Sống khỏe

Phòng tránh ung thư cổ tử cung

PN - Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh đang ngày càng gia tăng và gây tử vong cao. Trên thế giới, cứ hai phút lại có một người chết vì căn bệnh này.

Thủ phạm chính: Virus HPV

BS Phương Chi cho biết, khi xét nghiệm các trường hợp bị UTCTC trên thế giới, đều thấy có đến 99,7% trường hợp có sự hiện diện của virus HPV (human papilloma virus). Đến nay, HPV được xem là thủ phạm chính gây ra UTCTC. Thực tế, dù HPV hiện diện khắp nơi trên thế giới với 70% dân số bị nhiễm, song có đến 70% trường hợp sau một năm không còn nhiễm HPV và sau hai năm là 91%. Người đã nhiễm vẫn có thể bị nhiễm lại. Hầu hết những người nhiễm HPV đều không bị UTCTC.

HPV lây truyền qua tiếp xúc da với da, da - niêm mạc; quan hệ tình dục; mẹ sang con; dùng chung vật dụng (đồ lót, găng tay…). Thông thường người bị nhiễm không có triệu chứng gì. Những trường hợp sau có nguy cơ cao lây nhiễm HPV: nhỏ hơn 25 tuổi, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục trước 16 tuổi, bạn tình hoặc chồng có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ.

Các nhà khoa học đã xác định, có hơn 120 týp HPV, chia làm hai nhóm sinh ung thư và không sinh ung thư. Týp sinh ung thư có khoảng 15 - 20 loại, gây UTCTC nhiều nhất là HPV týp 16 và 18. Riêng týp 16 có thời gian nhiễm kéo dài hơn các týp khác và phần lớn lại không được phát hiện trong hai năm đầu.

Hai týp không sinh ung thư thường gặp nhất là týp 6 và 11, loại gây ra mụn cóc vùng hậu môn. Nếu bị nhiễm hai týp này thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm týp 16, 18. Nếu bị nhiễm loại HPV sinh ung thư thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm UTCTC và cả các loại ung thư các vùng khác như: âm đạo, âm hộ, hậu môn.

Nhiễm các HPV sinh ung thư kéo dài và tồn tại nhiều năm là nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh UTCTC và có khoảng 10% phụ nữ rơi vào tình trạng này.

Không tham gia chương trình tầm soát UTCTC; không theo dõi hay điều trị sau khi có kết quả phết tế bào tử cung (Pap’s) bất thường; bị nhiễm HPV kéo dài; hút thuốc lá (chủ động lẫn bị động); không chích ngừa HPV là những đối tượng có nguy cơ bị mắc UTCTC cao.

Tầm soát: biện pháp phòng ngừa hiệu quả

UTCTC được chia làm chín giai đoạn. Nếu được phát hiện ở giai đoạn một và hai, được điều trị thích hợp thì tỷ lệ sống lên đến 90 - 100%. Do vậy việc sàng lọc, tầm soát là cực kỳ quan trọng để phát hiện và điều trị những tổn thương tiền ung thư hoặc phát hiện và điều trị tốt ung thư giai đoạn sớm.

Gần đây, để ngừa UTCTC còn có biện pháp chích ngừa, áp dụng cho phụ nữ dưới 26 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa biết được hiệu quả có kéo dài đến 20 - 30 năm hay không. Vì vậy, dù có chích ngừa thì tham gia tầm soát vẫn là điều bắt buộc. Tầm soát UTCTC bằng xét nghiệm đã được thực hiện thành công ở hầu hết các nước phát triển.

Hiện có bốn dạng xét nghiệm tầm soát UTCTC đang được áp dụng: Pap’s, VIA, VILI, HPV DNA. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định cho phù hợp. Nếu làm Pap’s, mỗi năm có thể giảm được 90 - 93% nguy cơ, mỗi hai năm giảm 86 - 91%, mỗi ba năm giảm 75 - 88%, hai lần trong đời giảm 29 - 42%, một lần trong đời chỉ giảm được 17 - 32%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải tầm soát càng nhiều càng tốt vì kết quả còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Pap’s nên được thực hiện từ tuổi 30 hoặc trẻ hơn nếu có yếu tố nguy cơ cao (không dưới 25 tuổi). Nếu chỉ có khả năng làm một lần trong đời thì nên thực hiện ở tuổi 35 - 45. Sau 50 tuổi nên làm 5 năm/lần. Từ 29 - 49 tuổi thực hiện ba năm/lần.

 An Hà

www.phunuonline.com.vn

tử cung, ung thư cổ tử cung, ngừa ung thư cổ tử cung


      © 2021 FAP
        433,984       754