Sống khỏe

Mỗi người ngủ một ngày bao nhiêu là đủ?

PN - Thông thường mỗi người dành khoảng 1/3 thời gian sống cho giấc ngủ. Thời gian ngủ mỗi đêm có ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng sức khoẻ, cũng như khả năng làm việc của mỗi người.

 

Giấc ngủ rất cần thiết vì giúp hồi hục và tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc

Cùng với thực phẩm, nước và oxy, giấc ngủ là nhu cầu thiết yếu cho sự sống còn của con người. Ngủ là phản ứng tự nhiên của con người để lấy lại thăng bằng, năng lượng sau một ngày làm việc. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, nó là một trong những yếu tố giúp cho con người hoạt động một cách hữu hiệu trong đời sống. Buổi tối là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là thời điểm hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Trong đó, từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong thời gian này, càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.

Theo Tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ của Hoa Kì ( NFS): việc thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, bệnh tim và tiểu đường, qua đó góp phần làm giảm tuổi thọ. Các chuyên gia từ hơn 18 chuyên ngành về giải phẫu, thần kinh, nhi khoa,… đã cùng nhau nghiên cứu và kết luận: thời gian ngủ tối thiểu cho mỗi người tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn cuộc sống của họ. Cụ thể là:

Trẻ sơ sinh (từ 0-3 tháng tuổi): thời gian cho giấc ngủ từ 14 - 17 giờ/ ngày (gồm cả ngủ ban đêm và ngủ trưa).

Trẻ từ 4 -11 tháng tuổi: thời gian cho giấc ngủ từ 12 - 15 giờ/ ngày.

Trẻ từ 1 - 2 tuổi: thời gian cho giấc ngủ từ 11 - 14 giờ/ ngày.

Trẻ từ 3 - 5 tuổi: thời gian cho giấc ngủ từ 10 - 13 giờ/ ngày.

Trẻ từ 6 - 13 tuổi: thời gian cho giấc ngủ từ 9 - 11 giờ/ ngày.

Độ tuổi thanh thiếu niên từ 14 - 17 tuổi: thời gian cho giấc ngủ là 8- 10 giờ/ ngày.

Tuổi từ 18 - 25 tuổi: thời gian cho giấc ngủ là 7 - 9 giờ/ ngày.

Từ 26 - 64 tuổi: thời gian cho giấc ngủ là 7 - 9 giờ/ ngày.

Từ 65 tuổi trở lên: thời gian cho giấc ngủ là 7 - 8 giờ/ ngày.

Để có một giấc ngủ ngon cần lưu ý những điều sau đây:

-Ăn vừa đủ, không quá no và không nên ăn nhiều gia vị, nhiều đạm hay thức ăn khó tiêu như dầu mỡ trong bữa cơm chiều.

- Tránh thuốc lá và các thức uống có chứa chất cafein vào buổi chiều.

- Sau bữa ăn khoảng 1 giờ nên vận động nhẹ để giúp tuần hoàn của cơ thể tốt hơn.

-Tránh suy nghĩ về chuyện không vui, bực mình hay lo lắng việc chưa hoàn thành. Cần thư giãn tinh thần, thư giãn cơ bắp sau một ngày làm việc mệt mỏi.

- Nơi ngủ thích hợp không có tiếng động, ánh sáng dịu nhẹ, chỗ nằm thoải mái.

- Nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ.

Chủ tịch NFS cho biết: “ Giấc ngủ là tiếng nói của sức khoẻ, đảm bảo khả năng phục hồi và hiệu suất làm việc của những nơron thần kinh trong não bộ của chúng ta. Nghiên cứu trên một lần nữa nhắc nhở chúng ta nên có sự sắp xếp hợp lí trong công việc và cuộc sống để một tinh thần và thể chất khoẻ mạnh, qua đó có thể hoàn thành tốt mọi mục tiêu trong cuộc sống của mình”.

VŨ BÃO

(Theo dailymail.co.uk)

www.phunuonline.com.vn

giấc ngủ, ngủ ngon, thời gian ngủ, vai trò giấc ngủ


      © 2021 FAP
        433,901       399