của cơ thể phụ nữ như các sản phẩm từ đậu nành, hạt hướng dương, hạt điều, đậu phộng, sắn dây... Đây đều là những thực phẩm giúp tăng estrogen tự nhiên trong cơ thể, nhưng không dùng cho những người bị rối loạn tăng nội tiết estrogen (hay đau vú, béo phì, bị u xơ tử cung, bị u vú…).

- Một số loại thảo mộc như nhân sâm, bạch quả sẽ giúp duy trì sự cân bằng của các hormone và kích thích tố trong cơ thể.

Ngoài ra, chị em phụ nữ nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Không nên thức quá khuya, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và các chất độc hại.

 THIÊN NGA thực hiện

www.phunuonline.com.vn

rối loạn nội tiết, nội tiết tố, Hormone nữ, bệnh phụ nữ


      © 2021 FAP
        425,593       37