Sống khỏe

Ăn nhiều hồng giòn dễ bị tắc ruột

PN - Ăn hồng giòn quá nhiều, ăn trong lúc đói, không gọt vỏ, ăn phải những trái có nhiều vị chát… có thể khiến nhiều người bị tắc ruột. Bác sĩ cũng như những người dân vùng trồng hồng cho biết như trên.

Bảy trường hợp vào viện

Ngày 2/12, PGS-TS-BS Lê Lộc, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Ngoại tiêu hóa đã tiến hành phẫu thuật cho bảy trường hợp tắc ruột do bã thức ăn. Cả bảy bệnh nhân (BN) đều cho biết đã ăn rất nhiều trái hồng giòn. Trong đó, người ít tuổi nhất là BN Lê Thị Ghi, 38 tuổi (P.Tây Lộc, TP. Huế); lớn tuổi nhất là BN Huỳnh Kim Mương, 82 tuổi (P.Phú Bình, TP Huế).

Các BN nhập viện trong trình trạng cấp cứu với các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, bí trung đại tiện. BN Bùi Thị Kiểu (P.Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện đang điều trị tại Khoa Cấp cứu hồi sức BV Trung ương Huế kể: “Vào khoảng 3g chiều ngày 28/11, sau khi ngủ trưa dậy, thấy mấy đứa con để hồng giòn ở nhà bếp, tui ăn hơn hai quả thì có cảm giác buồn nôn. Sau đó tui ngất đi lúc nào cũng không biết, tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong BV”.

BN Bùi Thị Kiểu được phẫu thuật lấy khối bã thức ăn từ trong ruột vào ngày 29/11, hiện sức khỏe tiến triển tốt. Theo lời kể của bà Kiểu, loại hồng giòn bà đã ăn có kích thước to hơn trái hồng thường thấy tại các nhà vườn ở Huế. Trong lúc đó, BN Lê Thị Ghi khai với các bác sĩ, chị ăn hơn nửa ký hồng giòn.

Được biết, trong bảy BN ăn hồng giòn, nhập viện, hiện đã có sáu BN xuất viện.

Cẩn thận với thực phẩm nhiều chất chát, chất xơ

Ngay sau khi xuất hiện thông tin nhiều người ở Huế nhập viện do tắc ruột vì ăn hồng giòn, chúng tôi đã liên hệ với một số hộ trồng hồng tại Lâm Đồng. Nhiều người cho rằng, hồng là loại trái cây lành, nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng phải ăn đúng cách vì đây là loại trái có nhiều chất xơ. Ông Nguyễn Đức Hải, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng hồng tại xã Xuân Thọ (Đà Lạt) cho hay, có thể mủ trái hồng là nguyên nhân liên quan đến một số chứng bệnh về tiêu hóa, nhiều người khi ăn hồng thường bị táo bón. Người dân địa phương khi bị tiêu chảy đã ăn trái hồng xanh để “cầm”.

Ông Hải cho biết, tại Đà Lạt và một số huyện vùng ven Đà Lạt, hồng được trồng gồm hai loại chính là hồng mềm và hồng giòn (còn gọi là hồng ngâm). Hồng mềm là loại hồng thu hái khi trái già, sắp chín trên cây sau đó được dú (ủ) chín. Hồng giòn trái hơi vuông, bẹt, từ sau khi hái trên cây thường được ngâm trong nước sạch hoặc nước vôi trong khoảng hai-bốn ngày để khử chất chát trong trái.

Theo lời khuyên của những người trồng hồng, dù sau khi ngâm nước, hồng không còn vị chát, nhưng vỏ trái vẫn còn nhựa nên cần phải gọt sạch vỏ trước khi ăn, đồng thời không nên ăn lúc đói vì dễ xuất hiện triệu chứng nặng bụng, khó tiêu. Những người bị bệnh dạ dày, đường ruột yếu, tiểu đường… không nên ăn loại trái này.

Bệnh nhân Bùi Thị Kiểu bị tắc ruột vì ăn hồng giòn -  Ảnh: Thuận Hóa

PGS-TS-BS Nguyễn Thị Bay, Trưởng bộ môn Bệnh học, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM phân tích: Trong trái hồng giòn có chất tanin và pectin. Chất tanin có trong hồng giòn sẽ khiến cơ thể bị táo bón nhưng nếu ăn ít sẽ không phải lo ngại vì trong trái này cũng có chất nhầy “hóa giải” được chứng táo bón. Riêng với những BN vốn bị các bệnh rối loạn đường tiêu hóa thì hạn chế ăn hồng giòn vì axít trong dạ dày không còn đủ khả năng cân bằng, điều hòa các chất có hại khi chúng vào cơ thể với lượng lớn.

ThS-BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa, BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM khuyến cáo: Bản chất của chất tanin là gây táo bón và táo bón là hậu quả của việc cơ thể không thải được chất độc ra ngoài. Nếu ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng tanin sẽ gây ra tình trạng tắc ruột, người bệnh trở nên bực bội, nóng nảy. Khi tắc ruột, bụng bị trướng, đau; nôn ói, khó chịu… BN cần phải nhập viện để phẫu thuật. Nếu tình trạng táo bón kéo dài thì đây là một trong những nguy cơ gây ra ung thư đại tràng về sau. Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM cho biết thêm, trái hồng “kỵ” với các loại thực phẩm giàu đạm, cụ thể như hải sản vì làm cho khó tiêu hóa.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 300g rau và 200g trái cây. Lượng chất xơ không hòa tan (có trong hồng giòn, rau muống, rau cải…) chỉ nên ăn khoảng từ 20 đến 30%, không được quá 50% trên tổng lượng chất xơ/ngày. Không nên ăn quá nhiều một món, dễ bị ngộ độc thực phẩm, đầy bụng…”.

Theo PGS-TS-BS Lê Lộc, đã có nhiều nghiên cứu và kết luận, ăn nhiều hồng giòn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tắc ruột non. Với các trường hợp này, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ gây vỡ ruột và nhiễm trùng nghiêm trọng.

 Nhóm PV-CTV

www.phunuonline.com.vn

hồng giòn, ăn nhiều hồng giòn dễ bị tắc ruột


      © 2021 FAP
        433,944       573