Sống khỏe

3 tháng cuối thai kỳ

PNCN - Ba tháng cuối là thời gian mẹ và bé sắp đến đích, bé lớn lên mỗi ngày, mẹ cũng nặng ra trông thấy. Đây cũng là thời điểm thai phụ mệt mỏi nhất, nhiều nguy cơ rình rập nhất.

Về đích

Thai nhi phát triển nhanh trong ba tháng cuối, tăng thêm lượng mỡ và trọng lượng của tất cả các cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Điều thú vị hơn, các cử động của bé không còn là cảm nhận của riêng mẹ mà người thân có thể thấy rất rõ. Bé cử động rõ nhất là khi mẹ có chuyện lo lắng hoặc vui đùa quá mức, hoặc sau khi ăn…

Ở tháng cuối, trọng lượng bé tăng nhanh để đạt “chỉ tiêu” vào khoảng 3kg để chào đời. Phổi giai đoạn này cũng phát triển tốc độ, bằng chứng là bé sinh ở tuổi thai trước 34 tuần thường cần phải hỗ trợ hô hấp, nhưng nếu sinh sau 37 tuần thì đa phần không cần hỗ trợ này nếu không có những vấn đề đặc biệt khác.

Giai đoạn nước rút này, bà bầu tăng ký vùn vụt, có người tăng nửa ký/tuần nên luôn có cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Chưa hết, sự gia tăng hoạt động để trao đổi chất giúp thai nhi trong điều kiện đủ dưỡng khí và dinh dưỡng tốt. Khi đầu thai nhi xuống thấp, chèn ép lên bàng quang của mẹ, người mẹ càng cảm thấy nặng nề hơn, đi tiểu nhiều lần hơn. Tử cung to sẽ lấn lên cơ hoành nên phổi bị ép, gây cảm giác khó thở, nhất là khi nằm đầu thấp, khó ngủ. Lúc này thai phụ nên nằm đầu cao hoặc ngủ nghiêng bên trái để tăng lượng máu trở về tim, bánh nhau và thai nhi được cung cấp máu tốt hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp thấy khó chịu khi nằm nghiêng trái, thai phụ có thể tự chọn cho mình cách ngủ mà cơ thể cảm thấy thoải mái nhất, vì mẹ có khỏe thì thai nhi mới phát triển tốt được. Bụng càng to càng mệt, ăn mau no, do đó thai phụ nên ăn làm nhiều bữa trong ngày, ban ngày ăn nhiều, càng về tối nên ăn ít lại.

Chuột rút và đau lưng là các triệu chứng thường gặp giai đoạn này, vì cơ thể cũng sản xuất ra nội tiết tố, làm dãn các dây chằng trong cơ thể chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ. Để tránh chuột rút, nên thả lỏng cơ thư giãn, buổi tối nên nằm kê đầu gối.

Đau lưng là triệu chứng khó chịu, nhưng đó là báo hiệu bé đã lớn và ngày sinh gần kề. Tập yoga, thể dục, xoa bóp giúp ngủ ngon hơn và không bị đau lưng. Chuyên viên Lê Ngọc Tuyết Hương - Phó giám đốc Momy spa TP.HCM cho biết: xoa bóp khi mang thai giúp giảm tình trạng chuột rút cơ bắp và co thắt, tăng lưu thông máu, làm giảm căng thẳng trên các khớp xương chịu trọng lượng. Ngoài ra, việc xoa bóp mẹ cũng tác động tích cực đến em bé.

Trong ba tháng cuối, thỉnh thoảng bà bầu sẽ thấy đau râm ran ở bụng dưới và cảm thấy bụng nặng như bị kéo xuống, cảm giác đau là do các khớp xương vùng xương chậu bắt đầu dãn rộng, chuẩn bị lối ra cho bé. Các triệu chứng phù nề tay chân, đau nhức hông lưng và cổ vai gáy cũng nhiều hơn. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh, xoa bóp giảm bớt sự lo lắng vì ngày lâm bồn cận kề, thậm chí cải thiện kết quả quá trình sinh nở.

 Nhiều bất trắc

Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng Phòng khám Hoàng Gia Eva TP.HCM, trong thai kỳ dài, có không ít điều ảnh hưởng tới việc mẹ tròn con vuông. Về thai, có những vấn đề cần lưu ý sau:

- Sinh non. Bé sinh non rất yếu, nuôi nấng khó khăn và còn có thể ảnh hưởng sức khỏe sau này. Để tầm soát vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa phụ sản sẽ đo bề cao tử cung, nghe tim thai, thăm khám cổ tử cung khi khám thai, có thể thực hiện siêu âm ngả âm đạo để đánh giá độ dài và độ mở của cổ tử cung, tầm soát dọa sinh non, đặc biệt là ở các thai phụ có nguy cơ cao…

- Thai không thuận, thai ngang, thai ngược. Các trường hợp này phát hiện dễ dàng nhờ khám thai và siêu âm. Bác sĩ sẽ được theo dõi sát sao hơn và xem xét mổ sinh khi thai đủ tháng.

- Nước ối, dây rốn giúp bé phát triển, nhưng cũng có thể trở thành kẻ “phá bĩnh” vào giai đoạn này. Gần ngày sinh, nước ối nhiều quá hoặc ít quá đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Dây rốn - chịu trách nhiệm nuôi dưỡng bé nhưng do bé không chịu nằm yên nên có thể dẫn đến dây rốn quấn cổ. Các trường hợp này phát hiện dễ dàng qua siêu âm, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ cách theo dõi thai máy và đánh giá sức khỏe thai nhi mỗi lần khám thai. Nhiều trường hợp thai nhi có dây rốn quấn cổ nhưng vẫn có thể sinh thường. Việc chỉ định sinh mổ chỉ thực hiện khi có những chỉ định khác kèm theo như bất xứng đầu chậu, thai to, khung chậu hẹp…

- Bánh nhau chứa chất dinh dưỡng nuôi bé nhưng lại bám không đúng chỗ, bám quá thấp hoặc bám ngay cửa ra vào (nhau tiền đạo) gây khó khăn cho bé khi chào đời. Những trường hợp này thường được chỉ định nhập viện khi thai đủ trưởng thành để theo dõi và mổ cấp cứu nếu ra máu nhiều.

Về mẹ, cần theo dõi bệnh lý ngay từ đầu thai kỳ, nhất là các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Những bà mẹ đã từng sinh con to, sinh mổ, sinh khó… cần báo cho bác sĩ biết để theo dõi kỹ vì “lịch sử” có thể lặp lại.

BS Nguyễn Ngọc Thông - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM khuyên: “Ba tháng cuối cần khám thai thường xuyên, nhất là vào tháng cuối, nhằm phát hiện những biến chứng bất thường muộn, tùy tình hình để định hướng nơi sinh và cách sinh. Những trường hợp đặc biệt cần sinh ở tuyến trên, không thể sinh ở tuyến cơ sở. Cần nhập viện khi thấy các dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đau thượng vị, đau bụng từng cơn, ra huyết âm đạo, thai máy yếu hoặc không máy.

Phương Nam

www.phunuonline.com.vn

mang thai, chăm sóc thai kỳ, tam cá nguyệt thứ 3, để có thai kỳ an toàn, chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối, những điều cần lưu ý khi mang thai


      © 2021 FAP
        433,972       761