Sống khỏe

Đau đầu, vì sao?

PNCN - Đau đầu là một triệu chứng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày và bất cứ tuổi nào cũng có thể gặp. Vậy cảm giác đau đầu ấy nói lên bệnh gì?

ThS-BS Lê Hồng Tuấn - Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, đã trao đổi với PNCN một số thông tin xung quanh vấn đề này.

PV: Xin hỏi bác sĩ (BS), bệnh đau đầu có nguy hiểm không?

ThS-BS Lê Hồng Tuấn: Phần lớn bệnh đau đầu do các nguyên nhân không nguy hiểm ( hơn 90% các trường hợp), dù vậy đau đầu có thể là triệu chứng nguy hiểm của bệnh lý hệ thần kinh như chảy máu trong não, viêm màng não, u não…

Việc nhận biết triệu chứng đau đầu nguy hiểm cần phải khám và điều trị tức thời nhằm hạn chế những biến chứng nặng của bệnh, cũng như bình tĩnh trước một cơn đau đầu không nguy hiểm là rất hữu ích.

* Việc nhận diện những triệu chứng đau đầu nguy hiểm và đau đầu không nguy hiểm dựa trên các yếu tố nào, thưa BS?

- Giới chuyên môn thường dựa vào nguyên nhân gây đau đầu. Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, người ta chia đau đầu thành hai nhóm: đau đầu cấp tính và đau đầu mạn tính.

+ Đau đầu cấp tính: xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu cảnh báo trước, phần lớn là do các nguyên nhân tổn thương thần kinh thực thể hoặc các cơ quan lân cận như mắt.

+ Đau đầu mạn tính: triệu chứng kéo dài, hoặc lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đau đầu kéo dài do nhiều nguyên nhân, không chỉ gặp trong các bệnh có tổn thương thần kinh mà còn gặp trong cả các bệnh vùng hàm mặt, nội khoa toàn thân.

* BS có thể nói rõ hơn các bệnh đau đầu có nguyên nhân cấp tính, cụ thể là những bệnh nào, thưa BS?

- Đó là các bệnh như:

+ Bệnh Horton: còn gọi là bệnh viêm động mạch thái dương, bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới với tỷ lệ nữ/nam = 3/1. Biểu hiện đau dữ dội vùng thái dương một hoặc hai bên. Động mạch thái dương nổi trên da, sờ cảm giác cứng nhưng không có mạch đập dưới tay, có thể kèm theo hoại tử da vùng đầu, lưỡi, mắt nhìn mờ hay thậm chí bị mù do huyết khối gây tắc động mạch trung tâm võng mạc.

+ Chảy máu não và màng não: triệu chứng đau đầu thường khởi phát đột ngột, cường độ đau dữ dội, kèm nôn ói, có thể rối loạn ý thức kèm theo dấu hiệu màng não hoặc dấu hiệu thần kinh định vị. Cần phải nghĩ đến bệnh lý này nếu bệnh nhân từng mắc bệnh tăng huyết áp hoặc sau tai nạn có sang chấn vùng đầu. Đau đầu do chảy máu trong não - màng não thường kèm theo yếu nửa người, rối loạn cảm giác, nói ngọng hoặc diễn đạt suy nghĩ khó khăn hơn. Chẩn đoán dựa vào chụp cắt lớp sọ não.

+ Áp-xe não: đau đầu thường đi kèm tình trạng nhiễm trùng như sốt cao, môi khô, lưỡi dơ. Trong trường hợp nặng có thể kèm theo hôn mê, co giật hoặc triệu chứng thần kinh khu trú như yếu liệt tay chân.

+ Viêm màng não cấp: đau đầu dữ dội, sợ ánh sáng, nằm quay vào tường, cổ cứng, buồn nôn và nôn vọt.

+ Cơn tăng huyết áp: Tăng huyết áp gây đau đầu dữ dội, do vậy cần kiểm tra huyết áp cho tất cả bệnh nhân.

- Glaucom: bệnh còn có tên thiên đầu thống, biểu hiện là cơn đau đầu rất dữ dội, nhức mắt, nhìn mờ, mắt đỏ nhưng không có ghèn.

* Và những bệnh đau đầu thường gặp do nguyên nhân mạn tính sẽ là…

+ Đau đầu Migrain: là chứng đau nửa đầu dữ dội, thường gặp ở nữ, thường xảy ra từng cơn. Bệnh thường khởi phát do căng thẳng, lo lắng, đi ngoài nắng nhiều, ở nữ còn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt; uống nhiều chất kích thích như cà phê, trà đậm cũng có thể khởi phát cơn đau. Triệu chứng đau đầu khởi phát một bên, đau theo mạch đập, bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh, cường độ đau từ thấp tăng dần đến đau dữ dội; trong cơn đau bệnh nhân sợ ánh sáng, tiếng ồn, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân thường chọn nơi yên tĩnh và không có ánh sáng để nằm.

- Đau đầu từng cụm: là loại đau đầu nguyên phát có cường độ rất dữ dội, bệnh có tính chất chu kỳ lặp đi lặp lại, thường gặp ở nam giới trẻ hoặc trung niên. Cơn đau đầu thường xảy ra đúng giờ, bệnh nhân đang ngủ thì bị đánh thức bởi cơn đau. Vị trí đau thường sau hốc mắt, trán gần thái dương, trong cơn đau có sung huyết kết mạc, vã mồ hôi mặt cùng bên đau. Bệnh nhân có thể muốn đập đầu vào tường để giảm đau.

- Đau đầu căng cơ: hay còn được gọi là đau đầu căng thẳng. Đây là loại đau đầu phổ biến nhất, rất thường gặp ở người làm việc với tư thế đầu cố định, như nhân viên văn phòng, người làm việc với máy vi tính… Bệnh nhân đau đầu căng cơ có cảm giác siết chặt, nặng hai bên vai, lan dọc hai bên vai. Bệnh có liên quan tâm lý và tư thế của đầu, sự co thắt các cơ vùng đầu - cổ. Cảm giác đầu bị bó chặt, đau không theo mạch đập như đau đầu Migrain. Đau đầu căng cơ có thể kéo dài vài giờ rồi tự khỏi nếu chúng ta thư giãn, nghỉ ngơi. Cường độ đau không dữ dội, đa phần bệnh nhân vẫn chịu đựng được, vẫn làm việc bình thường.

- Đau đầu do các cơ quan kế cận: như bệnh lý về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, đặc biệt hay gặp trong viêm xoang cấp.

- Đau đầu nguồn gốc tâm thần: chiếm 50% trường hợp. Kiểu đau đa dạng, cảm giác đầu trống rỗng. Nguyên nhân: trạng thái lo âu ám ảnh, nghi bệnh, rối loạn phân ly, hội chứng trầm cảm….

* Hiện chúng ta có những xét nghiệm hay phương pháp nào để đánh giá mức độ đau này?

Với sự tiến bộ của y học, hiện nay các cơn đau đầu sẽ được “khu trú” và “định vị” bằng các phương pháp như:

+ Xét nghiệm máu: tổng phân tích tế bào máu, tốc độ lắng máu, các xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm nhiễm. Các xét nghiệm sinh hóa cơ bản điện não đồ thường được chỉ định cho các đau đầu khu trú hoặc nghi ngờ động kinh.

+ Đo nhãn áp tìm bệnh lý tăng nhãn áp (Glaucom góc đóng, góc mở). Được chỉ định khi nghi ngờ đau đầu có liên quan bệnh lý mắt.

+ Chọc dò tủy sống: chỉ được chỉ định khi bệnh nhân đau đầu nghi ngờ do viêm màng não, lao màng não.

+ Chụp CT sọ não: được chỉ định trong trường hợp đau đầu nghi ngờ do khối choán chỗ như chảy máu trong não, tụ máu dưới màng cứng, u não…

+ Chụp mạch máu não có cản quang: khi nghi ngờ có dị dạng mạch máu não, dò động tĩnh mạch não.

* Những triệu chứng đau đầu như thế nào thì báo động sự nguy hiểm?

- Đó là những cơn đau đầu xảy ra đột ngột sau khi bệnh nhân gắng sức, căng thẳng, tức giận; cần phải nghĩ đến: xuất huyết não, xuất huyết màng não. Hoặc, đó là những cơn đau đầu mới xuất hiện lần đầu, cường độ đau dữ dội hay những cơn đau đầu kèm theo yếu liệt nửa người, tê bì nửa người, nôn vọt: tai biến mạch máu não, u não, xuất huyết não - màng não.

Nếu những cơn đau đầu ngày càng tăng, cần nghĩ đến khối choán chỗ trong não như: u não, tụ máu màng cứng mạn tính. Cũng cần cảnh giác với những cơn đau đầu kèm theo sốt vì thường do viêm màng não, viêm não; hoặc đau đầu kèm theo co giật, có thể do u não.

* Như vậy, khi đứng trước một trường hợp đau đầu, chúng ta sẽ phải làm gì, thưa BS?

- Cần nghỉ ngơi, nằm trong phòng yên lặng, tránh tiếng ồn, kiểm tra huyết áp là việc làm thường quy cho tất cả bệnh nhân đau đầu. Việc tiếp theo cần loại trừ những triệu chứng đau đầu nguy hiểm như đã trình bày ở trên, nếu nghi ngờ, nên đưa bệnh nhân đến BS thần kinh để thăm khám.

Chỉ cho thuốc giảm đau khi định hướng được nguyên nhân, trường hợp thật cần thiết nên dùng giảm đau thông thường như Paracetamol.

Việc lạm dụng những chất kích thích như cà phê, trà, các thuốc dãn mạch, thuốc nitrat, thuốc lá, rượu là tác nhân gây khởi phát những cơn đau đầu do nguyên nhân mạch máu.

* Xin cám ơn BS.

 THIÊN NGA (thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

đau đầu, vì sao đâu đầu, trị đau đầu


      © 2021 FAP
        433,953       496