Hầu hết các trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn đang gặp những khó khăn trong hoạt động chuyên môn. Cùng với đó, thu nhập của các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến trạm cũng chưa được cải thiện.
Nhân viên y tế xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) đến tận nhà chăm sóc, vệ sinh vết thương cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung |
Trong buổi làm việc mới đây với Sở Y tế, bác sĩ Trần Hữu Lý, Trưởng trạm y tế xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) kiến nghị lãnh đạo Sở cần làm việc với cơ quan bảo hiểm để điều chỉnh công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các trạm.
* Những kiến nghị xác đáng
Theo bác sĩ Hữu Lý, hiện nay tiền công khám bảo hiểm y tế cho một bệnh nhân tại trạm y tế tuyến xã là 25 ngàn đồng/lượt nhưng trạm y tế chỉ được giữ lại 4 ngàn đồng để mua sắm văn phòng phẩm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc, 21 ngàn đồng còn lại phải nộp vào ngân sách. Bác sĩ khám bệnh không được thanh toán một đồng nào. Trong khi đó, mỗi ngày, Trạm y tế xã Xuân Hòa khám bệnh cho từ 70-80 bệnh nhân, công việc của bác sĩ, nhân viên y tế rất nhiều.
Toàn tỉnh hiện có 176 bác sĩ ở 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra còn có 525 y sĩ, 206 hộ sinh, 255 điều dưỡng, 176 dược sĩ và 145 nhân viên y tế dân số. Huyện Long Thành là địa phương có đến 5 trạm y tế có 2 bác sĩ, riêng Trạm y tế xã Phước Thái có 3 bác sĩ. |
Bác sĩ Hữu Lý cũng đề xuất: “Với những xã ở vùng sâu, vùng xa, nằm trên tuyến quốc lộ cần được hỗ trợ 1 xe cấp cứu. Mỗi ngày, trạm y tế chúng tôi có không dưới 5 bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên nhưng không có xe cấp cứu nên nhiều khi công tác chuyển bệnh chậm, ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân”.
Để nâng cao thu nhập cho các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến trạm, bác sĩ Lý đề xuất Sở Y tế hỗ trợ để các trạm được tổ chức tiêm phòng dịch vụ tại trạm. Điều này cũng để cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân trên địa bàn.
Còn bác sĩ Nguyễn Thùy Liên, Trưởng trạm y tế thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đề xuất Sở Y tế có ý kiến với UBND tỉnh bổ sung nhân viên y tế thôn bản cho những ấp, khu phố có đông dân cư.
“Thị trấn Dầu Giây có 4 khu phố, trong đó có 1 khu phố có đến hơn 9,8 ngàn nhân khẩu nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế phụ trách. Trạm y tế đã làm tờ trình đề xuất UBND thị trấn để khu phố này có thêm 1 nhân viên y tế nhưng không được chấp thuận do vướng mắc quy định. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý sức khỏe tại cơ sở. Tình trạng này nếu kéo dài cũng sẽ gây áp lực cho nhân viên y tế” - bác sĩ Liên chia sẻ.
Nói thêm về những vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các trạm y tế, bác sĩ Liên cho biết, mặc dù xã Xuân Thạnh được nâng cấp lên thị trấn Dầu Giây cách đây vài tháng nhưng đến nay các phần mềm tiêm chủng của trạm y tế thị trấn vẫn chưa được cập nhật kịp thời, dẫn đến có sự chênh lệch về số liệu, quản lý đối tượng tiêm chủng.
* Xã hội hóa xe cứu thương
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế thẳng thắn thừa nhận, những thắc mắc, kiến nghị của lãnh đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn, lãnh đạo Sở đã được nghe từ lâu nhưng suốt 1 năm qua chưa thể giải quyết được vì vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế.
Bác sĩ Vũ giải thích, nguyên nhân của việc các trạm y tế chỉ được trích lại 4 ngàn đồng/lượt bệnh nhân khám bảo hiểm y tế là do 21 ngàn đồng còn lại phải nộp cho Nhà nước để được tính cơ cấu giá vào lương. Số tiền này sẽ được dùng để trả lương cho các bác sĩ, nhân viên y tế tại trạm y tế. Nếu bác sĩ ở các trạm muốn được hưởng 25 ngàn đồng tiền công khám bệnh bảo hiểm y tế cho 1 bệnh nhân thì trạm y tế đó phải thực hiện tự chủ tài chính như mô hình của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Điều này rất khó thực hiện.
Về kiến nghị đầu tư mua sắm 40 xe cấp cứu cho các trạm y tế, lãnh đạo Sở Y tế cho biết dù rất muốn nhưng lại vướng văn bản của Bộ Tài chính về việc mua xe ô tô cấp cứu. “Vừa rồi, chúng tôi phải “trày da tróc vảy” mới mua được 1 xe cấp cứu cho Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch thì liên tục đề xuất mua xe cấp cứu nhưng chúng tôi không được quyền tự quyết. Vì vậy, nếu muốn có xe cứu thương cho các trạm y tế đặc thù, phương án tốt nhất là xã hội hóa xe cứu thương nhưng phải được xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng” - Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.
Để các trạm y tế phát triển, người dân tin tưởng lựa chọn là nơi khám chữa bệnh ban đầu, các y, bác sĩ có đời sống ổn định, không nghỉ việc, bỏ việc, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần thay đổi cơ chế tài chính của các trạm y tế, không thể “xây nhà từ nóc” như hiện nay, tức là tập trung đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà “quên” đầu tư cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Hạnh Dung