Sống khỏe

Trị bệnh này mắc bệnh kia

PNCN - Không ít người bị bệnh, điều trị bệnh này chưa hết thì cơ thể đã phải “gánh gồng” thêm bệnh mới do thuốc gây ra.

Thuốc ngủ hại trí não

Mất ngủ, mắt chong chong nhìn trần nhà… là những triệu chứng rất khó chịu. Vì vậy, không ít người cầu cứu thuốc ngủ. Nhiều lần thành quen, khi không uống thì không ngủ được nên nhiều người đã dùng thuốc ngủ trong thời gian dài. Họ chỉ tìm đến bác sĩ khi thuốc ngủ không còn hiệu nghiệm. Lúc này bác sĩ vừa điều trị mất ngủ, vừa phải giúp người bệnh cai nghiện thuốc. Một số thuốc như Zolpidem, Valium, Seduxen nếu sử dụng thời gian dài có nguy cơ tổn hại nhận thức, đi đứng không vững…

Với chứng mất ngủ có nguyên nhân (bị lừa gạt, mất của…), thường chỉ cần loại bỏ nguyên nhân là ngủ được ngay. Điều này cần có suy nghĩ đúng đắn về sự việc, từ đó thay đổi cách nghĩ. Ông bà xưa có câu “của đi thay người” nhằm trấn an tinh thần để làm lại từ đầu. Suy nghĩ tích cực đó có lợi cho cả tinh thần và sức khỏe. Còn mất ngủ không nguyên nhân, có thể chỉ trong một-hai đêm, cơ thể cân bằng thì ngủ được. BS Đặng Văn Mon - Khoa Giấc ngủ Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP.HCM cho biết: “Điều trị mất ngủ là cả quá trình, riêng những người nghiện thuốc ngủ còn phải điều trị cai nghiện, vì vậy khoan hãy dùng thuốc ngủ. Khi bị mất ngủ nên dùng một số dược liệu, cây cỏ như nhãn lồng (chùm bao), tim sen...”.

Thuốc lợi tiểu gây chuột rút

Thuốc lợi tiểu được dùng trong điều trị suy tim, bệnh thận, phù… Song, không ít người bị phù cho rằng cơ thể bị thừa nước, dùng thuốc lợi tiểu là cách lấy nước thừa ra. Có trường hợp thấy hai chân sưng, người bệnh đã mua thuốc lợi tiểu uống. Mấy ngày đầu chân bớt sưng, nhưng sau đó thì “khi sưng khi xẹp”, càng cố uống cho hết bệnh thì sức khỏe càng suy kiệt, bị chuột rút và tay co quắp...

Khi đó, bệnh nhân mới chịu đi khám, bác sĩ phát hiện bị rối loạn điện giải do dùng thuốc lợi tiểu. Trong khi đó, nguyên nhân gây phù chân lại do suy van tĩnh mạch hai chân. TS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y dược TP.HCM giải thích: “Thuốc lợi tiểu, nhất là dòng Furosemid, gây mất kali dẫn đến co giật, chuột rút, rối loạn nhịp tim. Vì vậy, khi dùng thuốc, cần ăn bù các loại trái cây chứa nhiều kali như: chuối, cam… Trường hợp bị suy tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc, ngoài việc uống thuốc lợi tiểu, còn cần uống thêm thuốc làm bền thành mạch…”.

Điều cần biết là có nhiều bệnh gây phù như: suy tim, xơ gan, suy thận, dị ứng, dãn tĩnh mạch, tắc mạch bạch huyết, do thai chèn ép, tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau... Do đó, việc tự dùng thuốc khi bị phù là điều nên tránh, vì không chữa được bệnh mà còn có thể mắc thêm bệnh.

Corticoid gây đái tháo đường

Corticoid là thuốc được biết đến với các tác dụng phụ như: hội chứng Cushing dễ bị tăng cân, béo phì không cân đối (tích tụ mỡ ở phần bụng và mặt, sau gáy và cổ, còn phần tay chân thì hầu giữ nguyên kích cỡ); bé gái đã dậy thì sẽ rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh... Corticoid còn là thuốc thúc đẩy bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), giúp bệnh xuất hiện sớm hơn trong trường hợp đang có bệnh tiềm tàng. Người đã mắc bệnh ĐTĐ khi dùng corticoid bệnh sẽ càng trầm trọng.

Corticoid cũng làm tăng huyết áp. Những trường hợp tăng huyết áp do thuốc, khi ngưng dùng thuốc, huyết áp sẽ về mức cũ. Khi dùng thuốc, người nhạy cảm sẽ phát hiện thuốc ảnh hưởng đến dạ dày. Bên cạnh đó, corticoid còn điều trị nhiều bệnh như: viêm đa khớp dạng thấp, bệnh hô hấp mãn tính, viêm phế quản mãn tính, bệnh về hệ thống miễn dịch… Điều này cho thấy corticoid là “thần dược” hay “ác dược” còn phụ thuộc vào người sử dụng, chỉ định cùng phương pháp tầm soát.

Điều cuối cùng cần biết là, khi đã dùng corticoid liều cao thì không được ngưng thuốc đột ngột vì có thể gây cơn suy thượng thận cấp, rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời.

Phương Nam

www.phunuonline.com.vn

Trị bệnh này, mắc bệnh kia, bệnh từ thuốc


      © 2021 FAP
        433,971       729