PNCN - Đơn giản chỉ là chiếc bánh tròn thường được làm từ bột mì và tráng mỏng, nhưng không có loại bánh nào “qua mặt” bánh crepe về sự đa dạng trong khẩu vị lẫn mức độ phổ biến trên thế giới.
Bánh crepe có nguồn gốc từ vùng Bretagne (tiếng Anh gọi là Brittany) - một bán đảo với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ miền Tây Bắc nước Pháp. Thời xa xưa, bột mì trắng là nguyên liệu xa xỉ, người nông dân dùng bột kiều mạch có màu sậm hơn để làm bánh crepe không nhân, ăn thay bánh mì. Dần dần, đời sống được cải thiện và người ta dùng bột mì trắng cho món bánh crepe tráng miệng sau bữa ăn. Bánh crepe trở thành đặc sản, mau chóng lan rộng khắp châu Âu rồi tới các châu lục khác.
Bánh crepe gồm hai phần, vỏ bánh và nhân. Vỏ bánh được làm từ những nguyên liệu dễ kiếm như bột mì, trứng, sữa, bơ, muối và đường. Cách pha bột không khó, chỉ cần trộn đều các nguyên liệu bằng tay hoặc máy xay sinh tố là được, nhưng để tạo ra chiếc bánh crepe như ý thì không đơn giản. Người làm bánh phải khéo léo đổ bột trên chiếc chảo nóng đáy bằng, dùng cán quay chuyên dụng quay sao cho bột đều, không bị chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh đạt chuẩn phải mềm, mỏng như giấy và không bị rách khi gấp vào. Theo kinh nghiệm của thợ làm bánh, nhồi bột xong, cần để bột nghỉ ít nhất một giờ trước khi tráng, bánh mới mịn.
Phần nhân bánh có hai loại nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn truyền thống kiểu Pháp thường là trứng, jambon, nấm, phô mai và các loại thịt, bánh làm từ bột kiều mạch và không ngọt. Thưởng thức bánh crepe mặn đúng điệu không thể thiếu rượu táo cider thơm thơm ngọt ngọt. Bánh crepe ngọt dùng để tráng miệng hay ăn điểm tâm, làm từ bột mì trắng hơi ngọt, nhân mứt, sôcôla đun chảy, caramel, kem tươi, hạnh nhân, chuối chín, dâu tây, táo, lê… Trái cây cho vào nhân bánh thường được làm chín trước bằng cách nướng hoặc áp chảo.
Một trong các loại bánh crepe ngọt khá đặc biệt là Mille crepe, được làm từ nhiều lớp crepe chồng lên nhau với nhân dâu tây và kem tươi béo ngậy. “Mille” nghĩa là “một nghìn”, ám chỉ nhiều lớp bánh crepe. Suzette là loại bánh crepe nổi tiếng ở Pháp và Bỉ, được trang trí bằng lớp vỏ cam bào mỏng và rượu mùi (thường là Grand Marnier). Người ta kể rằng loại bánh crepe này đã chinh phục hoàng tử xứ Wales, sau này là Vua Edward VII nhân một lần ghé thăm quán cà phê “Café de Paris” ở Monaco, và được đặt tên “Suzette” kể từ đó. Cherry Kijafa là loại bánh crepe truyền thống khá phổ biến khác, với nhân trái cherry rim trong nước xốt rượu vang Kijafa.
Khi du nhập vào Ý, bánh crepe được gọi là “Crespella”. Crespella có thể cuộn, gấp hoặc xếp chồng với nhân mặn hay ngọt. Người Ý không chuộng nhân ngọt, thường thưởng thức bánh crepe nhân mặn với phô mai, thịt và rau bó xôi cùng nước xốt cà chua trứ danh. Tại Nga và các nước Bắc Âu, bánh crepe được gọi là blini, dày hơn crepe thông thường. Bột làm blini còn được trộn với bia, tạo hương vị khá đặc trưng. Nhân bánh blini có khoai tây, hành tây, thịt xông khói, thịt nguội, nấm, phô mai, cá biển, sữa chua, mật ong và đặc biệt là trứng cá muối.
Ở Ấn Độ, bánh crepe được biến tấu thành “dosa”, là một món ăn sáng hấp dẫn. Nhân bánh đơn giản hơn, nhưng đậm mùi gia vị, một đặc trưng của ẩm thực Ấn. Ở miền Bắc Trung Quốc cũng có kiểu bánh tương tự gọi là jian bing, nghĩa là “bánh chiên” theo tiếng Trung Quốc, thường được dùng để ăn sáng kèm nhân riêng bên ngoài, không cuộn vào bánh.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến bánh crepe Nhật. Với sự tinh tế vốn có trong ẩm thực, người Nhật đã sáng tạo các kiểu nhân mới lạ gồm kem, kem tươi, xốt sôcôla, xốt đậu đỏ, vị trà xanh, vani, đặc biệt là trái cây tươi, không qua chế biến như nguyên bản. Cách gói bánh crepe Nhật cũng khác lạ, rất bắt mắt. Nhân bánh mặn theo phong cách Nhật thường là gà xốt Teriyaki, cà ri cá ngừ, tôm xốt mayonnaise.
Ở TP.HCM, bạn có thể thưởng thức bánh crepe tại Bon Crepetit (217B Phạm Viết Chánh, Q.1), Oxy Bakery (385A Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận), Beanie’s Crepe & Waffles (15N Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), Harajuku Crepe (238B Pasteur, Q.3)...
DƯƠNG THẢO
bánh crepe, ẩm thực Pháp, món ăn sáng, bột mì, bơ, crepe Nhật