Xã hội

Sân chơi sáng tạo bổ ích

Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học được Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hằng năm đã tạo sân chơi bổ ích cho nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh...

Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học được Sở GD-ĐT tổ chức hằng năm đã tạo sân chơi bổ ích cho nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh. Qua cuộc thi đã phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, biến ý tưởng thành những sản phẩm có tính thực tiễn cao, góp phần giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống.

Nhóm học sinh đến từ Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu máy bẫy côn trùng bằng chế phẩm sinh học
Nhóm học sinh đến từ Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu máy bẫy côn trùng bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: C.Nghĩa

Nhóm học sinh đến từ Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) mang đến cuộc thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học năm học 2019-2020 sản phẩm Máy bẫy côn trùng bằng sinh phẩm. Sản phẩm ra đời từ thực tế khu nhà các em ở có một số hộ chăn nuôi gia súc nên ruồi, muỗi khá nhiều. Nếu dùng hóa chất mạnh diệt ruồi muỗi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gia súc.

* Những ý tưởng độc đáo

Nhóm đã chế ra loại sinh phẩm nguồn gốc tự nhiên từ phấn hoa, chuối ngâm… mà côn trùng thường thích ăn đặt vào trong bẫy để “dụ” côn trùng. Khi côn trùng vào bẫy sẽ bị tiêu diệt bằng một nguồn điện trở nhỏ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Việc đổi mới phương pháp dạy và học, nhất là dạy học theo dự án tại các trường phổ thông hướng học sinh vào nghiên cứu khoa học đã kích thích sự sáng tạo nhiều hơn của các em. Từ đó có nhiều sản phẩm nghiên cứu của học sinh ra đời, có khả năng ứng dụng vào thực tế. Sân chơi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học sẽ tạo động lực không nhỏ giúp cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới thuận lợi và hiệu quả hơn”.

Em Chướng Kim Yến, đại diện nhóm cho biết, để dụ được nhiều côn trùng sập bẫy, nhóm đã dùng một chiếc quạt nhỏ đặt vào bên trong bẫy, giúp khuếch tán mùi sinh phẩm đi xa hơn. Khi thấy mùi hấp dẫn, côn trùng sẽ bay theo đường phát ra mùi sinh phẩm và sập bẫy một cách dễ dàng.

Yến cho biết: “Nhóm của em mất hai tháng để chế tạo ra chiếc máy bẫy với chi phí hơn 2 triệu đồng. Ngoài bẫy được ruồi, muỗi còn có thể bẫy được một số loài sâu bướm phá hoại hoa màu. Đặc biệt, chiếc máy này hoàn toàn chạy bằng nguồn năng lượng mặt trời nên không tốn chi phí vận hành.

Còn nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) là Phan Tú Phúc Doanh và Nguyễn Phương Duy đã hợp sức nghiên cứu, tạo ra những chiếc thùng rác thông minh, có thể phân biệt được rác thường và rác kim loại.

Phúc Doanh cho hay, trên mỗi thùng rác được lắp đặt thiết bị cảm biến với kim loại để phân biệt rác thường và rác kim loại. Nếu phát hiện rác kim loại, thùng rác sẽ tự động mở nắp, đồng thời phát ra âm thanh mời bỏ rác vào thùng, sau đó là lời cảm ơn khá dễ thương. “Rác chứa kim loại rất khó phân hủy, ảnh hưởng xấu đến môi trường nên phân loại được rác kim loại có thể tái chế được, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn” - Doanh hào hứng chia sẻ.

Trong khi đó, nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) đã thể hiện khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin ở trình độ khá cao. Nhóm tham dự cuộc thi với sản phẩm Giường thông minh hỗ trợ và chăm sóc giấc ngủ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Sản phẩm giường thông minh này hoàn toàn có thể phát triển, ứng dụng vào thực tế nếu có được nhà đầu tư hỗ trợ về vốn và kỹ thuật. 

Giới thiệu chiếc giường thông minh, em Âu Quốc Cường cho hay: “Chiếc giường có khả năng lọc và làm mát không khí, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, cảm biến đo thân nhiệt của trẻ, biết được số giờ ngủ của bé trong ngày liệu có đủ giấc hay không…? Các dữ liệu sẽ được bộ xử lý UNO phân tích và chuyển đến điện thoại của cha mẹ.

* Tạo sân chơi lành mạnh

Thời gian qua từng xảy ra một số vụ việc đáng tiếc khi học sinh bị bỏ quên trên xe đưa rước từ nhà đến trường, thậm chí có trường hợp học sinh tử vong gây bàng hoàng dư luận. Chính vì vậy, giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi xe đưa rước đã xuất hiện khá nhiều tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 8 này.

Nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) Phan Tú Phúc Doanh và Nguyễn Phương Duy giới thiệu đề tài nghiên cứu thùng rác thông minh. Ảnh: C.Nghĩa
Nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) Phan Tú Phúc Doanh và Nguyễn Phương Duy giới thiệu đề tài nghiên cứu thùng rác thông minh. Ảnh: C.Nghĩa

Nhóm học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã “trình làng” tại cuộc thi sản phẩm nghiên cứu cảm biến phát hiện học sinh bị bỏ quên trên xe. Nhờ thiết bị cảm biến nhiệt, thiết bị có thể quét và phát hiện có người ở trên xe hay không. Nếu có, thiết bị sẽ chuyển tín hiệu về điện thoại di động của chủ xe, hoặc phát ra âm thanh cảnh báo để mọi người biết và ứng cứu.

Em Nguyễn Ngọc Hải Yến, một trong 2 tác giả của sản phẩm thiết bị cảm biến phát hiện trẻ bị bỏ quên trên xe cho hay: “Từ những vụ việc đáng tiếc học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian qua đã hối thúc chúng em cho ra đời sản phẩm này. Tại cuộc thi, nhóm của em đã nhận được nhiều lời góp ý của Ban giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử, do đó sắp tới chúng em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình tốt hơn và có thể thử nghiệm trên những chiếc xe đưa rước học sinh”.

Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019-2020 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10-1 thu hút 45 trường THCS-THPT tham gia với trên 200 dự án. So với năm học trước tăng 3 đơn vị và trên 35 dự án. Ban tổ chức đã chọn 101 dự án vào vòng chung kết.

Không chỉ có những sản phẩm mang tính kỹ thuật, tại cuộc thi năm nay tiếp tục đón nhận nhiều đề tài nghiên cứu ở lĩnh vực y sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch, năng lượng gió. Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu khoa học xã hội gắn với đời sống học tập của học sinh cũng được các thí sinh đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc. Trong số này có đề tài nghiên cứu về tình hình bạo lực học đường tại TP.Biên Hòa, nhận thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên…

Nông Thị Mơ và Lăng Thị Ngọc Hà là 2 thí sinh đặc biệt của cuộc thi năm nay khi đều là học sinh dân tộc Nùng của Trường THPT dân tộc thiểu số Điểu Xiểng (huyện Xuân Lộc). Đề tài của hai em mang đến cuộc thi cũng đặc biệt và không bị “đụng hàng”, đó là nghiên cứu về Văn hóa hát Sli của người dân tộc Nùng. Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi: “Đề tài của Mơ và Hà tham dự cuộc thi rất khó, nội dung đề tài đã thuyết phục được Ban giám khảo cả về cơ sở lý luận và thực tiễn, các giải pháp để giữ gìn và phát huy văn hóa hát Sli cũng được nêu ra rất cụ thể”.

Nông Thị Mơ cho hay: “Đồng bào dân tộc Nùng ở Đồng Nai không nhiều, tiếng Nùng và văn hóa hát Sli ngày càng mai một, nhiều người trẻ sinh ra, lớn lên không biết nói tiếng Nùng, không biết hát Sli là gì. Do đó, chúng em đã thành lập các Câu lạc bộ Em yêu tiếng Nùng, diễn đàn tiếng Nùng trên mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi hát tiếng Nùng… để không chỉ những người dân tộc Nùng biết nói tiếng Nùng, biết đến văn hóa hát Sli mà các dân tộc anh em cũng có dịp biết đến văn hóa hát Sli độc đáo của người dân tộc Nùng”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,047,375       316